Giải đáp các phương pháp điều trị sa trực tràng
Thăm khám sa trực tràng với bác sĩ
Sa trực tràng sẽ càng nghiêm trọng nếu kéo dài, không điều trị.- Ảnh: BookingCare

Giải đáp các phương pháp điều trị sa trực tràng

Tác giả: - Xuất bản: 04/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 03/03/2024
Sa trực tràng là bệnh lý phổ biến vùng hậu môn, trực tràng. Bệnh sẽ ngày càng nghiêm trọng nếu kéo dài và không điều trị kịp thời. Cùng BookingCare tìm hiểu các phương pháp điều trị sa trực tràng qua bài viết dưới đây!

Sa trực tràng là hiện tượng một phần đoạn trực tràng trượt hoặc rơi ra khỏi hậu môn, thường là sau mỗi lần người bệnh đi vệ sinh. Sa trực tràng gây ra nhiều khó chịu và làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống người bệnh. Bệnh có nhiều biểu hiện và dễ nhầm với các bệnh lý khác vùng hậu môn như: trĩ, nứt kẽ hậu môn, loét hậu môn,…

Điều trị sa trực tràng cần phẫu thuật hơn nữa nếu không chẩn đoán và điều trị sớm sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm

Một số phương pháp điều trị sa trực tràng hiện nay 

Tất cả các tình trạng sa trực tràng đều cần điều trị bằng phẫu thuật. Thêm vào đó, còn cần các biện pháp hỗ trợ điều trị

Hỗ trợ điều trị sa trực tràng không dùng thuốc

  • Thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày là một trong số các phương pháp hỗ trợ điều trị không dùng thuốc quan trọng giúp điều trị sa trực tràng. 
    • Thực hiện chế độ ăn giàu chất xơ trong khẩu phần ăn mỗi ngày, uống đủ nước nhằm mềm phân (khoảng 2 lít/ngày), tránh uống quá nhiều rượu và các thức uống có chứa caffeine.
    • Có thể bổ sung thêm một số loại chất xơ như: ispaghula, methylcellulose, cám hoặc sterculia giúp tăng cường quá trình tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón. 
  • Thay đổi chế độ sống: thường xuyên tập thể dục thể thao, thay đổi thói quen đi vệ sinh như: không cố gắng rặn khi đại tiện, đi đại tiện mỗi ngày, trước khi đi đại tiện có thể vận động hỗ trợ tăng nhu động ruột,... cũng góp phần điều trị sa trực tràng hiệu quả.
  • Tập vật lý trị liệu phục hồi sàn chậu: tập với máy tập sàn chậu, kích thích điện cơ sàn chậu, tự tập bài tập Kegel.

Điều trị dùng thuốc, chế phẩm sinh học

Một số thuốc, chế phẩm sinh học được dùng trong điều trị sa trực tràng như: thuốc chống co thắt, các loại gel, thuốc dạng bôi có tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng và giảm đau.

Điều trị phẫu thuật sa trực tràng

Phẫu thuật sa trực tràng nhằm mục đích đưa, cố định đoạn trực tràng về đúng vị trí ban đầu và phục hồi chức năng sinh lý. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: tuổi, mức độ sa, tình trạng sức khỏe của người bệnh,... mà bác sĩ lựa chọn phương pháp phẫu thuật sa trực tràng phù hợp. 

phẫu thuật điều trị sa trực tràng
Phẫu thuật điều trị sa trực tràng - Ảnh:fascrs.org

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp phẫu thuật phổ biến là: phẫu thuật qua ngã bụng và phẫu thuật qua ngã tầng sinh môn.

Phẫu thuật tiếp cận qua ngã bụng

Phẫu thuật này có thể tiến hành bằng phẫu thuật nội soi ổ bụng hoặc phẫu thuật mở kinh điển. Đây là phương pháp dành cho những bệnh nhân ít có nguy cơ và có nhiều lợi ích như ít đau sau mổ, thời gian nằm viện ngắn và nhanh chóng phục hồi chức năng ruột. Phương pháp phẫu thuật tiếp cận qua ngõ bụng bao gồm:

  • Phẫu thuật cố định trực tràng.
  • Phẫu thuật cố định trực tràng kết hợp với cắt đại tràng chậu hông.

Phẫu thuật tiếp cận qua ngã tầng sinh môn

Đây là phương pháp phẫu thuật dành cho những bệnh nhân có nguy cơ cao. Kĩ thuật có tỉ lệ biến chứng và tử vong thấp, tuy nhiên tỉ lệ tái phát cao (10- 15%) hơn so với phẫu thuật qua ngã bụng. Phẫu thuật tiếp cận qua ngã tầng sinh môn bao gồm: 

  • Phẫu thuật Delorme: Dành cho bệnh nhân có sa niêm mạc trực tràng hay sa toàn bộ thành trực tràng nhưng khối sa ít. Phẫu thuật cắt nếp vòng niêm mạc sa, lớp cơ và được khâu xếp lên nhau.
  • Phẫu thuật Altemeier: là phẫu thuật cắt trực tràng và đại tràng chậu hông qua ngã hậu môn. Kĩ thuật dành cho bệnh nhân sa toàn bộ thành trực tràng nhưng có nguy cơ cao về phẫu thuật hoặc trong trường hợp trực tràng bị sa nghẹt.

Sa trực tràng là bệnh lý ở vùng “nhạy cảm” trên cơ thể do đó nhiều người bệnh còn mang tâm lý e ngại, sợ sệt không khám, chẩn đoán sớm dẫn đến chậm trễ điều trị và gây biến chứng. Mặc dù đây không phải là bệnh lý cấp cứu, không gây nguy hiểm nhưng việc điều trị không đơn giản và cần phẫu thuật. Hiểu biết rõ về các phương pháp điều trị sa trực tràng là cách bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình hiệu quả.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết