Bệnh thương hàn: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa
Những điều bạn cần biết về bệnh thương hàn
Những điều bạn cần biết về bệnh thương hàn - Ảnh: BookingCare

Bệnh thương hàn: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa

Tác giả: - Xuất bản: 14/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 17/01/2024
Bệnh thương hàn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và là nỗi lo sợ của con người hàng thế kỷ trước đây. Nhờ sự tiến bộ của nền y học hiện đại, sự ra đời của nhiều loại kháng sinh, bệnh đã giảm đáng kể về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong trong cộng đồng.

Bệnh thương hàn hay còn được gọi là sốt thương hàn, đây là bệnh lý có tính lây truyền cao và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh. Bệnh đã từng là đại dịch và mang tới cái chết của hàng triệu người tại Athens năm 430 trước Công nguyên, khiến một phần ba dân số thiệt mạng.

Cùng tìm hiểu về sự nguy hiểm của bệnh thương hàn đối với sức khỏe con người qua bài viết dưới đây.

Bệnh thương hàn là gì?

Bệnh thương hàn là một bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hoá. Bệnh thường bắt đầu bằng các triệu chứng như mệt mỏi, sốt cao đột ngột, sốt kéo dài, rối loạn tiêu hoá. 

Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ 7 đến 14 ngày và triệu chứng sẽ thay đổi tùy thuộc vào lượng vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể của người bệnh. Đây là một loại bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan rất cao trong cộng đồng, thường xuất hiện nhiều vào mùa hè nhưng vẫn có thể gây bệnh vào các mùa khác trong năm. 

Các điều kiện sống ô nhiễm, nước và thực phẩm không đảm bảo vệ sinh là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nhóm tuổi từ 15 đến 30 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất, do đây là nhóm người thường xuyên tiếp xúc với điều kiện làm việc và sinh sống không an toàn.

Nguyên nhân và con đường lây truyền bệnh thương hàn

Thương hàn là bệnh về đường tiêu hóa có khả năng lây lan trong cộng đồng, do vi khuẩn Salmonella typhi gây ra. Nguồn truyền nhiễm chính của bệnh thương hàn xuất phát từ người bệnh, vì họ có thể lây nhiễm cho người khác trong giai đoạn ủ bệnh. 

Sau khi hết các triệu chứng lâm sàng, phần lớn người đã hồi phục vẫn giữ vi khuẩn Salmonella typhi trong cơ thể và tiếp tục thải vi khuẩn ra môi trường bên ngoài trong khoảng 2 - 3 tuần. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể tiếp tục đào thải vi khuẩn ra môi trường kéo dài đến 2 - 3 tháng.

  • Người mắc bệnh thương hàn thường phải đối mặt với rủi ro nhiễm khuẩn thông qua việc uống nước hoặc ăn thức ăn bị nhiễm tác nhân gây bệnh, đặc biệt là từ các nguồn như trứng, thịt bò, thịt gia cầm, và sữa. 
  • Vi khuẩn thương hàn có khả năng tồn tại trong sữa và các sản phẩm chế biến mà không làm thay đổi chất lượng hay hương vị của chúng. Mặc dù nấu chín thực phẩm có thể giảm thiểu rủi ro nhiễm khuẩn, nhưng không loại bỏ hoàn toàn nguy cơ do vi khuẩn sinh ra độc tố trong thực phẩm, đây chính là nguyên nhân gây ra bệnh cảnh ngộ độc cấp tính
  • Ngoài ra, bệnh thương hàn còn có khả năng lây truyền từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc với chất thải và vật dụng bị nhiễm khuẩn từ người bệnh. 
  • Người lành có thể bị nhiễm vi khuẩn từ thực phẩm khi côn trùng mang mầm bệnh từ nơi khác đến (Ruổi, nhặng mang vi khuẩn từ phân của người bệnh)

Dù bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi người và mọi lứa tuổi, nhóm người thường xuyên mắc bệnh nhất là từ 15 đến 30 tuổi. Đây là nhóm tuổi thường sống và làm việc tại những vùng có điều kiện sống kém, như nước uống bị ô nhiễm và chất thải không được xử lý. 

Tuy nhiên, do cải thiện về điều kiện vệ sinh và tăng cường ý thức giữ gìn vệ sinh cộng đồng, nguy cơ lây truyền bệnh thương hàn theo con đường này đang giảm dần theo thời gian.

Triệu chứng và diễn biến của bệnh thương hàn

Triệu chứng của bệnh thương hàn giai đoạn đầu thường khó phát hiện và thường không có triệu chứng. Khi cơ thể đạt ngưỡng vi khuẩn nhất định và lượng độc tố của chúng bắt đầu đủ lượng ảnh hưởng tới cơ thể. Các triệu chứng mới có thể biểu hiện rõ như:

  • Sốt: Sốt là triệu chứng điển hình nhất của bệnh. Sốt tăng dần, thường có gai rét lúc đầu. Nhiệt độ có thể tăng cao lên đến 39 – 41 độ C đến ngày thứ 7 của bệnh.
  • Đau đầu, mệt mỏi, ù tai ăn ngủ kém: Đây là triệu chứng của bệnh khi đã chuyển qua giai giai đoạn khởi phát và toàn phát. Bệnh nhân suy giảm về sức khỏe nghiêm trọng kèm theo một loạt các rối loạn bệnh lý gây ra các triệu chứng này. Trong một số trường hợp nặng hiếm gặp, bệnh nhân hôn mê, li bì.
Các nốt đào ban (hay hồng ban) trong bệnh thương hàn - Ảnh: MSD
Các nốt đào ban (hay hồng ban) trong bệnh thương hàn - Ảnh: MSD
  • Các nốt đào ban (hay hồng ban): Các nốt nhỏ 2 – 3 mm có thể mọc ở bụng, ngực và mạn sườn. Số lượng ban ít, thường xuất hiện từ ngày 7 – 12 của bệnh.
  • Các vấn đề về tiêu hóa: Bệnh nhân có thể gặp các vấn đề về tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đi ngoài phân lỏng sệt, màu vàng nâu, khoảng 5 – 6 lần mỗi ngày. Bụng của bệnh nhân thường chướng đau nhẹ lan tỏa vùng hố chậu phải.
  • Ngoài ra, bệnh nhân thương hàn còn có thể gặp bệnh viêm phế quản, viêm phổi. Mạch chậm so với nhiệt độ của người bệnh thương hàn trong giai đoạn này được gọi là mạch và nhiệt độ phân ly.

Chẩn đoán bệnh thương hàn như thế nào?

Để chẩn đoán bệnh thương hàn chính xác, cần đưa bệnh nhân đến các bệnh viện hoặc các trung tâm y tế có chuyên môn được trang bị đầy đủ dụng cụ, máy móc và có các bác sĩ chuyên môn cao. 

Các bác sĩ sẽ khám lâm sàng dựa vào các triệu chứng lâm sàng như sốt hơn một tuần không rõ nguyên nhân, kèm rối loạn tiêu hóa, gan và lá lách to, nổi hồng ban.

Chẩn đoán ca bệnh

Các xét nghiệm được chỉ định để chẩn đoán bệnh thương hàn được lấy bệnh phẩm tùy từng vị trí theo trường bệnh nhân cụ thể sẽ lấy khác nhau như: Phân, máu, chất nôn-thức ăn thừa…

  • Ca bệnh lâm sàng: là ca bệnh có dấu hiệu lâm sàng như mô tả đồng thời có liên quan dịch tễ với ca bệnh đã được khẳng định của một vụ dịch.
  • Ca bệnh xác định: là ca bệnh lâm sàng và phân lập tìm thấy vi khuẩn Salmonella typhi  trong máu, phân hay các bệnh phẩm khác.
  • Phân lập được Salmonella typhi trong phân, máu hoặc các bệnh phẩm khác của bệnh nhân.
  • Xét nghiệm huyết thanh cho kết quả hiệu giá kháng thể cao hoặc hiệu giá kháng thể tăng lên giữa 2 lần xét nghiệm.

Chẩn đoán phân biệt

  • Nhiễm khuẩn huyết Gram âm: Bệnh thương hàn và nhiễm khuẩn huyết Gram âm cùng có các triệu chứng: sốt kéo dài, rối loạn tiêu hoá, gan lách to. Nhưng trong nhiễm khuẩn huyết thường sốt có nhiều cơn rét run, nhiệt độ dao động mạnh, mạch nhanh, hồng cầu giảm rõ. Nếu có ban thường ban dát - sẩn dạng sởi, có ổ tiên phát và thứ phát. Yếu tố quyết định chẩn đoán là cấy máu tìm vi khuẩn gây bệnh.
  • Sốt rét tiên phát: Cũng có triệu chứng sốt kéo dài, gan lách to. Nhưng trong sốt rét tiên phát thường lúc đầu sốt liên tục nhưng sau dần dần vào cơn sốt rét điển hình. Xét nghiệm hồng cầu giảm rõ, có ký sinh trùng sốt rét trong máu. Dịch tễ: bệnh nhân ở vùng sốt rét lưu hành.

Điều trị bệnh thương hàn

Điều trị bệnh thương hàn là vấn đề hết sức quan trọng. Điều trị sớm, đúng phương pháp, đúng phác đồ và đúng giai đoạn mới có thể đem lại kết quả hồi phục tốt cho người bệnh.

Nguyên tắc điều trị:

  • Cách ly bệnh nhân, tổ chức điều trị tại chỗ, tránh vận chuyển xa để hạn chế sự lây lan. Cần phát hiện sớm các dấu hiệu biến chứng để can thiệp kịp thời.
  • Khẩn trương dùng kháng sinh đặc hiệu theo đúng phác đồ quy định. Hiện nay, ở nước ta, trực khuẩn thương hàn đã kháng lại với các loại kháng sinh trước đây thường dùng để điều trị (Chloramphenicol, Ampicilin, Co - trimoxazole). Trực khuẩn thương hàn còn nhạy cảm với các kháng sinh thuộc nhóm Fluoroquinolone và Cephalosporin thế hệ thứ 3.

Có các phương pháp điều trị như: Điều trị đặc hiệu, điều trị triệu chứng, điều trị biến chứng. Các phương pháp trên thường được kết hợp với nhau để người bệnh tối ưu được kết quả điều trị.

Phòng ngừa bệnh thương hàn

Để phòng ngừa bệnh thương hàn hiệu quả cần thực hiện:

  • Kiểm tra kỹ nguồn nước trước khi sử dụng. 
  • Thực phẩm hàng ngày phải luôn tươi mới, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và trên hết là đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn. 
  • Người dân nên thực hành ăn chín, uống sôi và rửa tay sạch trước khi chế biến món ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Vaccine phòng ngừa bệnh thương hàn - Ảnh: tiemchungfvc.vn
Vaccine phòng ngừa bệnh thương hàn - Ảnh: tiemchungfvc.vn

Bên cạnh những phương pháp trên, việc tiêm vắc xin phòng bệnh thương hàn còn được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo rộng rãi cho mọi người dân, đặc biệt là đối với người dân ở các quốc gia có dịch bệnh đang lưu hành, những người thường đi du lịch, người hay tiếp xúc với thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hoặc di chuyển đến vùng vệ sinh kém. 

Typhoid Vi và Typhim Vi là hai loại vacxin thương hàn phổ biến tại Việt Nam hiện nay.

Trong tình hình giao thương, du lịch cũng như quan điểm Y tế toàn cầu, bệnh thương hàn vẫn tiếp tục là một thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong nhóm khách du lịch. Bệnh thương hàn là căn bệnh nguy hiểm việc tăng cường nhận thức và thực hiện biện pháp phòng ngừa là cực kỳ quan trọng. 

Chúng ta cần nỗ lực không chỉ trong việc điều trị và phòng ngừa mà còn trong việc nâng cao nhận thức và cung cấp giáo dục về cách đối mặt với căn bệnh này. Thông qua sự đoàn kết và nỗ lực chung, chúng ta mới có thể hy vọng kiểm soát và giảm thiểu tác động của bệnh thương hàn trên sức khỏe và phát triển toàn cầu.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết