Cách giảm đau khi mọc răng khôn 
Đau khi mọc răng khôn
Mọc răng khôn thường gây đau vài ngày, nghiêm trọng có thể kéo dài đến cả tháng - Ảnh BookingCare

Cách giảm đau khi mọc răng khôn 

Tác giả: - Xuất bản: 03/04/2024 - Cập nhật lần cuối: 04/05/2024
Mọc răng khôn là nỗi ám ảnh và sợ hãi của rất nhiều lớn người trưởng thành. Các triệu chứng có thể kéo dài một vài ngày nhưng khi đau nhức kéo dài và không đáp ứng với các biện pháp giảm đau thông thường và tái diễn nhiều lần gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt thì cần phải nhổ để loại bỏ hoàn toàn sự khó chịu.

Một số biện pháp có thể giúp giảm cảm giác đau nhức khó chịu khi mọc răng khôn mà bạn có thể áp dụng tại nhà như vệ sinh răng miệng thật kỹ, sử dụng nước súc miệng, liệu pháp nhiệt, sử dụng thuốc giảm đau.

Vì sao mọc răng khôn thường gây ra nhiều triệu chứng khó chịu?

Răng khôn hay còn gọi là răng số 8, nằm ở góc trong cùng của hai cung hàm và thường mọc sau các răng khác. Mỗi người trưởng thành trung bình có từ 28 đến 32 chiếc răng.

Một số người sẽ không có mầm răng khôn, có người răng khôn không mọc lên trên cung hàm và số người có răng khôn mọc lên và cảm thấy đau nhức, khó chịu chiếm tỉ lệ khá cao.

Có nhiều lý do khiến cho răng khôn mọc lên và gây ra nhiều triệu chứng khó chịu.

Nguyên nhân chính là do sự tiến hóa của loài người hiện đại làm diện tích xương hàm nhỏ lại trong khi đó mầm răng khôn chưa kịp tiêu biến đi, khi răng khôn mọc lên trên mỗi cung hàm thường bị thiếu chỗ và hậu quả là sẽ không mọc thẳng như các răng bình thường, có thể mọc ngầm, mọc lên một phần hoặc mọc lệch ra ngoài má hoặc vào phía trong.

Các trường hợp mọc bất thường này đều có thể gây ra viêm nhiễm và bệnh nhân cảm thấy đau nhức.

Trong quá trình răng mọc, bề mặt nướu phía trên bị răng khôn phá vỡ, có thể dẫn tới sưng nề và tạo ra những cơn đau nhức dai dẳng. Ngoài ra, răng khôn cũng có thể mắc kẹt ở nướu, khiến cho phần nướu trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương.

Răng khôn mọc cũng tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển một cách mạnh mẽ. Đặc biệt, nếu bệnh nhân vệ sinh răng miệng không kỹ, tại vị trí răng khôn mọc, thức ăn bị giắt lại sẽ khiến cho các vi khuẩn sinh sôi một cách nhanh chóng và có thể dẫn tới các nguy cơ mắc phải các bệnh nha chu như nhiễm trùng, áp xe quanh thân răng. 

Cách giảm đau khi mọc răng khôn tại nhà

Mọc răng khôn thường gây đau vài ngày, có người đau 1 - 2 ngày, có người đau 1 tuần, nghiêm trọng có thể kéo dài đến cả tháng. Nếu răng mọc thẳng như bình thường thì cơn đau cấp khi mọc răng khôn thường sẽ kéo dài trong khoảng 3 - 4 ngày và tự hết.

Đối với răng mọc bất thường (mọc ngầm, mọc lệch) cơn đau nhức sẽ diễn ra theo từng đợt trong vòng 6 - 8 tuần và bạn cần áp dụng các biện pháp chăm sóc răng miệng tại nhà dưới đây để giảm tình trạng đau nhức và tránh các biến chứng khi mọc răng khôn:

Vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng

Khi mọc răng khôn cần chú ý vệ sinh răng miệng thật kỹ lưỡng, lấy sạch thức ăn nhất là ở vùng răng khôn để giảm đọng thức ăn gây khó chịu và có thể dẫn đến tình trạng viêm quanh thân răng.

Nên đánh răng 2-3 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa, nước súc miệng để làm sạch kẽ răng mỗi ngày nhằm đảm bảo vi khuẩn không xâm nhập vào vùng răng khôn.

Súc miệng bằng nước muối là biện pháp hỗ trợ vệ sinh răng miệng đơn giản nhưng mang tính hiệu quả cao. Nước muối có tính chất sát trùng, giúp hỗ trợ làm sạch khoang miệng, hạn chế vi khuẩn phát triển và tránh tình trạng viêm nhiễm.

Liệu pháp nhiệt

Chườm đá là phương pháp giúp làm giảm nhanh triệu chứng đau nhức do mọc răng khôn. Bạn có thể lấy một ít đá bọc vào khăn sạch rồi chườm ở bên ngoài má tương ứng vùng mọc răng khôn để giảm đau tạm thời.

Bên cạnh cách chườm đá giảm đau, người bệnh cũng có thể áp dụng phương pháp chườm nóng. Phương pháp này giúp giãn nở các mạch máu, tăng cường lưu lượng máu và làm giảm viêm sưng hiệu quả. Áp dụng hai phương pháp chườm nóng và lạnh xen kẽ nhau để giúp đau nhức răng khôn.

Sử dụng thuốc giảm đau

Khi vùng răng khôn đau nhức dữ dội, bạn có thể uống các thuốc giảm đau như Ibuprofen hoặc Paracetamol. Người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo ý kiến nhân viên y tế trước khi dùng để phòng ngừa tác dụng phụ.

Thuốc giảm đau chỉ có tác dụng tạm thời, do đó nên đến nha sĩ thăm khám để được giải quyết dứt điểm tình trạng đau.

Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn nhiều thông tin bổ ích, đặc biệt là các biện pháp giảm đau nhức, khó chịu khi mọc răng khôn ngay tại nhà. Trong những trường hợp nặng như sốt cao, cứng khít hàm, nhiễm trùng lan tỏa thì cần phải đi thăm khám để điều trị kịp thời. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết