Sán lá gan là loại ký sinh trùng có thể lây nhiễm sang người gây bệnh gan và ống mật. Có hai họ sán lá gan gây bệnh ở người: Opisthorchiidae (bao gồm các loài Clonorchis và Opisthorchis ) và Fasciolidae (bao gồm các loài Fasciola ). Hai họ sán lá gan này khác nhau về sự phân bố địa lý, vòng đời và biểu hiện sau khi nhiễm trên lâm sàng.
Cùng tìm hiểu về sự nguy hiểm của sán lá gan gây ra đối với con người qua bài viết dưới đây.
Sự nguy hiểm của nhiễm sán lá gan
Sán lá gan gây những tổn thương nghiêm trọng ở gan. Sán không những gây kích thích thường xuyên đối với gan mà còn chiếm thức ăn, làm giảm chất lượng dịch mật, gây độc cho gan và cơ thể người bệnh.
Khi người bị nhiễm sán sẽ xuất hiện các triệu chứng lâm sàng nặng hay nhẹ phụ thuộc vào số lượng ký sinh trùng, tình trạng nhiễm trùng thứ phát và theo tình trạng sức khỏe hiện tại của người bệnh.
- Trường hợp nhiễm sán ít: Bệnh tiến triển thầm lặng, ít hoặc không có biểu hiện trên lâm sàng nên tương đối khó phát hiện.
- Trường hợp nhiễm nhiều sán (khoảng 100 sán trở lên): Với số lượng sán nhiều, các triệu chứng lâm sàng được thể hiện rõ hơn trên người bệnh nên dễ dàng phát hiện.
Giai đoạn khởi phát
Bệnh nhân thường có rối loạn tiêu hóa: chán ăn, ăn không tiêu, buồn nôn, đau âm ỉ vùng gan, có thể tiêu chảy hoặc táo bón. Ngoài ra có thể bị sốt nhẹ, phát ban. Xét nghiệm tổng phân tích máu ngoại vi thấy bạch cầu ái toan tăng cao đột ngột.
Giai đoạn toàn phát
Những triệu chứng lâm sàng điển hình càng rõ rệt hơn:
Bệnh nhân có biểu hiện thiếu máu, gầy sút, đôi khi có sốt thất thường. Xét nghiệm công thức máu thấy số lượng hồng cầu, huyết sắc tố giảm.
Thể trạng bệnh nhân gầy sút nhanh chóng và rõ rệt. Một số bệnh nhân có thể có dịch trong ổ bụng, gây chướng bụng.Ngoài những triệu chứng chung còn có triệu chứng về gan điển hình như:
- Vùng gan đau âm ỉ hoặc dữ dội.
- Gan to, sờ ấn đau
- Vàng da nhẹ
- Phân có thể trắng
- Nước tiểu vàng sẫm
- Ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa (thường tiêu chảy)
Nếu không được điều trị sán lá gan hoàn toàn, bệnh có thể sẽ tiến triển đến viêm gan, xơ gan hay thậm chí ung thư gan. Theo nghiên cứu của Lê Bá Cường thì có tới 33% bệnh nhân mắc bệnh sán lá gan bị xơ gan.
Tổn thương tới tụy và đường mật:
- Sau giai đoạn xâm nhập vào nhu mô gan từ 2-3 tháng, sán xâm nhập vào đường mật trưởng thành và đẻ trứng. Tại đây sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh trong nhiều năm (có thể tới 10 năm) nếu không được phát hiện và điều trị.
- Tại đường mật, sán gây tổn thương biểu mô đường mật, tắc mật, viêm và xơ hóa đường mật thứ phát, có thể gây ung thư biểu mô đường mật. Bên cạnh đó sán lá gan có thể gây viêm tuỵ cấp.
Sự hiểu biết về nguy cơ và biểu hiện của sán lá gan đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và điều trị bệnh. Đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng từ các loại sán lá gan mỗi chúng ta cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị. Bên cạnh đó, việc giáo dục cộng đồng về vệ sinh cá nhân và phòng tránh rất quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
Nhiễm sán lá gan là bệnh thực sự nguy hiểm nếu chúng ta không có phương pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả. Khi thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nghi ngờ bệnh sán lá gan cần tới ngay cơ sở y tế có chuyên môn để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, tránh chủ quan để bệnh diễn tiến tới tình trạng nặng gây khó điều trị và tiên lượng xấu.