Chăm sóc bệnh nhân chạy thận nhân tạo là việc làm cần thiết để duy trì sức khỏe, tinh thần và hỗ trợ cho quá trình điều trị diễn ra hiệu quả, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến người bệnh.
Các lưu ý về chăm sóc người bệnh chạy thận nhân tạo
Để chăm sóc cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo, người thân và người bệnh cần lưu ý một số điều sau:
Theo dõi chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường tập trung vào việc kiểm soát lượng nước, đạm, kali, natri và các chất điện giải khác trong cơ thể. Điều này giúp duy trì cân bằng điện giải và giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng chạy thận nhân tạo.
Chức năng thận của bệnh nhân chạy thận nhân tạo không có khả năng lọc thải các chất chuyển hóa từ đạm như acid uric, ure... Vì vậy, người bệnh cần hạn chế ăn các thực phẩm giàu đạm để giảm áp lực lên thận.
- Ưu tiên thực phẩm đạm động vật có hàm lượng đạm thấp, giàu canxi, (cá, trứng, sữa, ngũ cốc, khoai sọ, khoai lang, sắn,...)
- Hạn chế thực phẩm giàu đạm, kali có nguồn gốc thực vật (cam, chuối, quả bơ, hạt họ đậu, dâu, đỗ, vừng, lạc, rau muống, rau ngót, rau dền, giá đỗ, rau đay, mồng tơi, cải xanh...)
- Ưu tiên các loại thực vật như bầu, bí, mướp, dưa chuột, cải trắng, cải cúc, cải bắp, su su...
- Giảm lượng muối, sử dụng tối đa 3g muối/ngày.
- Ưu tiên các thực phẩm giàu tinh bột, đường và chất béo để tránh suy dinh dưỡng.
- Tránh sử dụng các thực phẩm có hàm lượng muối cao như: dưa muối, cà muối, thịt cá muối..., các loại thực phẩm chế biến sẵn như giò, chả, thịt hun khói, thịt hộp, xúc xích...
- Chú ý bổ sung nước vừa phải, không uống quá nhiều để tránh tích nước trong cơ thể.
Chế độ sinh hoạt
- Để người bệnh nghỉ ngơi tối đa, giữ môi trường xung quanh yên tĩnh.
- Nâng cao gối (45 độ) cho bệnh nhân khi ngủ.
- Đảm bảo nhiệt độ ổn định để cơ thể bệnh nhân luôn được giữ ấm, tránh nhiễm lạnh.
- Theo dõi tâm lý và động viên người bệnh chuẩn bị tinh thần tích cực cho quá trình chạy thận.
- Nếu người bệnh đã từng chạy thận, cần vệ sinh sạch sẽ vị trí lỗ rò chạy thận thường xuyên, luôn giữ băng khô, tránh để nước thấm vào băng khi đi tắm. Không tự ý chạm vào vết thông, không tham gia các hoạt động bơi lội hoặc ngâm mình trong bồn nước nóng.
Các lưu ý khác trong quá trình chăm sóc bệnh nhân chạy thận nhân tạo
Ngoài các phương pháp chăm sóc đã nêu, người thân và người bệnh cần chú ý thêm một số điều sau:
- Theo dõi sự thay đổi huyết áp, đường huyết và các triệu chứng phù nề do tích nước ở người bệnh để thông báo cho bác sĩ vào các lần kiểm tra định kỳ.
- Theo dõi theo dõi các triệu chứng sốt, đau, sưng, đỏ và mủ ở vùng chạy thận hoặc xung quanh cơ quan chạy thận để hạn chế tình trạng nhiễm trùng.
- Liên hệ với bác sĩ khi bệnh nhân xuất hiện các biến chứng chạy thận nhân tạo để được xử lý kịp thời.
Trên đây là một số phương pháp chăm sóc bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Hy vọng người bệnh và người thân lưu ý thực hiện để đảm bảo sự an toàn và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân chạy thận nhân tạo.