Cẩn thận với những biến chứng, di chứng sau gãy xương

Tác giả: - Xuất bản: 09/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 09/01/2024
Biến chứng sau gãy xương
Các biến chứng sau gãy xương có thể xảy ra nếu không được điều trị đúng cách - Ảnh: BookingCare
Người bệnh gãy xương thường phục hồi sau thời gian khoảng 3 - 4 tháng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách có thể gặp phải các biến chứng: xương không liền, liền chậm, biến dạng, teo cơ, cứng khớp,...

Các biến chứng, di chứng của gãy xương có thể xảy ra nếu người bệnh không được thăm khám kịp thời, điều trị và hồi phục đúng cách. Biến chứng, di chứng gãy xương có thể gây giảm chức năng vận động, tàn phế, hoặc thậm chí tử vong, đặc biệt trong trường hợp gãy xương hở dễ bị nhiễm trùng. 

Các biến chứng thường gặp khi gãy xương

  • Biến chứng sớm: xuất hiện ngay sau/một vài ngày sau khi gãy xương.
  • Biến chứng muộn: xuất hiện sau khi điều trị, trong và sau quá trình liền xương.

Biến chứng sớm khi gãy xương

  • Sốc sau chấn thương do đau, mất máu
  • Hội chứng chèn ép khoang:
    • Thường gặp hơn sau gãy xương cẳng tay hay gãy xương cẳng chân.
    • Chèn ép khoang là trạng thái gia tăng áp lực trong một khoang cân - xương kín, do tổn thương các vi mạch, ảnh hưởng chức năng cơ, thần kinh bên trong khoang, có thể gây hoại tử cơ và tê liệt các thần kinh. Chèn ép khoang có biểu hiện xanh, tím da vùng chèn ép, căng bóng như phỏng nước.
    • Thời điểm khởi phát chèn ép khoang có thể từ 2 giờ đến 6 ngày sau khi gãy xương.

Biến chứng muộn khi gãy xương

  • Biến chứng toàn thân: loét điểm tì, viêm phổi, viêm đường niệu,… do nằm lâu, không vận động.
  • Thuyên tắc phổi do mỡ sau gãy xương:
    • Khi gãy xương, mỡ từ tủy xương tràn vào hệ thống tĩnh mạch, đi vào nhu mô phổi và gây tắc nghẽn mạch máu phổi, gây ra biến chứng hô hấp.
    • Biến chứng này thường xuất hiện trong 24 - 48 giờ nhưng đôi khi có thể khởi phát muộn sau nhiều ngày. Thuyên tắc phổi có thể gây nguy kịch và tử vong cao ở bệnh nhân gãy nhiều xương và đa chấn thương.
  • Xương không liền hoặc chậm liền:
    • Thời gian để xương liền sau chấn thương gãy xương thường là 3 - 4 tháng. Một số trường hợp người bệnh sau khi được điều trị có thể xảy ra biến chứng xương không liền hoặc chậm liền. 
    • Nguyên nhân là do bất động không hoàn toàn, tổn thương mạch nuôi dưỡng và một số yếu tố cơ địa trên bệnh nhân (ví dụ như có sử dụng corticosteroid hoặc hormon tuyến giáp).
  • Xương lệch, biến dạng so với xương bình thường: Biến chứng này dễ xảy ra ở bệnh nhân gãy xương không được nắn chỉnh đúng và bất động không tốt.
  • Teo cơ, cứng khớp và giảm khả năng vận động: Tình trạng cứng khớp có thể xảy ra nếu người bệnh bất động khớp kéo dài, không tập luyện. Đầu gối, khuỷu tay và vai đặc biệt dễ bị cứng khớp sau chấn thương, đặc biệt là ở người cao tuổi.
  • Thoái hóa khớp: Gãy xương gây mất vững khớp dẫn đến tổn thương sụn khớp, di lệch mặt khớp sẽ tạo thành gây xơ sẹo, dẫn đến thoái hóa khớp. 
  • Hoại tử xương: Gãy xương có thể dẫn đến tình trạng xương bị thiếu máu nuôi dưỡng dẫn đến tiêu chỏm xương - hoại tử xương. 

Gãy xương là chấn thương thường gặp trong đời sống hàng ngày, nếu chủ quan không điều trị đúng cách, cẩn trọng trong quá trình phục hồi có thể gặp phải biến chứng vĩnh viễn.

Người bệnh nên thăm khám, thực hiện các chụp chiếu hình ảnh để được chẩn đoán chính tổn thương gãy xương và tổn thương ở các khớp, gân, dây chằng,... xung quanh. Cần cẩn trọng khi sử dụng các loại lá cây, thuốc nam để đắp lên vết thương.