Giải đáp: Cách chữa bệnh thương hàn như thế nào?
Cách chữa bệnh thương hàn như thế nào?
Cách chữa bệnh thương hàn như thế nào? - Ảnh: BookingCare

Giải đáp: Cách chữa bệnh thương hàn như thế nào?

Tác giả: - Xuất bản: 14/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 17/01/2024
Cách chữa bệnh thương hàn đã được đưa ra bởi các nhà khoa học kể từ khi thuốc kháng sinh ra đời. Thành tựu này đã cứu sống hàng ngàn người khỏi đợt dịch thương hàn năm 1937 tại Anh.

Thương hàn là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có thể dẫn đến sốt cao, tiêu chảy và nôn mửa. Bệnh được gây ra bởi vi khuẩn Salmonella typhi và có nguy cơ tử vong cao. Đây là một bệnh nhiễm khuẩn, vì vậy vai trò của kháng sinh trong điều trị là hết sức quan trọng.

Cùng tìm hiểu cách chữa bệnh thương hàn được thực hiện như thế nào qua bài viết dưới đây.

Cách chữa bệnh thương hàn như thế nào?

Các phương pháp điều trị cũng như các biện pháp phòng ngừa thương hàn hiện nay đã rất tiến bộ và liên tục được cập nhật nhằm giảm thiểu tỷ lệ bị bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này gây ra.

Mỗi phương pháp điều trị sẽ có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau  việc kết hợp của các phương pháp điều trị với nhau sẽ góp phần nâng cao khả năng hồi phục cho bệnh nhân. Bệnh thương hàn là một bệnh nhiễm khuẩn nên sử dụng kháng sinh trong điều trị là chủ yếu hết hợp chăm sóc hỗ trợ người bệnh.

Điều trị đặc hiệu

Bệnh thương hàn được điều trị bằng thuốc kháng sinh đặc hiệu như: Ceftriaxon, Ciprofloxacin, Levofloxacin…

Tuy việc điều trị bệnh không quá phức tạp nhưng hiện nay tình trạng vi khuẩn thương hàn kháng thuốc kháng sinh là rào cản lớn đối với các bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh. Hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh được thông báo lần đầu tiên ở Ấn Độ năm 1960.

Tại Việt Nam, vi khuẩn thương hàn kháng Chloramphenicol 91,2%; Bactrim 96%; Ampicillin 92,8%; cùng một số loại kháng sinh mới như Claforan, Norfloxacin, Ciprobay. Trong vòng 5 – 10 năm trở lại đây, các nhà nghiên cứu đã phân lập được chủng vi khuẩn kháng thuốc với kháng sinh như nhóm Fluoroquinolone và nhóm Cephalosporin thế hệ III.

Điều trị triệu chứng

Bên cạnh điều trị đặc hiệu với kháng sinh nhóm Fluoroquinolone và nhóm Cephalosporin thế hệ III, triệu chứng của bệnh thương hàn còn được điều trị bằng cách bù nước điện giải (1500-2000ml/ngày) theo tỷ lệ Glucose 5%, Ringer Lactat, Natri clorid 9%, hạ sốt khi sốt cao, áp dụng chế độ ăn với thức ăn mềm và đủ chất dinh dưỡng trong thời gian sốt.

Điều trị biến chứng

Xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột và biến chứng choáng nội độc tố là những biến chứng có thể xảy ra trong quá trình điều trị bệnh thương hàn. Đối với trường hợp bị xuất huyết tiêu hóa, các bác sĩ không dịch chuyển bệnh nhân, và ngay lập tức cho chườm lạnh, sử dụng thuốc cầm máu và truyền thêm máu.

Trong trường hợp người bệnh bị thủng ruột, bệnh nhân cần được can thiệp ngoại khoa. Khi bệnh nhân có biến chứng sốc nội độc tố, các bác sĩ có thể dùng thuốc kháng viêm Solumedrol 30mg/kg truyền trong 30 phút đầu và có thể lặp lại sau 4 – 6 giờ trong vòng 48 giờ.

Bệnh nhân có thể gặp các biến chứng về thần kinh, tim mạch,viêm phổi, màng phổi, xương thận,... Vì vậy trong việc điều trị cũng cần hết sức chú ý tới các cơ quan này có thể bị tổn thương do bệnh.

Ngoài ra để điều trị người lành mang vi khuẩn, các bác sĩ có thể sử dụng các loại thuốc như  Ciprofloxacin, Cefixim…

Chăm sóc hỗ trợ bệnh nhân

Chăm sóc biến chứng tiêu hóa: Chườm ấm khi người bệnh đau bụng. Nếu người bệnh táo bón không thụt tháo và không uống thuốc tẩy. Cho người bệnh ăn chế độ ăn lỏng, mềm. Uống nhiều nước.

Điều trị bệnh thương hàn là vấn đề hết sức quan trọng trong việc giảm tỷ lệ tử vong do bệnh trong cộng đồng. Sự tiến bộ của khoa học đã góp phần không nhỏ trong việc điều trị thành công cho người bệnh.

Khi thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nghi ngờ bệnh thương hàn cần tới ngay cơ sở y tế có chuyên môn để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, tránh chủ quan để bệnh diễn tiến tới tình trạng nặng gây khó điều trị và tiên lượng xấu.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết