Can thiệp, điều trị chậm nói cho trẻ như thế nào?
Can thiệp, điều trị chậm nói cho trẻ như thế nào?
Gia đình đồng hành hỗ trợ trẻ chậm nói tại nhà
Can thiệp, hỗ trợ trẻ chậm nói như thế nào? - Ảnh: BookingCare

Can thiệp, điều trị chậm nói cho trẻ như thế nào?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 05/01/2024 | Cập nhật lần cuối: 05/01/2024
Việc can thiệp muộn tình trạng chậm nói ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, khiến trẻ chịu nhiều thiệt thòi trong giao tiếp, học hỏi. Vậy can thiệp, điều trị chậm nói cho trẻ như thế nào? Cha mẹ nên làm gì để đồng hành cùng trẻ?

Theo dõi các mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ và kịp thời nhận biết các dấu hiệu trẻ chậm nói để can thiệp sớm sẽ đem lại hiệu quả điều trị tốt hơn. Tùy trình trạng của trẻ, nguyên nhân khiến trẻ chậm nói,... cha mẹ sẽ được tư vấn cụ thể về các phương pháp can thiệp, hỗ trợ trẻ chậm nói cũng như lưu ý cho cha mẹ khi đồng hành cùng trẻ tại nhà.

Can thiệp, điều trị chậm nói cho trẻ như thế nào?

Âm ngữ trị liệu

Âm ngữ trị liệu là can thiệp thường được chỉ định với những bệnh nhân có vấn đề khó khăn về lời nói, giao tiếp, ngôn ngữ,... Phương pháp âm ngữ trị liệu giúp trẻ học cách phát âm rõ ràng, cách nói chuyện phù hợp, tăng cường ngôn ngữ, từ đó phát triển khả năng giao tiếp của trẻ. 

Phương pháp âm ngữ trị liệu sẽ được thực hiện bởi các chuyên gia trị liệu hoặc bác sĩ có chuyên môn về can thiệp trị liệu ngôn ngữ. Thông thường sẽ được tiến hành theo hình thức 1:1, đặc biệt ở giai đoạn đầu để đảm bảo phù hợp với tình trạng của từng trẻ, giúp trẻ tiếp thu tốt nhất.

Âm ngữ trị liệu mang lại triển vọng tốt cho trẻ chậm nói đơn thuần. Với can thiệp sớm, trẻ có thể có khả năng nói chuyện bình thường. 

Điều trị tình trạng bệnh lý liên quan

Trẻ chậm nói có thể do nghe kém, điếc hoặc những trẻ bị bại não, chậm phát triển trí tuệ,... cũng dẫn đến chậm nói. Phương pháp điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân chậm nói. Điều trị cụ thể bao gồm:

  • Điều trị vấn đề thính giác
  • Vấn đề ở cơ quan phát âm như tai, mũi, họng
  • Điều trị các bệnh lý thần kinh: bại não, chấn thương sọ não,...
  • Điều trị hội chứng rối loạn phổ tự kỷ
  • ...

Lưu ý cho cha mẹ đồng hành cùng trẻ chậm nói

Việc phụ huynh quá bận rộn, thiếu sự tương tác với con, để trẻ một mình với thiết bị điện tử (điện thoại, ipad, tivi,...) ảnh hưởng đến khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ trong những năm đầu đời, khiến trẻ chậm nói.

Do đó, bên cạnh can thiệp y khoa, trong quá trình đồng hành cùng con, cha mẹ có thể khuyến khích khả năng nói của trẻ qua các hoạt động dưới đây:  

  • Nói chuyện với trẻ nhiều hơn, ngay cả khi chỉ để kể lại những gì bạn đang làm.
  • Đọc sách cho trẻ
  • Hát những bài hát đơn giản, dễ lặp lại.
  • Sử dụng cử chỉ và chỉ vào đồ vật khi nói những từ tương ứng: có thể chỉ các bộ phận cơ thể, đồ chơi, màu sắc hoặc những thứ nhìn thấy khi đưa trẻ ra ngoài đi dạo, đi chơi.
  • Hãy dành toàn bộ sự chú ý khi nói chuyện với trẻ, nói chậm, rõ ràng và kiên nhẫn khi trẻ cố gắng nói chuyện lại.
  • Khi ai đó hỏi trẻ, hãy để trẻ tự trả lời, đừng trả lời thay con.
  • Ngay cả cha mẹ đoán trước được nhu cầu của trẻ, hãy để trẻ có cơ hội tự nói ra điều mình cần.
  • Đặt câu hỏi và đưa ra lựa chọn, dành nhiều thời gian để trẻ trả lời.
  • Để trẻ tương tác với những trẻ có khả năng ngôn ngữ tốt.

Từ 2 - 3 tuổi trở về trước là giai đoạn vàng để can thiệp điều trị chậm nói cho trẻ hiệu quả. Trong quá trình điều trị, cha mẹ cần kiên nhẫn, đồng hành cùng con và tích cực hỗ trợ trẻ trong thời gian can thiệp tại nhà.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết