- Xuất bản: 04/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 02/03/2024
Châm cứu là phương pháp an toàn, nhưng vẫn có nguy cơ gặp phải một số tai biến - Ảnh: BookingCare
Châm cứu có an toàn không? Đây là câu hỏi mà nhiều người băn khoăn khi tìm đến phương pháp châm cứu. Cùng BookingCare tìm hiểu về châm cứu và những lưu ý để đảm bảo an toàn khi châm cứu qua bài viết dưới đây.
Châm cứu là một phương pháp điều trị không dùng thuốc của y học cổ truyền, có tác dụng phòng và chữa nhiều bệnh lý thuộc các cơ quan khác nhau. Để châm cứu an toàn và đảm bảo hiệu quả, người thầy thuốc cần nắm vững các nguyên tắc khi châm cứu và một số tai biến có thể xảy ra khi châm cứu.
Châm cứu có an toàn không?
Châm là dùng kim châm vào huyệt. Cứu là dùng sức nóng của ngải cháy hơ hoặc cứu trên huyệt để gây kích thích tới sự phản ứng của cơ thể (hệ kinh lạc) nhằm mục đích phòng và chữa bệnh.
Trên lâm sàng, tùy theo tình trạng bệnh, thầy thuốc có thể áp dụng đơn thuần phép châm (hoặc cứu) hoặc kết hợp cả hai với các phương pháp khác để nâng cao hiệu quả chữa bệnh.
Hiện nay, bên cạnh phương pháp châm truyền thống, còn có các phương pháp khác như mãng châm, diện châm, nhĩ châm, tỵ châm, thủy châm, laser châm, châm tê,… Mỗi phương pháp có ưu điểm riêng đối với từng mặt bệnh, được cân nhắc lựa chọn tùy theo tình trạng bệnh nhân.
Châm cứu được coi là phương pháp xâm lấn tối thiểu, là phương pháp an toàn và đã được chứng minh có tác dụng tốt qua nhiều công trình nghiên cứu.
Kim châm cứu có đường kính rất nhỏ, kết hợp thao tác châm qua da nhanh của thầy thuốc thì gần như bệnh nhân không cảm thấy gì. Nếu có chỉ là cảm giác nhói nhẹ tại thời điểm kim đi qua, khi kim đã vào dưới da thì cảm giác này không còn nữa, thay vào đó có thể là cảm giác tê, nặng do kim châm cứu tác dụng vào huyệt đạo tạo ra. Vì thế, các phản ứng bất lợi trong châm cứu như chảy máu, đau, bầm tím thường chỉ nhỏ và thoáng qua.
Những tai biến có thể xảy ra khi châm cứu
Mặc dù ít phổ biến hơn nhưng châm cứu sai cách hoặc không chuẩn bị trước châm cứu cho bệnh nhân có thể dẫn đến một số tai biến châm cứu như:
Choáng ngất (vựng châm)
Nguyên nhân: chủ yếu do tâm lý sợ hãi, do sức khoẻ yếu, trạng thái cơ thể không bình thường (đói, vừa lao động nặng, vừa đi xa tới, sử dụng chất kích thích…)…
Biểu hiện: da tái, toát mồ hôi, mạch nhanh, tim đập yếu, huyết áp có thể hạ thấp, hoảng loạn, ngất. Trường hợp nặng có thể gây tụt huyết áp, rối loạn cơ tròn,…
Xử lý: lập tức bảo bệnh nhân nhắm mắt, rút kim, cho bệnh nhân nằm đầu thấp, đắp ấm hoặc chiếu đèn hồng ngoại sưởi ấm, đảm bảo thông thoáng, giải thích cho bệnh nhân, sử dụng thuốc trợ tim nếu cần. Nếu bệnh nhân bất tỉnh day bấm huyệt Nhân trung để tỉnh thần.
Đề phòng: Chú ý loại trừ bệnh nhân chống chỉ định châm cứu, giải thích và động viên bệnh nhân trước khi châm, nhất là bệnh nhân mới châm lần đầu. Châm ít huyệt, tránh kích thích quá mạnh, thủ thuật châm phải thành thạo.
Chảy máu
Nguyên nhân: do châm kim vào khu vực nhiều mạch máu, châm phải tĩnh mạch, do bệnh nhân giãy dụa hay cử động mạnh làm thay đổi hướng kim.
Biểu hiện: chảy máu khi rút kim
Xử trí: Lấy bông gòn khô thấm máu, day nhẹ để tránh tụ máu dưới da.
Đề phòng: châm kim đúng cách, tránh châm sâu hoặc thận trọng khi châm vào khu vực nhiều mạch máu ở nông. Chọn tư thế thoải mái cho bệnh nhân. Khi châm cho trẻ nhỏ cần có người giữ trẻ để tránh trẻ giãy giụa.
Cong kim, gãy kim
Nguyên nhân: kim không đảm bảo kỹ thuật, gỉ hoặc do khi châm bệnh nhân cử động, giãy dụa, châm quá thô bạo.
Biểu hiện: khi rút kim thấy kim châm bị cong hoặc gãy, vị trí gãy thường ở phần tiếp nối giữa thân và đốc kim.
Xử trí: Rút kim nhẹ nhàng. Nếu kim cong thì lựa theo chiều cong để rút. Nếu kim gãy thì giữ nguyên tư thế bệnh nhân, dùng panh gắp kim. Trường hợp kim di lệch nên kết hợp chụp X-Quang để xác định vị trí và rút kim.
Đề phòng: Thường xuyên kiểm tra và loại bỏ kim không đảm bảo kỹ thuật trước khi châm. Nếu kim cong có thể vuốt kim cho thẳng rồi mới châm. Không châm quá sâu (tránh lút thân kim), làm tư tưởng tốt với bệnh nhân để tránh bệnh nhân hoảng sợ. Theo dõi bệnh nhân trong quá trình châm, nếu bệnh nhân không hợp tác thì nên rút kim và tìm phương pháp điều trị khác.
Nhiễm trùng
Nguyên nhân: do vệ sinh kim, dụng cụ không đảm bảo, thao tác sát trùng kém, hoặc cơ địa bệnh nhân dễ nhiễm trùng (nhiễm tụ cầu da, tiểu đường,…).
Biểu hiện: sau châm một thời gian, xuất hiện nhiễm trùng tại chỗ châm.
Xử trí: nhiễm trùng nhẹ thì dùng thuốc sát trùng tại chỗ châm hoặc bôi. Nhiễm trùng nặng phải phối hợp kháng sinh hay chích rạch ổ mủ, làm vệ sinh tốt.
Đề phòng: chú ý thực hiện đúng quy trình chống nhiễm trùng, vô khuẩn tốt dụng cụ, sát trùng chỗ châm và giữ gìn vệ sinh chung. Dùng kim 1 lần.
Châm phải phủ tạng
Nguyên nhân: châm quá sâu ở những vùng có lớp da cơ mỏng, hoặc bệnh nhân cử động làm thay đổi hướng châm.
Triệu chứng: (hiếm gặp) châm phải tạng rỗng gây tràn khí, châm phải phổi có thể gây tràn khí màng phổi. Châm phải tạng đặc có thể gây xuất huyết nội tạng.
Xử trí: tuỳ mức độ nặng nhẹ tổn thương mà quyết định can thiệp.
Đề phòng: chọn tư thế tốt để bệnh nhân thoải mái khi châm, tránh châm sâu ở những vùng ngực bụng. Lựa chọn kích thước chiều dài kim phù hợp với mỗi vùng cần châm.
Bỏng
Nguyên nhân: do cứu quá nóng, quá lâu hay do rơi tàn lên da người bệnh, thường là về nhà mới nổi phỏng nước.
Biểu hiện: gây bỏng nhẹ hoặc bỏng độ I.
Xử trí: ngay khi cứu nếu bệnh nhân thấy bỏng rát cần làm mát chỗ bỏng (dùng mỡ hay phomat), sau đó dùng gạc đắp để tránh nhiễm trùng. Nếu có phỏng nước cần giữ không để nhiễm khuẩn.
Đề phòng: không khuyến khích bệnh nhân chịu nóng, thường xuyên quan sát - hỏi người bệnh về sức nóng, tập trung khi cứu. Lót miếng lót để giảm bớt sức nóng. Không cứu ở những vùng da mất cảm giác.
Cháy
Nguyên nhân: có thể do người bệnh cử động mạnh, giãy giụa khi bị nóng quá làm rơi tàn, ngải vào quần áo, chăn màn gây cháy.
Đề phòng: Không cứu nhiều người một lúc, không rời bệnh nhân khi cứu, dập tắt mồi khi cứu xong.
Những lưu ý để đảm bảo an toàn khi châm cứu
Để đảm bảo quá trình châm cứu diễn ra an toàn, ít tai biến, thầy thuốc cần lưu ý một số điều sau:
Thành thạo kỹ thuật châm cứu trước khi điều trị.
Làm tốt công tác chuẩn bị bệnh nhân: giải thích, động viên, lựa chọn tư thế,…
Xác định công thức huyệt, vị trí huyệt cần châm. Châm theo từng vùng, theo thể trạng người bệnh, chọn kim châm phù hợp.
Sát trùng chỗ châm kim theo đúng kỹ thuật.
Căng da khi châm để giảm cảm giác đau cho bệnh nhân.
Châm kim 2 thì: thì qua da nhanh gọn, thì vào cơ tuỳ nông sâu.
Rút kim xong cần sát trùng chỗ châm.
Luôn theo dõi, quan sát tình trạng của bệnh nhân trong suốt quá trình châm cứu.
Chuẩn bị sẵn những dụng cụ cần thiết để xử trí nếu có tai biến xảy ra.
Châm cứu là phương pháp không dùng thuốc có tính an toàn, hiệu quả và ít tác dụng phụ. Đây là một trong những phương pháp trị liệu không dùng thuốc được ứng dụng rộng rãi và cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, để tránh những rủi ro có thể gặp phải, bạn nên tìm đến các cơ sở y tế chất lượng để trị liệu và tuân thủ theo những chỉ định, lưu ý khi điện châm.