Dấu hiệu cho biết răng khôn đang mọc 
Dấu hiệu cho biết răng khôn đang mọc 
Đau khi mọc răng khôn
Răng khôn mọc lên sẽ  xuyên qua nướu gây đau nhức- Ảnh: BookingCare

Dấu hiệu cho biết răng khôn đang mọc 

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 03/04/2024 | Cập nhật lần cuối: 04/05/2024
Răng số 8 mọc trong khoảng thời gian từ 18 đến 26 tuổi, độ tuổi trưởng thành và khôn lớn nên còn được gọi là răng khôn. Có không ít trường hợp răng khôn mọc lên gây ra các triệu chứng đau nhức khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và sinh hoạt của người bệnh và phải cần đến can thiệp từ nha sĩ. 

Mức độ đau nhức và khó chịu ít hay nhiều khi răng khôn mọc tùy thuộc vào ngưỡng chịu đau do đó mỗi người sẽ có một trải nghiệm khác nhau. Các triệu chứng mà nhiều người than phiền khi mọc răng khôn bao gồm nướu đỏ và sưng đau kèm theo sốt, hơi thở có mùi khó chịu. 

Triệu chứng khi răng khôn mọc 

Răng khôn mọc không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng và thông thường bạn có thể có những triệu chứng dưới đây: 

Nướu đỏ và sưng tấy

Cũng giống như những răng khác, mọc răng khôn có thể khiến nướu sưng đỏ. Bạn có thể dễ dàng quan sát bằng mắt đối với răng khôn hàm dưới, tuy nhiên hàm trên rất khó thấy được, chỉ có thể sờ và cảm nhận. Một số ít trường hợp chạm vào dễ chảy máu. 

Sưng đau, khó chịu  

Ban đầu răng nằm trong xương và dưới nướu, khi răng khôn mọc lên sẽ  xuyên qua nướu để hiện diện trên cung hàm do đó gây đau nhức khi mọc răng khôn. Đôi khi sau một thời gian, bạn sẽ thấy đau tái phát với cường độ khác nhau tùy vào tình trạng răng khôn mọc. 

Ở vị trí sâu phía trong cung hàm nơi răng khôn mọc lên sẽ có tình trạng sưng nề nhẹ vùng nướu và cơn đau có thể tăng lên khi ăn nhai. 

Đau nhức răng

Đây là triệu chứng phổ biến nhất khi mọc răng khôn. Tùy theo vị trí và mức độ mọc của răng khôn mà mức độ đau sẽ khác nhau. Đau răng có thể lan lên đầu làm người bệnh không ăn ngủ được, gây ảnh hưởng không ít đến học tập và công việc. 

Đau hàm, há miệng hạn chế

Đau hàm, há miệng nhỏ hơn so với bình thường là triệu chứng hay gặp khi mọc răng khôn hàm dưới. Tình trạng này sẽ được cải thiện sau 2 - 3 ngày nếu áp dụng các biện pháp giảm đau thích hợp. 

Hơi thở có mùi khó chịu

Khi nướu bị tách ra để răng khôn mọc lên, thức ăn có thể bị mắc kẹt lại đó và trong trường hợp vệ sinh không sạch sẽ, thức ăn bị phân giải và gây ra mùi khó chịu. Người bệnh đôi khi cảm thấy vị đắng trong miệng do sản phẩm của quá trình viêm gây ra. 

Sốt 

Khi mọc răng khôn nhiều người sẽ bị sốt, có thể là sốt cao hoặc sốt nhẹ kéo dài khiến cơ thể rất mệt mỏi. Răng đau khiến bệnh nhân không thể ăn uống thoải mái và cơn sốt kéo dài càng khiến bệnh nhân suy nhược.

Đau răng khôn khi nào cần khám nha sĩ? 

Bạn cần phải đi khám nha sĩ ngay khi đã áp dụng các biện pháp giảm đau khi mọc răng khôn tại nhà nhưng chưa hiệu quả. Lúc này, bác sĩ sẽ thăm khám, kê đơn thuốc và lên kế hoạch điều trị cụ thể cho từng trường hợp đau răng khôn. Thông thường, răng khôn hàm dưới gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh hơn răng khôn hàm trên.

Nên đi khám nha sĩ khi có các dấu hiệu sau: 

  • Sưng đau kéo dài và ít đáp ứng với thuốc giảm đau.
  • Nếu cơn đau kéo dài hơn 3 - 4 ngày hoặc trở nên dữ dội hơn.
  • Thường xuyên giắt thức ăn ở vùng răng khôn gây khó chịu.
  • Hạn chế há miệng.
  • Các dấu hiệu nhiễm trùng: sốt cao kèm sưng tấy vùng răng khôn. 

Tóm lại, tình trạng đau nhức và khó chịu khi mọc răng khôn là một triệu chứng răng miệng thường gặp trong độ tuổi từ 18 - 25 tuổi. Khi nghi ngờ răng khôn đang mọc, bạn cần tăng cường vệ sinh răng miệng, sử dụng nước súc miệng sát khuẩn.

Nếu có biểu hiện sưng mặt, nổi hạch, khít hàm, cùng với các dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân bao gồm sốt, khó nuốt hoặc tắc nghẽn đường thở, cần phải đi gặp nha sĩ ngay để được điều trị kịp thời. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết