Cách test nhanh Covid qua dịch tỵ hầu và Lưu ý quan trọng

Tác giả: Thảo Hoàng
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
- Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
- Xuất bản: 21/02/2022 - Cập nhật lần cuối: 15/04/2023

Kit test nhanh qua dịch tỵ hầu hiện nay khá phổ biến và được nhiều người sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu sử dụng, lấy mẫu không đúng cách có thể dẫn đến sai số.

Cách test nhanh Covid qua dịch tỵ hầu và Lưu ý quan trọng
Test nhanh Covid qua dịch tỵ hầu cần lưu ý gì?

Kit test nhanh Covid qua dịch tỵ hầu với hơn 70 loại được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam và cũng là loại kit test đang được sử dụng phổ biến hơn so với kit test nhanh qua nước bọt.

Nội dung dưới đây BookingCare sẽ hướng dẫn bạn đọc các sử dụng kit test nhanh Covid qua dịch tỵ hầu để cho kết quả chính xác.

Kit test nhanh Covid qua dịch tỵ hầu có chính xác không?

Hiện tại, kể cả khi Bộ Y tế đã cho phép sử dụng kết quả test nhanh Covid để xác định một người mắc virus Sars-nCov-2, thì phương pháp xét nghiệm PCR vẫn là tiêu chuẩn vàng để khẳng định một người mắc Covid. Tuy nhiên, ngay cả phương pháp PCR được khuyến cáo là chính xác 99%, thì vẫn có 1% sai số.

Các loại kit test nhanh thường có các chỉ số độ nhạy và độ đặc hiệu để xác định độ chính xác. Các chỉ số này được tính toán dựa trên so sánh với kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR.

Theo BookingCare tìm hiểu, các loại test Covid qua dịch tỵ hầu được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam hiện nay đều có độ chính xác trên 90%, đa phần là từ 95%. 

Với các loại kit test có độ chính xác 95% trở lên nghĩa là vẫn có 5% sai số. Các nguyên nhân sai số phổ biến thường xảy ra bao gồm:

  • Cách lấy mẫu chưa đảm bảo.
  • Thực hiện chưa đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất đưa ra.
  • Bảo quản kit test không đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
  • Lượng mẫu quá nhiều hoặc quá ít...

Vì vậy, khi thực hiện test nhanh tại nhà bằng dịch tỵ hầu, bạn đọc cần đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất, thực hiện xét nghiệm theo đúng hướng dẫn để có kết quả chính xác nhất.

Vì vậy, nếu trong trường hợp có tiếp xúc gần với người F0, có triệu chứng nghi ngờ, bạn đọc có thể thực hiện xét nghiệm 3 lần để có được kết quả. Bên cạnh đó, cũng có thể thực hiện xét nghiệm PCR nếu cần.

Hướng dẫn cách test nhanh Covid qua dịch tỵ hầu

Việc thực hiện test nhanh qua dịch tỵ hầu không quá phức tạp nhưng thường mang lại cảm giác không thoải mái, có thể gây đau đớn ở vùng mũi đặc biệt đối với những người đang bị viêm xoang. 

Thành phần bộ kit test qua dịch tỵ hầu

  1. Que ngoáy dịch tỵ hầu (dịch mũi) vô trùng.
  2. Ống nhựa đựng dung dịch đệm.
  3. Nút màng lọc nhỏ giọt.
  4. Khay thử.

Nếu bạn đọc mua nguyên hộp thường sẽ có thêm tờ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, giá đỡ ống chiết mẫu. 

Bộ Kit test humansis
Thành phần Bộ Kit test Humansis (Hàn Quốc) - Ảnh: moh.gov.vn

Các bước thực hiện:

Bước 1: Sát khuẩn tay trước khi thực hiện test nhanh

Bước 2: Chuẩn bị mẫu

Lấy khay thử ra khỏi túi đựng và sử dụng càng nhanh càng tốt trong vòng 1 giờ. Đặt khay thử trên bề mặt phẳng sạch nằm ngang. Lấy que ngoáy tỵ hầu ra khỏi túi và tiến hành thu thập mẫu xét nghiệm.

Bước 3: Lấy mẫu bệnh phẩm

Lấy mẫu dịch tỵ hầu (đối với các bộ kit test yêu cầu lấy mẫu dịch tỵ hầu)

  • Tư thế ngồi lấy mẫu: Ngồi yên, xì nhẹ dịch mũi vào khăn giấy, đầu nghiêng về phía sau một góc 70 độ. Đối với trẻ nhỏ: đặt ngồi trên đùi của cha/mẹ, lưng của trẻ đối diện với phía ngực cha/ mẹ. Cha/mẹ cần ôm trẻ giữ chặt cơ thể và tay trẻ (giống như giữ trẻ khi cho trẻ nội soi tai mũi họng). Yêu cầu cha/mẹ ngả đầu trẻ ra phía sau. Nếu cần thiết, nên nhờ cán bộ y tế lấy mẫu cho trẻ.
  • Cầm que lấy mẫu đưa nhẹ nhàng vào mũi, vừa đẩy vừa xoay giúp que lấy mẫu đi dễ dàng vào sâu 1 khoảng bằng ½ độ dài từ cánh mũi đến dái tai cùng phía. 
  • Giữ que lấy mẫu tại chỗ lấy mẫu trong vòng 5 giây để đảm bảo dịch thấm tối đa. Từ từ xoay 3 vòng, rút que lấy mẫu ra và cho vào ống đã chứa sẵn đệm chiết mẫu.

Lưu ý: Nếu chưa đạt được độ sâu ½ bằng chiều dài từ cánh mũi đến dái tai cùng phía mà cảm thấy có lực cản rõ thì rút que lấy mẫu ra và thử lấy mũi bên kia. Khi cảm thấy que lấy mẫu chạm vào thành sau họng mũi thì dừng lại, xoay tròn rồi từ từ rút que lấy mẫu ra.

Lấy mẫu dịch mũi (đối với các bộ kit test yêu cầu lấy mẫu dịch mũi)

  • Tư thế người được lấy mẫu giống như lấy mẫu dịch tỵ hầu.
  • Cầm que lấy mẫu nhẹ nhàng đưa vào mũi sâu khoảng 2 cm, xoay que lấy mẫu vào thành mũi trong khoảng 3 giây.
  • Sau khi lấy xong 1 bên mũi thì dùng đúng que lấy mẫu này để lấy mẫu với bên mũi còn lại và thao tác như lỗ mũi thứ nhất. Nhẹ nhàng xoay và rút que mẫu ra rồi cho vào ống đã chứa sẵn đệm chiết mẫu.
cách lấy mẫu dịch tỵ hầu
Cách lấy mẫu dịch tỵ hầu để thực hiện xét nghiệm Covid-19 - Ảnh: covid19.gov.vn

Bước 4: Tách chiết mẫu bệnh phẩm

  • Nhúng đầu que lấy mẫu vào ống chiết. Xoay và miết đầu que vào thành và đáy ống 10 lần.
  • Để đầu que ngâm trong dung dịch 1 phút. Bóp 2 thành ống ép vào đầu que. Từ từ xoay que và ép đầu que khi rút để thu dịch càng nhiều càng tốt. Đậy chặt ống bằng nắp nhỏ giọt.
  • Lắc mạnh ống theo chiều ngang 10 lần để trộn đều mẫu. Tránh để dung dịch chạm tới đầu lọc trong nắp nhỏ giọt. Nhỏ 3 giọt mẫu chiết từ ống vào ô nhận mẫu (S) của khay thử và bắt đầu đếm thời gian.

Bước 5: Đọc kết quả xét nghiệm

Tùy theo hướng dẫn của từng nhà sản xuất thời gian đọc kết quả khác nhau. Thông thường thời gian đọc kết quả từ 15 - 30 phút. Không được đọc kết trước hoặc sau thời gian quy định hướng dẫn sử dụng.

Thông thường, mỗi loại kit test cũng sẽ có khoảng thời gian đọc kết quả nhất định, bạn đọc cần lưu ý đọc kỹ hướng dẫn để căn thời gian đọc đúng.

Cách đọc kết quả:

  • Kết quả Âm tính: Chỉ xuất hiện vạch chứng C (vạch đỏ).
  • Kết quả Dương tính: Xuất hiện cả vạch chứng C và vạch kết quả T.
  • Kết quả không có giá trị: Cả vạch chứng C và vạch kết quả T không xuất hiện hoặc chỉ xuất hiện vạch kết quả T.
  • Bạn đọc cần lưu ý, nếu vạch chứng C không xuất hiện có thể do thiếu mẫu hoặc khay thử bị hỏng. Lúc này, phải thực hiện lại test thử xét nghiệm hoặc liên hệ đến cơ sở y tế để được tư vấn hỗ trợ.

Bước 6: Thu gom và xử lý vật liệu xét nghiệm đã sử dụng

Tất cả các vật dụng dùng cho quá trình xét nghiệm đã qua sử dụng được xem như là chất thải lây nhiễm, cần thu gom và xử lý đúng quy định. Rác thải được thu gom vào túi màu vàng, buộc chặt miệng túi và cho vào một túi màu vàng khác, tiếp tục buộc chặt miệng túi.

Các túi này không cho chung với rác thải sinh hoạt và cần thông báo cho y tế địa phương để được thu gom và xử lý theo đúng quy trình, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Lưu ý quan trọng khi test nhanh Covid qua dịch tỵ hầu

Thông thường việc lấy mẫu test nhanh qua dịch tỵ hầu không quá phức tạp nhưng sẽ gây khó chịu cho người được lấy mẫu, vì vậy khi thực hiện test nhanh tại nhà rất có thể sẽ xảy ra trường hợp lấy mẫu không đúng và dẫn đến kết quả xét nghiệm không chính xác.

  • Cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Với mỗi loại test có thể có những điểm khác nhau trong hướng dẫn, nếu làm theo thói quen cũng có thể dẫn đến sai số.
  • Đưa que ngoáy mũi ngập 1/2 chiều dài từ cánh mũi đến tai, nếu chưa đạt độ sâu cần chuyển sang mũi khác. Trường hợp chưa đạt độ sâu cần thiết có thể gây ra sai số khi xét nghiệm.
  • Lượng mẫu nhỏ vào khay thử: thường từ 3-5 giọt tùy từng loại test. Cần nhỏ đúng lượng mẫu theo hướng dẫn.
  • Một số loại kit test sẽ sử dụng được cả dịch mũi và dịch tỵ hầu. Nhưng một số loại chỉ sử dụng được dịch tỵ hầu. Bạn đọc cần phân liệt 2 loại này để lấy mẫu chĩnh xác.

Trên đây là các tổng hợp của BookingCare về hướng dẫn sử dụng kit test nhanh Covid qua dịch tỵ hầu. Mong rằng các thông tin này sẽ hữu ích cho bạn đọc.

 
 
Tài liệu tham khảo
https://moh.gov.vn/
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

Trợ lý AI

© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/