- Xuất bản: 21/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 21/01/2024
Gãy xương là chấn thương rất phổ biến - Ảnh: BookingCare
Gãy xương là gì, có các loại gãy xương nào, dấu hiệu gãy xương có thể nhận biết, điều trị gãy xương ra sao,... Cùng tìm hiểu trong nội dung dưới đây.
Gãy xương là chấn thương rất phổ biến, có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi. Gãy xương thường xảy ra nhất khi lực tác dụng vào xương lớn hơn mức xương có thể chịu được, nguyên nhân có thể do té ngã, tai nạn,... hoặc cũng có thể do các bệnh làm xương yếu đi, chẳng hạn như loãng xương hoặc ung thư xương.
Cùng tìm hiểu các thông tin tổng quan về gãy xương trong bài viết dưới đây.
Gãy xương là gì và phân loại gãy xương
Gãy xương là tình trạng thương tổn làm mất tính liên tục của xương.
Mức độ nghiêm trọng của gãy xương thường phụ thuộc vào lực gây ra vết gãy. Nếu lực tác động quá lớn, chẳng hạn do tai nạn ô tô, xương có thể bị gãy hoàn toàn. Ngược lại, xương có thể bị nứt, gãy xương không hoàn toàn.
Nếu xương gãy đến mức các mảnh xương xuyên qua da được gọi là gãy xương hở. Loại gãy xương này đặc biệt nghiêm trọng vì khi da bị rách có thể xảy ra nhiễm trùng ở cả vết thương và xương.
Nhìn chung có thể phân loại một số loại gãy xương phổ biến bao gồm:
Gãy cành xanh: Một bên xương bị gãy toác còn bên kia bị cong lõm vào gây ra di lệch gập góc. Thường gặp ở trẻ nhỏ vì ở độ tuổi này một phần của xương vẫn còn là những sụn mềm linh hoạt.
Gãy xương ngang: Các gãy xương với đường gãy nằm ngang
Gãy vụn: Cương bị gãy kèm theo có mảnh vỡ rời. Đây là trường hợp gãy xương khá phức tạp.
Gãy xoắn: Tạo thành vết nứt có hình dạng xoắn. Các đầu gãy thường sắc nhọn, dài rất khó nắn chỉnh, khó giữ được cố định.
Gãy xương hở: Đầu xương gãy có thể lộ ra tại vết thương. Gãy xương hở cũng là loại gãy xương phức hợp, thường mất nhiều thời gian hơn để lành, người bệnh có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng cũng như gặp các biến chứng khác.
Một số loại gãy xương phổ biến - Ảnh: my.clevelandclinic.org
Đau đột ngột. Mức độ đau nhẹ, vừa, nặng có thể phụ thuộc vào độ rách của màng xương.
Khó khăn khi di chuyển vùng bị thương hoặc các khớp gần đó.
Sưng tấy, bầm tím.
Biến dạng trục chi: Bệnh nhân gãy xương có di lệch thường gây ra biến dạng, lệch trục, ngắn chi ở vùng chi gãy.
Có tiếng lạo xạo cọ xát hai đầu xương gãy khi cử động.
Các triệu chứng của gãy xương có thể khó phân biệt với các tình trạng chấn thương khác. Cách phổ biến nhất để đánh giá gãy xương là chụp X-quang - cung cấp hình ảnh rõ ràng về xương, cho thấy xương còn nguyên vẹn hay bị gãy cũng như xác định kiểu gãy, di lệch. Người bệnh do vậy nên thăm khám để có chỉ định, chẩn đoán cụ thể.
Điều trị gãy xương như thế nào?
Bó bột bằng thạch cao là cách điều trị gãy xương phổ biến nhất. Bó bột giúp cố định lại xương gãy và ngăn sự di lệch cho đến khi lành xương.
Nắn chỉnh kín: Những trường hợp gãy nghiêm trọng hơn cần phải nắn chỉnh kín để cố định (sắp xếp lại) xương. Bác sĩ sẽ thực hiện đẩy và kéo cơ thể từ bên ngoài để sắp xếp các xương gãy bên trong.
Điều trị gãy xương bằng phẫu thuật: Trong trường hợp sau khi nắn, điều trị bảo tồn thất bại hoặc trường hợp người bệnh gãy xương hở, gãy xương bệnh lý, gãy xương kèm tổn thương mạch máu, thần kinh,... cần thực hiện phẫu thuật.
Gãy xương bao lâu thì lành lại?
Gãy xương mất bao lâu để lành lại tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:
Phương pháp điều trị gãy xương người bệnh được chỉ định
Các chấn thương khác người bệnh gặp phải.
Hầu hết những người bị gãy xương đều hồi phục hoàn toàn và có thể tiếp tục hoạt động bình thường sau khi xương lành lại. Thời gian có thể mất 6 - 8 tuần hoặc các trường hợp gãy xương nghiêm trọng có thể mất một năm hoặc hơn để hồi phục.
Ngay cả sau khi tháo bột hoặc nẹp, người bệnh có thể cần tiếp tục hạn chế cử động cho đến khi xương đủ vững chắc để hoạt động bình thường. Người bệnh có thể cần tập phục hồi chức năng giúp phục hồi sức mạnh cơ bắp, chuyển động khớp và tính linh hoạt bình thường.
Không nên vội quay lại vận động. Cho cơ thể thời gian cần thiết để phục hồi là cách tốt nhất để đảm bảo không bị tái phát chấn thương trong khi xương lành lại.
Lưu ý trong quá trình phục hồi sau gãy xương
Trong quá trình chăm sóc người bệnh gãy xương để giúp xương nhanh liền và phục hồi vận động nên lưu ý một số điều sau:
Tránh cử động vị trí bị gãy xương cho đến khi lành lại.
Nếu vùng da bên dưới lớp bó bột bị ngứa, không dùng vật cứng đưa vào trong bột để gãi. Nếu ngứa kéo dài, hãy liên hệ với bác sĩ.
Kiểm tra băng bó bột cũng như vùng da quanh băng bó bột thường xuyên, nếu có bất thường như da trở nên đỏ hoặc sần sùi quanh băng bó bột, hãy liên hệ với bác sĩ.
Tập vật lý trị liệu (tham khảo ý kiến của bác sĩ): Sau vài tuần không cử động, cơ bắt đầu yếu và cứng. Đây thường là lúc người bệnh nên bắt đầu một số bài tập cơ bản hoặc vật lý trị liệu sớm, giúp giảm bớt độ cứng, tăng sức mạnh cơ bắp và phá vỡ mô sẹo.
Không hút thuốc trong quá trình điều trị
Tránh uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích
Bổ sung thực phẩm giàu canxi, magie, kẽm,...
Gãy xương là tình trạng thường gặp và hầu hết những người bị gãy xương đều hồi phục hoàn toàn sau vài tuần đến vài tháng. Mặc dù vậy, người bệnh vẫn có thể gặp phải các biến chứng, di chứng sau gãy xương nếu quá trình điều trị, phục hồi không đúng cách. Lời khuyên cho người bệnh nên thăm khám, tái khám theo chỉ định để được đánh giá tình trạng và điều trị đúng cách.