Khi răng khôn mọc lên trên cung hàm người bệnh có thể có các triệu chứng đau nhức khó chịu kéo dài khoảng 3 đến 4 ngày. Tuy nhiên, nếu sưng đau kéo dài và gây hạn chế há miệng thì cần phải đi khám để được bác sĩ tư vấn và điều trị.
Quá trình mọc răng khôn có phần giống với các răng vĩnh viễn khác, chúng đều phải xuyên qua lớp nướu bên trên để có mặt trên cung hàm. Trong quá trình đó có thể gây ra một số triệu chứng khó chịu như:
Trong quá trình mọc lên, bề mặt nướu phía trên bị răng khôn xuyên qua, có thể dẫn tới sưng nề và tạo ra những cơn đau nhức dai dẳng. Ngoài ra, răng khôn cũng có thể mắc kẹt ở nướu, khiến cho phần nướu trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương.
Bên cạnh đó, do răng khôn mọc sau cùng và cung hàm thường không có đủ chỗ để chúng mọc thẳng như các răng vĩnh viễn khác. Do đó, răng khôn thường mọc lệch, xô lệch răng đứng trước nó, dễ dẫn đến tình trạng sưng đau.
Rất nhiều người trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi thường đến khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt vì tình trạng đau nhức ở vùng răng phía sau cùng.
Nếu nghi ngờ răng khôn đang mọc hoặc mọc ngầm, mọc lệch bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng và chỉ định chụp phim Xquang để đánh giá tình trạng răng khôn.
Về lâm sàng, khám răng khôn có bị lệch trục không, răng có thể bị kẹt bởi răng hàm lớn thứ hai, mặt nhai răng khôn có thể không chạm mặt phẳng cắn, biến chứng viêm quanh thân răng hoặc các viêm nhiễm khác.
Về cận lâm sàng, có thể chỉ định chụp phim X quang: phim Panorama, phim hàm dưới chếch, Conebeam CT để đánh giá tình trạng răng mọc lệch trục, hướng và vị trí. Bên cạnh đó có thể có hình ảnh tổn thương mất mô cứng hoặc tiêu xương mặt xa răng hàm lớn thứ hai.
Khi răng khôn mọc lên trên cung hàm bạn có thể có các triệu chứng đau nhức khó chịu kéo dài khoảng 3 đến 4 ngày. Răng khôn sẽ mọc gián đoạn trong một thời gian dài, mọc chậm hơn so với các răng khác. Thời gian mọc và xuất hiện có thể kéo dài vài tháng, thậm chí vài năm.
Trong quá trình răng khôn mọc, nếu chúng ta không vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng có thể gây nhồi nhét thức ăn và nhiễm khuẩn vùng nướu quanh thân răng khôn.
Trong trường hợp răng khôn mọc lên nhưng bị kẹt trong xương hàm (do cung hàm không đủ chỗ) thì có thể bị lợi trùm. Lợi trùm cũng gây nhồi nhét thức ăn và gây ra viêm lợi, áp xe. Răng hàm trên cắn chạm lợi trùm sẽ gây sưng đau. Tình trạng đau nhức sẽ kéo dài cho đến khi chiếc răng khôn được nhổ bỏ.
Người bệnh có thể giảm tình trạng đau răng khôn đang mọc tại nhà bằng cách vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng, sử dụng súc miệng sát khuẩn hàng ngày, tránh gây nhồi nhét, tích tụ thức ăn thừa vùng răng khôn, kết hợp chườm nóng và lạnh để giảm đau uống thuốc giảm đau khi cần thiết.
Đối với răng khôn mọc thẳng và không gây ra biến chứng gì thì không cần phải nhổ. Trong trường hợp răng khôn mọc lệch, mọc ngầm gây đau đớn, nhiễm trùng lặp đi lặp lại thì cần phải nhổ càng sớm càng tốt. Hiện nay có hai phương pháp nhổ răng khôn phổ biến:
Với phương pháp nhổ răng truyền thống, bác sĩ sẽ dùng những dụng cụ chuyên dụng như kìm và bẩy để nhổ răng khôn. Nếu răng mọc kẹt, mọc ngầm có thể lật vạt nướu, mở xương ổ răng để lấy răng. Tùy thuộc vào mức độ phức tạp của răng khôn mọc lệch mà quá trình nhổ răng khôn có thể kéo dài từ 30 đến 45 phút.
Tuy nhiên đối với phương pháp truyền thống này thì bệnh nhân có thể sưng đau kéo dài khoảng 1 tuần sau khi nhổ.
Hiện nay nhiều phòng khám nha khoa áp dụng công nghệ nhổ răng mới không sang chấn, không đau bằng máy nhổ răng Piezotome.
Máy sử dụng các đầu mũi siêu âm chuyên dụng, tác động lực rung liên tục với các biên độ khác nhau di chuyển quanh chân răng làm đứt dây chằng nha chu và giúp lấy răng ra một cách nhẹ nhàng. Nhổ răng bằng máy rút ngắn được nhiều thời gian so với phương pháp truyền thống đồng thời giảm bớt đau đớn và biến chứng sau nhổ răng.
Ngoài ra, phương pháp này còn giúp loại bỏ răng khôn mà không gây nhiều tổn thương đến mô mềm trong miệng.
Răng khôn mọc ở độ tuổi trưởng thành và để thực hiện được chức năng ăn nhai chúng phải có một cặp răng đối nhau ở hàm trên và hàm dưới mỗi bên. Nhưng rất ít người có đầy đủ 4 chiếc răng khôn mọc thẳng để có thể ăn nhai. Do đó răng khôn có rất ít vai trò trong quá trình ăn nhai.
Răng khôn có thể mang lại phiền toái và đau đớn cho rất nhiều người nếu như chúng mọc bất thường. Hầu hết răng khôn đều phải nhổ, dù sớm hay muộn.
Răng khôn mọc còn có thể gây nhiều biến chứng như: viêm nướu, viêm quanh thân răng khôn, áp xe. Nếu tình trạng viêm nhiễm do răng khôn kéo dài mà không khám hay can thiệp kịp thời sẽ gây phá hủy xương xung quanh, làm xô lệch và gây hại cho các răng phía trước.
Hơn nữa, tình trạng đau răng khôn tái phát nhiều lần khiến người bệnh cảm giác mệt mỏi và phiền toái.
Tóm lại, nếu răng khôn mọc lên gây ra các triệu chứng khó chịu thì bạn nên đi gặp bác sĩ để được thăm khám, tư vấn và điều trị. Nếu có dấu hiệu sưng đỏ, nhiễm trùng, bạn sẽ được kê đơn thuốc uống cho đến khi không còn tình trạng viêm nhiễm, sau đó hẹn nhổ.