- Xuất bản: 14/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 23/01/2024
Sự nguy hiểm của bệnh thương hàn bạn cần biết - Ảnh: BookingCare
Bệnh thương hàn có nguy hiểm hay không? là câu hỏi được đặt ra với nhiều người khi có những dấu hiệu của bệnh hay đã được chẩn đoán mắc bệnh. Việc nhận biết về sự nguy hiểm của bệnh là hết sức quan trọng trong chiến dịch dự phòng bệnh trên toàn thế giới.
Thương hàn là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan qua đường tiêu hóa. Bệnh có biểu hiện lâm sàng là hội chứng nhiễm khuẩn nhiễm độc toàn thân, đi kèm với tổn thương đặc hiệu tại hệ tiêu hóa.
Bệnh được gây ra bởi vi khuẩn Salmonella typhi, nếu không được điều trị ngay, bệnh thương hàn có thể có nhiều diễn biến phức tạp và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Cùng tìm hiểu về sự nguy hiểm của bệnh thương hàn qua bài viết dưới đây để nâng cao được nhận thức và phòng ngừa bệnh một cách hiệu quả nhất.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh thương hàn
Bệnh thương hàn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Bệnh có thể gây ra các triệu chứng và biến chứng nguy hiểm như:
Sốt cao
Sốt là triệu chứng điển hình nhất của bệnh. Sốt tăng dần, thường có gai rét lúc đầu. Nhiệt độ có thể tăng cao lên đến 39 – 41 độ C đến ngày thứ 7 của bệnh.Trong một số trường hợp nặng hiếm gặp, bệnh nhân hôn mê, li bì.
Biến chứng tiêu hóa
Xuất huyết tiêu hoá: Gặp khoảng 15% các trường hợp nhưng có tới 25% các bệnh nhân có vi xuất huyết không cần phải truyền máu. Thường ruột không thủng nhưng đôi khi chảy nhiều máu gây ra tình trạng sốc.Quá trình xuất huyết thường tự giới hạn, không cần phải phẫu thuật.
Thủng ruột
Viêm miệng lợi: niêm mạc miệng lợi khô và có những chỗ phỏng rồi loét nhỏ. Ngoài ra có thể gặp loét thực quản và dạ dày.
Thương hàn đại tràng: ỉa chảy nhiều, phân nặng mùi. Thông thường người bệnh đau nhiều thượng vị và hố chậu trái, bụng chướng và có thể thấy quai đại tràng nổi lên.
Ngoài ra có thể gặp tình trạng liệt ruột, xuất huyết khoang phúc mạc với triệu chứng viêm phúc mạc và viêm tụy xuất huyết.
Biến chứng gan mật
Thường gặp tăng nhẹ men gan nhưng không có triệu chứng.
Viêm túi mật cấp hoặc mạn tính có thể xuất hiện sau sốt thương hàn vài tuần tới vài tháng.
Biến chứng hệ thần kinh
Phổ các biến chứng với hệ thần kinh rất rộng, hay gặp nhất là rối loạn ý thức từ mất định hướng cho đến mê sảng, sững sờ, ngủ gà và hôn mê. Mê sảng thường dai dẳng ngay cả sau khi thân nhiệt đã trở về bình thường.
Các biến chứng không thường gặp khác là co giật, viêm màng não, viêm não tủy, viêm thần kinh sọ và ngoại biên và hội chứng Guillain-Barré.
Các biểu hiện loạn thần như bệnh cảnh giống tâm thần phân liệt, hưng cảm, trầm cảm và căng trương lực.
Viêm não: Có thể xuất hiện sớm ngay từ đầu hoặc xuất hiện muộn vào thời kỳ cuối của bệnh. Bệnh nhân xuất hiện rối loạn ý thức, rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn thân nhiệt, rối loạn thần kinh dinh dưỡng. Có thể có tổn thương bó tháp hay hệ ngoại tháp, tiểu não. Đây là biến chứng có tiên lượng nặng, bệnh nhân dễ dẫn đến tử vong.
Viêm màng não thương hàn: hay gặp ở trẻ em hơn người lớn. Bệnh nhân nhức đầu, cứng gáy, có dấu Kernig, giảm phản xạ, sợ ánh sáng.
Biến chứng tim mạch
Truỵ tim mạch: là tình trạng đột ngột tụt huyết áp, hạ thân nhiệt, tim đập nhanh, tím tái, chi lạnh, vã mồ hôi và lả đi. Trước đây vẫn cho là biến chứng của việc dùng chloramphenicol diệt vi khuẩn làm sinh ra quá nhiều nội độc tố, nhưng hiện nay biến chứng này ngày càng được mô tả nhiều hơn.
Viêm cơ tim: gặp ở 1-5% trường hợp biến chứng của thương hàn, có thể không có triệu chứng gì nhưng cũng có thể đau ngực, suy tim ứ máu, loạn nhịp hay sốc tim.
Viêm động mạch: thường ở giai đoạn lui bệnh. Bệnh nhân đột nhiên sốt trở lại, đau dọc theo động mạch, có cảm giác kiến bò hay chuột rút. Khám thấy chi lạnh đi, màu da nhợt, có thể mất hẳn mạch và hoại thư. Để chẩn đoán, phải thăm dò siêu âm Doppler mạch.
Viêm tĩnh mạch sâu: có thể xuất hiện sớm hoặc muộn. Dùng các thuốc chống đông phải rất thận trọng vì có nguy cơ xuất huyết.
Viêm màng ngoài tim và viêm nội tâm mạc: hiếm gặp.
Các biến chứng khác
Các biến chứng phổi, màng phổi:
Áp xe phổi.
Viêm màng phổi thanh tơ huyết.
Các biến chứng huyết học: rối loạn đông máu do tiêu thụ.
Các biến chứng hiếm gặp:
Viêm xương: xương chi, cột sống, xương sườn.
Viêm cầu thận, viêm ống thận.
Hội chứng tan máu ure huyết cao.
Phòng ngừa bệnh thương hàn như thế nào?
Phòng ngừa thương hàn là điều vô cùng quan trọng để giảm thiểu được sự nguy hiểm của bệnh. Các chiến dịch phòng ngừa đã và đang có hiệu quả trong công cuộc đẩy lùi dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do thương hàn gây ra:
Cần tiêm vắc-xin bệnh thương hàn trước khi bạn đi du lịch hay tới những nơi có bệnh lưu hành. Thời gian tiêm từ 1 đến 2 tuần trở lên trước khi đi.
Khi đến những khu vực có bệnh thương hàn, hãy tránh các thực phẩm/đồ uống có nguy cơ cao:
Chỉ uống nước đóng chai hoặc nước tinh khiết bằng cách đun sôi trong trước khi uống. Nước có gas đóng chai an toàn hơn nước không có gas.
Luôn luôn rửa tay cẩn thận bằng xà phòng và nước sau khi sử dụng nhà tắm và không chế biến hoặc phục vụ đồ ăn cho những người khác nếu bạn bị nhiễm Salmonella typhi. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ bạn truyền bệnh cho người khác.
Thương hàn là bệnh thực sự nguy hiểm nếu chúng ta không có phương pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả. Khi thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nghi ngờ bệnh thương hàn cần tới ngay cơ sở y tế có chuyên môn để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, tránh chủ quan để bệnh diễn tiến tới tình trạng bệnh nặng, khó điều trị.