Sa trực tràng là hiện tượng đoạn ruột của trực tràng trượt hoặc rơi ra khỏi hậu môn, thường là sau mỗi lần người bệnh đi vệ sinh. Sa trực tràng không phải là một bệnh lý cấp cứu nhưng điều trị không đơn giản và cần phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Biến chứng nguy hiểm sa trực tràng
Sa trực tràng không thể hoàn toàn tự khỏi nếu bệnh kéo dài mức độ sa trực tràng sẽ ngày càng nghiêm trọng, dẫn đến một số biến chứng như:
Rối loạn chức năng đại tiện
Người bệnh sẽ đi phân không tự chủ do các cơ vùng hậu môn có thể mất hoặc giảm chức năng dẫn đến giảm khả năng giữ phân. Bên cạnh đó, người bệnh có thể bị táo bón xen kẽ với tình trạng tiêu không tự chủ.
Các nghiên cứu hiện nay ghi nhận khoảng 50 - 75% những người sa trực tràng gặp phải biến chứng rối loạn chức năng đại tiện này.
Viêm - loét trực tràng
Trực tràng là đoạn ruột trực tràng nằm phía trên hậu môn. Tuy nhiên do các nguyên nhân làm cho trực tràng trượt ra khỏi hậu môn, vốn dĩ niêm mạc trực tràng mỏng không giống da tay, da chân chúng ta nên khi phần niêm mạc trực tràng ma sát và sự tiếp xúc dễ gây viêm loét trực tràng.
Vết loét gây đau đớn và làm người bệnh chảy máu. Nguy hiểm hơn là nhiễm trùng vị trí này. Đa phần các trường hợp mắc biến chứng này điều cần điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật sa trực tràng.
Hoại tử trực tràng
Ban đầu, khối sa trực tràng có thể trở lại vị trí ban đầu trong hậu môn một cách tự nhiên hoặc do người bệnh đẩy trở lại. Tuy nhiên, theo thời gian tình trạng sa trực tràng ngày càng nghiêm trọng, khối phồng có thể nhô ra thường xuyên và người bệnh sẽ không thể đẩy nó trở lại. Khối sa này có thể bị kẹt và thiếu máu nuôi khiến mô bị chết sẽ dẫn đến biến chứng hoại tử trực tràng.
Đây là một biến chứng nguy hiểm cần phải phẫu thuật sa trực tràng.
Biến chứng khác
Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp một số biến chứng sa trực tràng khác như: rối loạn tiêu hóa, táo bón, tiêu phân lỏng, rò rỉ phân lỏng,...
Sa trực tràng tái phát
Những người đã phẫu thuật điều trị sa trực tràng có nguy cơ tái phát sa trực tràng lần nữa trong tương lai. Các nghiên cứu hiện nay cho thấy, tỷ lệ tái phát sau điều trị xảy ra khoảng 30%.
Do đó, các bác sĩ thường khuyên người bệnh điều chỉnh lối sống sau phẫu thuật như: áp dụng chế độ ăn giàu chất xơ tránh táo bón, uống đủ nước, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, duy trì cân nặng lý tưởng,...