Cảnh báo: 4 triệu chứng nhiễm sán lá gan bạn cần chú ý
Cảnh báo: 4 triệu chứng nhiễm sán lá gan bạn cần chú ý
Triệu chứng nhiễm sán lá gan bạn cần chú ý
Triệu chứng nhiễm sán lá gan bạn cần chú ý - Ảnh: BookingCare

Cảnh báo: 4 triệu chứng nhiễm sán lá gan bạn cần chú ý

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 15/01/2024 | Cập nhật lần cuối: 28/01/2024
Triệu chứng sán lá gan thường khó phát hiện khi cơ thể có tình trạng nhiễm sán với số lượng ít. Chỉ đến khi nào số lượng sán nhiều thì cơ thể mới có thể biểu hiện những dấu hiệu rõ, đặc trưng của bệnh.

Bệnh sán lá gan là bệnh do nhiễm ký sinh trùng sán lá gây bệnh tại gan. Bệnh do tác nhân sán lá gan lớn hoặc sán lá gan nhỏ gây ra. Mỗi loại sán lây nhiễm theo chu trình khác nhau, vì vậy sẽ có triệu chứng và phương pháp điều trị khác nhau của mỗi loại.

Cùng tìm hiểu những triệu chứng của bệnh nhiễm sán lá gan qua bài viết dưới đây để nhận biết được chúng.

4 triệu chứng nhiễm sán lá gan cần chú ý

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh do sán lá gan lớn gây nên thường không đặc hiệu, tùy thuộc vào giai đoạn phát triển và vị trí sán ký sinh, số lượng ấu trùng sán xâm nhập vào cơ thể người.

  • Giai đoạn cấp tính: Thường có sốt, đau hạ sườn phải và rối loạn tiêu hoá .
  • Giai đoạn mãn tính: Thường các triệu chứng không còn điển hình nên dễ nhầm với bệnh khác với các dấu hiệu như: khó chịu vùng dạ dày, đau hạ sườn phải hoặc thượng vị, viêm mật, đường mật, sỏi túi mật. Gan  to, có thể không đau khi sờ.

Những triệu chứng nhiễm sán lá gan hay gặp gồm:

Đau vùng gan

Bệnh nhân đau vùng gan do sán lá gan - Ảnh: Freepik
Bệnh nhân đau vùng gan do sán lá gan - Ảnh: Freepik

Nhiễm sán lá gan có thể gây đau bụng do nhiều yếu tố, trong đó bao gồm:

  • Sán lá gan làm tổ trong nhu mô gan, gây tổn thương cho mô gan và kích thích các thụ thể đau..
  • Khi cơ thể phản ứng với sự xâm nhập của sán lá gan, hệ thống miễn dịch sẽ được kích thích. Sự kích thích này có thể tạo ra các hoạt chất trung gian hóa học gây viêm và làm tăng cảm giác đau.
  • Nhiễm sán lá gan có thể dẫn đến viêm gan, áp xe gan, xơ gan... Khi ổ áp xe gan được thành lập sẽ tạo áp lực làm gan to ra, gây căng bao gan và tạo nên cảm giác đau.

Sốt 

Nhiễm sán lá gan có thể gây sốt do nhiều yếu tố, trong đó bao gồm:

  • Khi sán lá gan xâm nhập vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng để ngăn chặn sự lây lan của chúng. Quá trình này có thể kích thích sản xuất các chất gây viêm và tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch, làm tăng nhiệt độ cơ thể và gây sốt.
  • Sự hiện diện của sán lá gan trong mô gan có thể gây ra viêm. Các chất gây viêm, như cytokines, có thể kích thích hệ thống điều nhiệt ở não, dẫn đến tăng nhiệt độ cơ thể và xuất hiện triệu chứng sốt.
  • Khi sán lá gan phát triển và ký sinh trong nhu mô gan, chúng tiết ra các chất độc và chất thải. Những chất này có thể kích thích các tế bào miễn dịch và làm tăng nhiệt độ cơ thể gây sốt.
  • Các loại sán lá gan có thể tạo ra các chất kích thích, gây kích thích trực tiếp hoặc gián tiếp tác động lên hệ thống thần kinh, gây sốt.

Các triệu chứng về tiêu hóa, da niêm mạc

Nhiễm sán lá gan có thể gây ra rối loạn tiêu hóa, kém ăn, sụt cân, sẩn ngứa/mề đay do một số yếu tố:

  • Tổn thương gan: Sán lá gan có khả năng làm tổ trong mạch máu gan, gây tổn thương cho mô gan và ảnh hưởng đến chức năng gan. Gan có vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng, và bất kỳ tổn thương nào đối với gan đều có thể làm suy giảm chức năng này.
  • Viêm gan: Sự hiện diện của sán lá gan trong gan kích thích quá trình viêm, làm tăng sản xuất các hoạt chất trung gian gây viêm. Viêm gan có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và gây rối loạn tiêu hóa.
  • Mất chất dinh dưỡng: quá trình viêm gây cảm giác mệt mỏi, chán ăn, rối loạn tiêu hoá làm kém hấp thu chất dinh dưỡng, người bệnh bị thiếu máu, da niêm xanh xao, sụt cân..
  • Chất độc từ sán lá gan: Sản xuất chất độc hại hoặc các chất dẫn xuất từ sán lá gan có thể có tác động tiêu cực lên hệ thống tiêu hóa và da niêm mạc. Những chất độc của ký sinh trùng phản ứng với hệ miễn dịch của cơ thể gây nên các biểu hiện như ngứa, nổi mề đay…

Vàng da

Trong một số trường hợp, sán lá gan ký sinh trong đường mật trong gan gây nên hiện tượng tắc mật. Dịch mật chứa thành phần chính là muối mật và sắc tố mật (Bilirubin). Khi sắc tố mật không được đổ vào túi mật do tắc nghẽn nhiều đường mật trong gan, chúng sẽ được đổ vào máu và di chuyển đến tổ chức da gây nên hiện tượng vàng da.

Triệu chứng nhiễm sán lá gan theo từng giai đoạn bệnh

Ngoài các dấu hiệu trên, bệnh do nhiễm sán lá gan còn biểu hiện qua từng giai đoạn của bệnh:

Đối với thể nhẹ

Triệu chứng lâm sàng của bệnh do sán lá gan lớn thường không đặc hiệu, có trường hợp không có triệu chứng, chỉ khi khám sức khỏe mới phát hiện tổn thương. Người bệnh thấy mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút, sốt, thiếu máu.

Đối với thể trung bình

Đau bụng, sốt, thiếu máu, Da xanh, niêm mạc nhợt, rối loạn tiêu hóa. Người bệnh có cảm giác đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn.

Đối với thể nặng

Một số người bệnh có biểu hiện lâm sàng của biến chứng: Tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, áp xe gan…

Gan to hoặc bình thường, mật độ mềm, ấn đau. Có mẩn ngứa ngoài da, dị ứng da gặp ở 20-30% người bệnh, biểu hiện các nốt sẩn trên da gặp chủ yếu ở đùi, mông, lưng, cảm giác ngứa, bứt rứt, khó chịu.

Ho, khó thở; mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút. Sốt, tràn dịch màng phổi.

Các triệu chứng biểu hiện sự tổn thương tổ chức nơi sán ký sinh lạc chỗ như khớp, vú, cơ ngực, bắp chân hoặc các cơ quan khác.

Với những triệu chứng trên việc nhận biết và chẩn đoán sớm trở nên vô cùng quan trọng, giúp bệnh nhân có thể nhận biết, điều trị sán lá gan hiệu quả và ngăn chặn sự phát triển của bệnh. Khi thấy bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ cơ thể có thể nhiễm sán lá gan, cần tới ngay cơ sở y tế có chuyên môn để thăm khám và điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare