Cách phòng tránh bệnh suy nhược thần kinh hiệu quả

Tác giả: - Xuất bản: 23/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 19/12/2024
Phòng tránh bệnh suy nhược thần kinh
Phòng tránh bệnh suy nhược thần kinh - Ảnh: BookingCare
Suy nhược thần kinh là tình trạng mệt mỏi và căng thẳng tinh thần mà nhiều người đang gặp phải. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc về cách phòng ngừa suy nhược thần kinh an toàn, hiệu quả được nhiều chuyên gia khuyên dùng.

Các triệu chứng của suy nhược thần kinh gây rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và học tập cho người bệnh. Các cách cải thiện suy nhược thần kinh hiện nay thường phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nặng của bệnh.

Phòng tránh bệnh suy nhược thần kinh từ sớm sẽ giúp bạn tránh xa các vấn đề sức khỏe và duy trì chất lượng cuộc sống ổn định.

Hậu quả của suy nhược thần kinh

Suy nhược thần kinh là căn bệnh tuy không gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng nhưng để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng công việc, cuộc sống. Dưới đây là một số hậu quả đáng lo ngại của bệnh suy nhược thần kinh:

  • Mất ngủ kéo dài: Người bệnh suy nhược thần kinh giai đoạn đầu hầu hết đều có biểu hiện rối loạn giấc ngủ, trằn trọc dễ tỉnh giấc về đêm. Biểu hiện này rất dễ gây nhầm lẫn với mất ngủ thông thường khiến người bệnh có phần chủ quan không khắc phục, lâu dần dẫn gây mất ngủ dài ngày có thể kéo dài vài tuần, vài tháng hoặc cả năm.
  • Hội chứng kích thích suy nhược: Hội chứng này khiến người mắc dễ bị kích thích bởi cường độ cường độ âm thanh lớn hoặc ánh sáng quá cao, gây khó chịu, mệt mỏi,…
  • Ảnh hưởng đến xương khớp: Người mắc suy nhược thần kinh thường kéo theo đau cột sống cổ, mà nhiều người đi khám lại nghĩ đến thoái hóa cột sống cổ…
  • Rối loạn chuyển hóa cơ thể: Suy nhược thần kinh lâu ngày sẽ dẫn đến tim đập nhanh, hạ huyết áp, rối loạn kinh nguyệt ở nữ, rối loạn tiêu hóa,…
  • Tiến triển thành bệnh lý rối loạn lo âu, trầm cảm: Suy nhược thần kinh là một trong những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm.

Cách phòng tránh bệnh suy nhược thần kinh

Có những biện pháp phòng ngừa suy nhược thần kinh mà mọi người có thể áp dụng gồm:

1. Quản lý căng thẳng tâm lý

Hạn chế áp lực và stress trong cuộc sống hàng ngày. Có thể áp dụng các phương pháp thư giãn như yoga, thiền định, tập thể dục, hoặc tham gia các hoạt động giúp giảm căng thẳng như nhảy múa, hát hò, vẽ tranh.

2. Đảm bảo giấc ngủ đủ và chất lượng

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị suy nhược thần kinh. Tuy nhiên nhiều người lại coi nhẹ chất lượng giấc ngủ. Một giấc ngủ ngon được đánh giá bởi hai tiêu chí là ngủ đủ giờ và đủ sâu.

Ngủ đủ khoảng 7-8 giờ mỗi ngày và duy trì thói quen ngủ đều đặn. Tạo môi trường thoáng mát, yên tĩnh, và tối đa hóa sự thoải mái khi điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, và tiếng ồn trong phòng ngủ.

Không ăn quá no trước khi đi ngủ. Khi đi ngủ nên tắt đèn hoặc mở đèn với cường độ ánh sáng thấp để mắt dễ chịu hơn.

3. Dinh dưỡng cân đối 

Bổ sung đủ vitamin và khoáng chất từ một chế độ ăn giàu chất xơ, trái cây, rau xanh, ngũ cốc, chocolate và thực phẩm giàu omega-3.

Tránh hoặc hạn chế tối đa những thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ như đồ chiên rán hoặc xào, nhất là ăn vào buổi tối sẽ làm khó ngủ gây căng thẳng thần kinh.

Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, thức uống có gas,… để tránh gây kích thích cho hệ thần kinh.

4. Duy trì lối sống lành mạnh

Điều chỉnh chế độ sinh hoạt là một phần quan trọng trong việc kiểm soát suy nhược thần kinh. Dưới đây là những lời khuyên về chế độ sinh hoạt lành mạnh, khoa học cho người suy nhược thần kinh:

  • Rèn luyện thể thao đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày và tham gia vào các hoạt động thể chất như đi bộ, chạy bộ, bơi lội để giảm bớt căng thẳng và tăng cường sức khỏe. 
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích như thuốc lá và các chất gây nghiện khác.
  • Hạn chế xem tivi, sử dụng điện thoại hoặc bất kỳ thiết bị điện tử nào trước khi ngủ.
  • Xây dựng thói quen đi ngủ theo một khung giờ nhất định và duy trì đều đặn mỗi ngày..
  • Giữ cho không gian phòng ngủ sạch sẽ, thoáng đãng cũng là một trong các yếu tố quyết định chất lượng giấc ngủ của bạn.

5. Quản lý thời gian và công việc

Lập kế hoạch công việc hợp lý, phân chia thời gian một cách hợp lý để tránh áp lực và quá tải. Hãy học cách ưu tiên công việc quan trọng và biết khi nào nên thư giãn.

6. Hỗ trợ tâm lý

Nếu cảm thấy không thể tự giải quyết các vấn đề căng thẳng và áp lực, hãy tìm sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, hoặc tìm tới các chuyên gia tư vấn tâm lý hoặc nhóm hỗ trợ.

Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ suy nhược thần kinh ở mỗi người bệnh, chuyên gia sẽ có biện pháp can thiệp tâm lý khác nhau. Thông qua những câu hỏi, chuyên gia sẽ giúp người bệnh suy nhược thần kinh tự tìm hiểu và lắng nghe bản thân mình.

Đồng thời, qua đó đánh giá được mức độ bệnh và đưa ra những phương pháp chữa suy nhược thần kinh phù hợp.

Lưu ý rằng việc phòng ngừa suy nhược thần kinh là một quá trình liên tục và yêu cầu sự thay đổi lối sống và tư duy. Hãy thực hiện những biện pháp trên và tìm cách phù hợp cho bản thân để duy trì trạng thái tinh thần và sức khỏe tốt.

Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết