- Xuất bản: 04/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 03/03/2024
Sa trực tràng là một bệnh lý phổ biến vùng hậu môn trực tràng - Ảnh: BookingCare
Sa trực tràng là một bệnh lý phổ biến vùng hậu môn trực tràng. Sa trực tràng gây ra nhiều khó chịu và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hãy cùng BookingCare tìm hiểu triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị sa trực tràng.
Trực tràng là một phần của ruột già ở phía trên hậu môn. Phân trước khi được tống ra ngoài cơ thể sẽ được chứa đựng ở đây. Sa trực tràng là hiện tượng đoạn ruột này trượt hoặc rơi ra khỏi hậu môn, thường là sau mỗi lần người bệnh đi vệ sinh.
Sa trực tràng không phải là một bệnh lý cấp cứu và cần điều trị phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng, điều trị phức tạp.
Những biểu hiện sa trực tràng
Biểu hiện sa trực tràng thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác vùng hậu môn, trực tràng. Một số biểu hiện phổ biến sa trực tràng như:
Cảm giác hoặc quan sát thấy một khối phồng nhô ra ngoài vùng hậu môn.
Đi đại tiện không tự chủ.
Rối loạn tiêu hoá
Táo bón hoặc đi phân lỏng.
Đau, khó chịu vùng bụng dưới rốn
Vùng hậu môn tiết nhầy, dịch hoặc máu.
Nguyên nhân gây sa trực tràng
Hiện nay, nguyên nhân sa trực tràng vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các chuyên gia về sức khỏe ủng hộ những nguyên nhân gây sa trực tràng như:
Do hệ thống cơ vân vùng sàn chậu, cơ thắt hậu môn yếu: Trực tràng được nâng đỡ bởi hệ thống cơ vân vùng sàn chậu, cơ thắt hậu môn. Khi chức năng của nhóm cơ này yếu đi hoặc mất sẽ dẫn đến sa trực tràng. Một số đối tượng có yếu tố nguy cơ này như: người lớn tuổi, mang thai, sinh nở, chấn thương vùng trực tràng,...
Táo bón liên tục, căng thẳng khi đi đại tiện: Động tác cố gắng tống phân khi táo bón tạo nhiều áp lực lên vùng hậu môn. Khi táo bón liên tục, căng thẳng sẽ dễ dẫn đến sa trực tràng.
Tổn thương thần kinh chi phối cơ vùng sàn chậu, cơ thắt hậu môn: Hiện tượng này thường gặp ở bệnh nhân chấn thương tủy sống, biến chứng sau phẫu thuật vùng chậu, biến chứng liệt sau tai biến mạch máu não,...
Sa trực tràng do bẩm sinh ở trẻ nhỏ
Xét nghiệm và chẩn đoán sa trực tràng
Sa trực tràng thường được phân thành ba loại tuỳ thuộc vào mức độ và kích thước tổn thương gồm: sa niêm mạc trực tràng (sa trực tràng ẩn), sa trực tràng toàn bộ và sa trực tràng toàn bộ kèm sa ống hậu môn.
Các bác sĩ chẩn đoán bằng cách quan sát, thăm khám trực tiếp và hỏi kỹ về bệnh sử. Tuy nhiên, các bác sĩ có thể làm thêm một số xét nghiệm, phương tiện hình ảnh học khác để hỗ trợ chẩn đoán và giúp phân biệt, loại trừ bệnh lý ác tính khác. Một số kỹ thuật được áp dụng như:
Quay phim hậu môn khi đại tiện: là phương pháp khách quan để chẩn đoán sa trực tràng. Giúp phân biệt bệnh sa trực tràng và bệnh trĩ sa hình vòng.
Đo áp lực cơ thắt hậu môn: Một đầu dò nhỏ được đưa vào hậu môn trực tràng đo áp lực vùng hậu môn và trực tràng. Bất kỳ sự thay đổi bất thường nào cũng sẽ được ghi nhận lại.
Đo điện cơ: là phương pháp kiểm tra và đánh giá hoạt động điện các dây thần kinh và cơ hậu môn bằng cách ghi lại các hoạt động của cơ vùng sàn chậu.
Nội soi đại trực tràng: là một thủ thuật quan trọng trong các bệnh lý tiêu hoá nói chung, bệnh lý sa trực tràng nói riêng. Các bác sĩ sẽ quan sát được toàn bộ lớp lót bên trong của đại tràng và trực tràng, giúp loại trừ các polyp hoặc ung thư tiêu hoá trước khi điều trị sa trực tràng.
Chụp cộng hưởng từ động học sàn chậu: là phương pháp hiện đại nhất và chính xác nhất để đánh giá các thương tổn hình ảnh học trong bệnh sa trực tràng. Giúp xác định và phân độ sa trực tràng cũng như các khiếm khuyết khác trong vùng sàn chậu.
Điều trị sa trực tràng
Mức độ sa trực tràng sẽ ngày càng nghiêm trọng nếu bệnh kéo dài và không điều trị. Sa trực tràng cần điều trị bằng phẫu thuật, có rất nhiều phương pháp điều trị và các biện pháp hỗ trợ điều trị sa trực tràng như:
Điều trị không dùng thuốc: ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước và tập thể dục thường xuyên, thay đổi thói quen đi vệ sinh: không cố gắng rặn khi đại tiện, đi đại tiện mỗi ngày một lần và nên đi vào buổi sáng, trước khi đi đại tiện có thể vận động hỗ trợ tăng nhu động ruột.
Điều trị dùng thuốc như: thuốc chống co thắt, các gel, thuốc dạng bôi có tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng và giảm đau.
Điều trị phẫu thuật: nhằm mục đích đưa và cố định đoạn trực tràng về đúng vị trí. Có 2 phương pháp phẫu thuật đang được áp dụng phổ biến như: phẫu thuật qua ngõ bụng và phẫu thuật qua ngã hậu môn.
Rối loạn chức năng đại tiện: Người bệnh sẽ đi phân không tự chủ do các cơ vùng hậu môn có thể mất hoặc giảm chức năng dẫn đến giảm khả năng giữ phân suy giảm. Bên cạnh đó, người bệnh có thể bị táo bón xen kẽ với tình trạng tiểu không tự chủ.
Loét trực tràng: Do ma sát và sự tiếp xúc của phần niêm mạc trực tràng sa ra ngoài, gây loét trực tràng. Vết loét gây đau đớn và làm người bệnh chảy máu.
Hoại tử trực tràng: Đoạn sa ra ngoài hậu môn có thể không thể đẩy vào trong trở lại dẫn đến thiếu máu nuôi và hoại tử.
Sa trực tràng tái phát
Phòng ngừa sớm và sống chung với sa trực tràng
Bên cạnh việc dùng thuốc hay can thiệp phương pháp phẫu thuật can thiệp nhằm đưa trực tràng về đúng vị trí, còn một số cách giúp phòng ngừa sớm và sống chung với sa trực tràng dễ dàng, hiệu quả như:
Chế độ ăn tránh táo bón: Thực hiện chế độ ăn giàu chất xơ trong khẩu phần ăn mỗi ngày, uống đủ nước ngày đẻ giúp mềm phân (khoảng 2 lít/ngày), tránh uống quá nhiều rượu và các thức uống có chứa caffeine. Ngoài ra còn có thể bổ sung thêm một số loại chất xơ như: ispaghula, methylcellulose, cám hoặc sterculia giúp ngăn ngừa táo bón.
Nên đi đại tiện ngay khi có cảm giác mắc, không nên cố gắng nhịn đi đại tiện. Tránh ngồi lâu và căng thẳng, tránh rặn nhiều cũng góp phần làm giảm nguy cơ sa trực tràng.
Thường xuyên tập thể dục thể thao, tập một số bài tập giúp tăng cường cơ vùng sàn chậu. Điển hình là bài tập sàn chậu Kegel.
Sa trực tràng là một bệnh lý phổ biến vùng hậu môn, trực tràng. Bệnh có nhiều biểu hiện thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác vùng hậu môn như: trĩ, nứt kẽ hậu môn, loét hậu môn,…
Mặc dù, bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ dẫn đến các nhiều biến chứng nguy hiểm. Hiểu biết rõ về nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị sa trực tràng là cách tốt nhất bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.