Viêm mũi dị ứng đặc trưng bởi tình trạng ngạt mũi, hắt hơi, xung huyết, ngứa và chảy nước mũi. Đây là một bệnh lý xảy ra do hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với tác nhân gây dị ứng có trong môi trường sống.
Vậy tại sao cùng tiếp xúc với các chất gây dị ứng nhưng có người bị dị ứng còn người khác lại không bị? Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng qua bài viết dưới đây.
Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng
Ở những người bị dị ứng, hệ miễn dịch nhận diện các tác nhân gây dị ứng là “có hại”, chúng như một kẻ xâm nhập nguy hiểm và cơ thể bắt đầu sản xuất các chất để chống lại.
Các tác nhân gây dị ứng (hay còn gọi là dị nguyên) đóng vai trò là các kháng nguyên, khi gặp kháng thể tương ứng trong cơ thể, lập tức sẽ xảy ra phản ứng dị ứng.
Phản ứng dị ứng xảy ra ở lớp nhầy niêm mạc của đường hô hấp trên (mũi, họng, xoang,...) gây ra hiện tượng viêm và kích thích niêm mạc với các biểu hiện như là ngứa mũi, hắt hơi, ngạt mũi và chảy nước mũi. Tình trạng này sẽ chấm dứt nếu người bệnh được điều trị đúng cách.
Tác nhân gây viêm mũi dị ứng theo mùa
Khi viêm mũi dị ứng chỉ xuất hiện tại một thời điểm nhất định trong năm thì gọi là viêm mũi dị ứng theo mùa. Các tác nhân gây bệnh dị ứng mũi thường gặp là:
- Phấn hoa: Phấn hoa bạch dương và sồi là một trong những chất gây dị ứng phổ biến nhất vào mùa xuân. Trong khi đó phấn hoa cỏ là yếu tố chính gây dị ứng vào mùa hè.
- Do thời tiết: Mưa nắng thất thường, ẩm ướt, nóng lạnh đột ngột làm cơ thể người bệnh chưa kịp thích nghi với sự thay đổi, dẫn đến sự mất cân bằng sinh lý.
- Nấm mốc và ký sinh trùng: Phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết ẩm ướt cũng là dị nguyên thường gặp gây dị ứng mũi.
Khi chuyển mùa hay khi thời tiết thay đổi liên quan số lượng phấn hoa trong không khí. Khí hậu ấm lên đã làm tăng số lượng và kéo dài mùa phấn hoa. Thêm vào đó, thời tiết nóng ẩm cũng là môi trường thuận lợi cho bào tử nấm mốc và các loại ký sinh trùng phát triển gây bệnh. Đây chính là lý do khiến viêm mũi dị ứng thường xảy ra lúc chuyển mùa.
Tác nhân gây viêm mũi dị ứng quanh năm
Nếu bị viêm mũi dị ứng quanh năm, nguyên nhân có thể là do:
- Dị ứng lông và da của động vật: Lông và da của động vật có khả năng kích ứng các phản ứng dị ứng và gây viêm mũi dị ứng.
- Nấm mốc: Nấm có thể phát triển ở những nơi ẩm ướt. Vì vậy, nhiều người sống ở ở môi trường ẩm ướt, khả năng thông gió kém có nhiều khả năng bị viêm mũi dị ứng quanh năm.
- Mạt nhà: Đây là những con bọ cực nhỏ có trong không khí. Hít không khí có mạt bụi thường xuyên làm cho tình trạng viêm mũi dị ứng xảy ra quanh năm.
- Bệnh lý: Ngoài ra, viêm mũi dị ứng quanh năm có thể liên quan đến một số bệnh lý (viêm mũi, viêm xoang...), thuốc (như Aspirin, thuốc chống viêm,...).
Ai có nguy cơ cao mắc bệnh viêm mũi dị ứng?
Theo thống kê hiện nay có khoảng 10-30% dân số thế giới mắc bệnh viêm mũi dị ứng với 2 dạng chính là viêm mũi dị ứng theo mùa và viêm mũi dị ứng quanh năm.
Bệnh dị ứng có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, nhưng bạn có khả năng bị viêm mũi dị ứng nếu có tiền sử dị ứng trong gia đình đã có người mắc bệnh này. Nếu một trong bố hoặc mẹ bị dị ứng thì nguy cơ con sẽ tiến triển bệnh dị ứng khoảng 30-40% và tỷ lệ này sẽ là 60-70% nếu cả hai bố và mẹ đều mắc bệnh dị ứng.
Nếu bạn bị các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch như hen suyễn hoặc bệnh chàm da thì cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm mũi dị ứng. Ngoài ra, cơ địa dị ứng có liên quan mật thiết với bệnh viêm mũi dị ứng, bởi vì những người có cơ địa dị ứng (bị mề đay mạn tính, eczema, hen suyễn,...) có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn người bình thường.
Bệnh viêm mũi dị ứng không phải là bệnh truyền nhiễm, do đó không có khả năng lây truyền từ người mắc bệnh sang người khỏe mạnh.
Tổng kết lại, nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng là những tác nhân phổ biến trong môi trường sống như phấn hoa, mạt nhà, lông chó mèo… Người có cơ địa nhạy cảm cần học cách sống chung với bệnh bằng cách hạn chế tối sự tiếp xúc với dị nguyên.