Nhiễm sán lá gan: Nguyên nhân, đường lây truyền, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa

Tác giả: - Xuất bản: 15/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 28/01/2024
Những điều bạn cần biết về bệnh nhiễm sán lá gan
Những điều bạn cần biết về bệnh nhiễm sán lá gan - Ảnh: BookingCare
Nhiễm sán lá gan là bệnh do nhiễm ký sinh trùng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Bệnh sán lá gan là một bệnh nhiễm ký sinh trùng đang trở thành một vấn đề cần được chú ý trong lĩnh vực y tế toàn cầu. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đối với sức khỏe mà còn tạo ra những vấn đề phức tạp về y tế cộng đồng.

Cùng tìm hiểu về bệnh do nhiễm sán lá gan gây ra qua bài viết dưới đây để thấy sự nguy hiểm của nó.

Bệnh sán lá gan là gì?

Bệnh sán lá gan là một bệnh lây nhiễm do một loại ký sinh trùng gọi là sán lá gan gây ra khi chúng xâm nhập vào cơ thể con người qua đường tiêu hoá, gây ra nhiều bệnh lý ở các cơ quan khác nhau.

Bệnh đa số phân bố ở miền Trung và Tây Nguyên, đặc biệt ở một số tỉnh như Bình Định, Phú Yên, Nam Định,... Người mắc bệnh thường trải qua các triệu chứng như đau tức ở vùng gan, sốt, rối loạn tiêu hóa, khó tiêu, và có thể xuất hiện các dấu hiệu như da vàng, xơ gan.

Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm  sán lá gan có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, một số trường hợp có thể dẫn đến ung thư gan. Điều trị và phòng ngừa là những khía cạnh quan trọng trong quản lý bệnh sán lá gan, giúp kiểm soát và giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Bệnh có thể dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh khác như viêm gan siêu vi, áp xe gan do các loại ký sinh trùng khác nhau (như amip, giun đũa chó mèo), nhiễm khuẩn (như áp xe gan, nhiễm trùng đường mật), u gan, hoặc cơn đau dạ dày.

Nguyên nhân gây bệnh sán lá gan

Nguyên nhân gây bệnh sán lá gan chủ yếu xuất phát từ nhiễm ký sinh trùng sán lá gan. Bệnh sán lá gan bao gồm sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn. Trong đó:

  • Sán lá gan nhỏ có 3 loại: Clonorchis sinensis, Opisthorchis viverrini, Opisthorchis felineus.
  • Sán lá gan lớn có 2 loại: Fasciola hepatica, Fasciola gigantica.
Sán lá gan - Ảnh: yteduphong.com.vn
Sán lá gan - Ảnh: yteduphong.com.vn

Cả hai loại sán đều có hình dạng giống chiếc lá, thân dẹt với bờ mỏng. Kích thước khác nhau tùy thuộc vào loại sán, sán lá gan lớn thường lớn hơn so với sán lá gan nhỏ. Chúng là loại ký sinh trùng lưỡng giới, có cả tinh hoàn và buồng trứng trên cùng một cơ thể.

Miền Bắc và miền Trung Việt Nam là nơi phân bố chủ yếu của sán lá gan nhỏ. Trong khi các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên là nơi tập trung cao nhất tỷ lệ mắc sán lá gan lớn. 

Đặc điểm lây truyền sán lá gan

Ổ chứa

  • Bệnh sán lá gan nhỏ: vật chủ chính là người và một số động vật như chó, mèo, hổ báo, cáo chồn, rái cá, chuột; vật chủ trung gian truyền bệnh là các loài ốc Bithynia, Melania...
  • Bệnh sán lá gan lớn: vật chủ chính là động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu; người chỉ là vật chủ ngẫu nhiên, tình cờ mắc bệnh; vật chủ trung gian truyền bệnh là ốc họ Lymnaea.

Thời gian ủ bệnh

  • Thời gian ủ bệnh của sán lá gan nhỏ không rõ ràng và phụ thuộc vào cường độ nhiễm sán, thường nhiễm trên 100 sán triệu chứng mới rõ rệt.
  • Thời gian ủ bệnh của sán lá gan lớn phụ thuộc vào số lượng ấu trùng ăn vào và đáp ứng của vật chủ. Ở người, giai đoạn này không xác định được chính xác nhưng có một số tác giả cho rằng giai đoạn này là vài ngày, vài tuần hoặc vài ba tháng, thậm chí lâu hơn.

Thời kỳ lây truyền

  • Đối với sán lá gan nhỏ, sau khi xâm nhập vào nhu mô gan, sán non sẽ phát triển thành sán trưởng thành và đẻ trứng trong các đường dẫn mật, trứng được bài xuất ra ngoài theo phân và xuống nước phát triển theo chu kỳ khép kín rồi lây truyền qua đường ăn cá sống có nang trùng.
Đường lây truyền của sán lá gan lớn - Ảnh: bvdktinhthanhhoa.com.vn
Đường lây truyền của sán lá gan lớn - Ảnh: bvdktinhthanhhoa.com.vn
  • Đối với sán lá gan lớn, sau giai đoạn xâm nhập vào nhu mô gan từ 2-3 tháng, sán tiếp tục xâm nhập vào đường mật, trưởng thành và đẻ trứng, trứng được bài xuất ra ngoài theo phân và xuống nước nở thành ấu trùng lông rồi qua ốc và phát triển thành ấu trùng đuôi và nang trùng bám vào rau thủy sinh hoặc bơi trong nước, nếu người hoặc động vật ăn cỏ ăn phải nang trùng sẽ vào dạ dày tới ruột rồi lên gan và ký sinh tại gan. Tại gan, sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh trong nhiều năm.
  • Phương thức lây truyền

  • Bệnh sán lá gan nhỏ: người hoặc động vật ăn phải ấu trùng nang chưa được nấu chín thì sau khi ăn ấu trùng này vào dạ dày, xuống tá tràng rồi ngược theo đường mật lên gan, phát triển thành sán lá gan trưởng thành ký sinh và gây bệnh ở đường mật.
  •  Bệnh sán lá gan lớn: người bị nhiễm bệnh do ăn sống các loại rau mọc dưới nước (rau ngổ, rau rút, rau cần, cải xoong...) hoặc uống nước lã có nhiễm ấu trùng sán.
  • Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài

    Trứng sán lá gan có vỏ mỏng nên tồn tại ở môi trường bên ngoài rất kém, nhiệt độ ánh sáng mặt trời trên 70 độ C trứng sẽ bị hỏng. Tuy nhiên, trứng sán muốn phát triển thành ấu trùng phải có môi trường nước, nếu trên cạn trứng sẽ bị hỏng và không phát triển được, khả năng tồn tại của sán lá gan trưởng thành ở ngoại cảnh cũng rất kém.

    Chẩn đoán bệnh sán lá gan

    Chẩn đoán định hướng

    Dựa vào những triệu chứng của bệnh sán lá gan trên lâm sàng như:  đau tức vùng gan, mệt mỏi, có cảm giác đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, có thể sốt hoặc đau khớp, đau cơ và mẩn ngứa.

    Cùng với đó và dựa vào các yếu tố dịch tễ liên quan đến tập quán ăn uống của bệnh nhân như: hay ăn gỏi cá, dùng phân tươi để nuôi cá, đại tiện xuống ao hồ,...

    Chẩn đoán xác định

    Bệnh sán lá gan nhỏ: xét nghiệm tìm thấy trứng sán  trong phân hoặc dịch tá tràng.

    Bệnh sán lá gan lớn: xét nghiệm tìm thấy trứng sán trong phân hoặc xét nghiệm máu bằng kỹ thuật miễn dịch (ELISA) tìm thấy kháng thể kháng sán lá gan lớn trong huyết thanh bệnh nhân.

    Ngoài ra một số xét nghiệm cận lâm sàng hỗ trợ cần được thực hiện như: Siêu âm gan mật, Xét nghiệm chức năng gan,...

    Chẩn đoán phân biệt

    Viêm gan siêu vi, áp xe gan do các loại ký sinh trùng khác (amip, giun đũa, toxocara...) hoặc do vi khuẩn (áp xe đường mật), ung thư gan (u gan), cơn đau dạ dày…

    Điều trị bệnh sán lá gan

    Việc điều trị sán lá gan sẽ phụ thuộc vào từng bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân sẽ có giai đoạn của bệnh khác nhau, nhiễm loại ký sinh trùng khác nhau và thể trạng khác nhau. Vì vậy cần có phương pháp điều trị riêng cho từng người bệnh thì mới có hiệu quả hồi phục tốt.

    Đối với bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, phương pháp điều trị thường bao gồm sử dụng thuốc diệt sán lá gan phù hợp với cơ địa và tình trạng sức khỏe cụ thể của từng người. 

    Tuy nhiên, trong những trường hợp nặng hơn, ví dụ như việc hình thành các ổ áp xe ở gan, phương pháp điều trị không chỉ bao gồm việc sử dụng thuốc diệt sán lá gan mà còn phải theo dõi tình trạng ổ áp xe, đồng thời kiểm tra có khả năng bội nhiễm. 

    Ngoài ra, có thể cần sử dụng kháng sinh hoặc thực hiện thủ thuật chọc dẫn lưu ổ mủ ra ngoài. Điều này nhằm mục đích kiểm soát và giảm thiểu tác động của các biến chứng có thể xuất hiện trong quá trình điều trị.

    Đối với những trường hợp sán lá gan gây ra ổ áp xe, thời gian để liền sẹo sau khi điều trị có thể kéo dài từ 3 đến 12 tháng, phụ thuộc vào phức tạp của tình trạng bệnh và độ hiệu quả của phương pháp điều trị được áp dụng.

    Phòng ngừa bệnh sán lá gan

    Bệnh sán lá gan là bệnh nhiễm ký sinh trùng nguy hiểm cho sức khỏe của con người. Vì vậy, việc phòng bệnh giữ vai trò quan trọng trong công tác giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ biến chứng của bệnh. 

    Nguyên tắc phòng bệnh được áp dụng là: Cắt đứt các mắt xích trong vòng đời của ký sinh trùng gây bệnh.

    Các biện pháp có thể được áp dụng: 

  • Tuyên truyền sức khỏe cho người dân về tác hại và các đường lây truyền của sán lá gan: không ăn cá chưa nấu chín như gỏi cá, cá rán hoặc nấu chưa chín dưới mọi hình thức nào; không ăn rau sống mọc dưới nước, không uống nước lã, không ăn gan sống.
  • Vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín, không dùng phân người nuôi cá, không phóng uế bừa bãi xuống các nguồn nước.
  • Phát hiện và tích cực điều trị người bệnh: Người nghi ngờ nhiễm bệnh phải đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, chủ động phát hiện và điều trị sớm bệnh sán lá gan tại vùng có dịch.
  • Bệnh sán lá gan là một vấn đề y tế toàn cầu, đặt ra những thách thức lớn trong quản lý, theo dõi và điều trị. Đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng từ các loại sán lá gan nhỏ và lớn, mỗi chúng ta cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả. Bên cạnh đó, việc giáo dục cộng đồng về vệ sinh cá nhân và phòng tránh rất quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của bệnh.

Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết