Chạy thận nhân tạo: Là gì? Khi nào cần chạy thận nhân tạo?

Tác giả: - Xuất bản: 26/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 26/02/2024
chạy thận nhân tạo
Chạy thận nhân tạo: Là gì? Khi nào cần chạy thận nhân tạo? - Ảnh: BookingCare
Tìm hiểu chi tiết về đối tượng cần chạy thận nhân tạo, quy trình chạy thận nhân tạo và những lưu ý cần biết ngay trong bài viết dưới đây.

Chạy thận nhân tạo là cách phổ biến hiện nay để điều trị suy thận. Theo các chuyên gia, nếu bệnh nhân chạy thận nhân tạo đều đặn sẽ tăng khả năng sống lên 5-10 năm.

Chạy thận nhân tạo đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và một quy trình chính xác để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân. 

Chạy thận nhân tạo là gì?

Chạy thận nhân tạo là một phương pháp lọc máu ngoài thận để lấy đi khỏi cơ thể những sản phẩm cặn bã và lượng nước dư thừa.

Máy chạy thận sẽ được nối kết vào vòng tuần hoàn máu của cơ thể, máu từ cơ thể sẽ đi qua máy lọc thận để lọc bỏ các chất độc, muối và nước thừa, sau đó máy sẽ trả máu sạch về cơ thể. Thời gian chạy thận nhân tạo sẽ kéo dài từ 3 - 5/tiếng.

Chạy thận nhân tạo là một phương pháp tiên tiến và quan trọng trong lĩnh vực y tế, giúp duy trì sự sống cho những người bệnh suy thận. Bằng cách loại bỏ chất thải và chất cặn thay thế chức năng thận, chạy thận nhân tạo mang lại lợi ích đáng kể cho sức khỏe và chất lượng sống của bệnh nhân.

Khi nào cần chạy thận nhân tạo

Bệnh nhân cần lọc máu nếu thận không còn loại bỏ đủ chất thải và chất lỏng từ máu để giúp cơ thể khỏe mạnh. Điều này thường xảy ra khi bạn chỉ còn 10 – 15% chức năng thận.

Các triệu chứng phổ biến là buồn nôn, nôn, phù, tiểu ít và mệt mỏi. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn chưa có những triệu chứng này, trong cơ thể bạn vẫn có thể tồn tại một lượng chất thải cao trong máu có thể gây độc. Việc chạy thận nhân tạo sẽ được chỉ định bởi bác sĩ có chuyên môn.

Bác sĩ thường chỉ định chạy thận nhân tạo với các trường hợp dưới đây:

  • Tất cả những người bệnh suy thận giai đoạn cuối phải điều trị thay thế khi khả năng làm việc của thận còn 10-15%, hay mức lọc cầu thận (MLCT) ≤ 15 ml/ phút/ 1.73 m2.
  • Ở những bệnh nhân có bệnh lý kèm theo là đái tháo đường, có thể chỉ định sớm hơn.
  • Ngoài ra, kỹ thuật thận nhân tạo còn được áp dụng để lọc máu trong các trường hợp khác: Chỉ định lọc máu cấp cứu, ngộ độc,…
  • Lọc máu chu kỳ 1 tuần ≥ 12 giờ (mỗi lần lọc máu ít nhất 4 giờ, tuần 3 lần, cách ngày).

Bên cạnh đó, có một số trường hợp chống chỉ định tuyệt đối chạy thận nhân tạo mà bạn đọc cần lưu ý bao gồm:

  • Trường hợp không có đường lấy máu thích hợp.
  • Trường hợp bệnh nhân bị trụy tim mạch, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim và bệnh mạch vành, suy tim toàn bộ, rối loạn đông máu và chảy máu.
  • Trường hợp người bệnh đang sốt cao, suy kiệt do ung thư.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo - Ảnh: vnexpress.net

Quy trình chạy thận nhân tạo

Trước khi chạy thận

  • Bệnh nhân được chỉ định chạy thận sẽ được chuẩn bị từ vài tuần đến vài tháng trước lần chạy thận đầu tiên.
  • Các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật nối thông tĩnh mạch để dễ dàng đưa máu ra và vào cơ thể.
  • Các chỉ số cần chuẩn bị trước khi chạy thận nhân tạo như: cân nặng, huyết áp, mạch và nhiệt độ cơ thể, vùng mạch máu được khử trùng.

Trong khi chạy thận

  • Trong khi chạy thận nhân tạo, hai cây kim sẽ được đưa vào cánh tay thông qua vùng tiếp cận mạch máu, và được dùng băng dính dán cố định lại.
  • Máy bơm từ máy chạy thận sẽ từ từ rút máu ở cơ thể thông qua đó, máu được di chuyển sang máy lọc thận để tiến hành lọc bỏ các chất độc và nước thừa. Sau khi lọc sạch, máu sẽ được bơm lại cơ thể qua lỗ rò. 
  • Trong quá trình đó người bệnh cần hạn chế hoạt động đi lại và hoạt động mạnh chứ không bắt buộc nằm im.

Với những bệnh nhân chạy thận dưới 3 lần/ tuần, khi máu chạy ra khỏi cơ thể có thể sẽ xuất hiện triệu chứng buồn nôn, đau bụng, việc này có thể được điều chỉnh bằng cách thông báo với bác sĩ để điều chỉnh tốc độ lọc máu, loại thuốc sử dụng hoặc loại chất thẩm tách sử dụng. Trong quá trình chạy thận, huyết áp và nhịp tim thay đổi rất nhiều và cần được theo dõi sát.

Sau khi chạy thận

Sau khi chạy thận nhân tạo, bệnh nhân có thể trở về nhà sinh hoạt bình thường, đợi đến lần chạy thận tiếp theo. 

Lưu ý khi chạy thận nhân tạo

  • Bệnh nhân suy thận mãn tính giai đoạn cuối cần chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần. Với những bệnh nhân không có điều kiện kinh tế thì cũng không cần quá lo lắng bởi chạy thận nhân tạo có được bảo hiểm y tế chi trả.
  • Sau khi lọc máu, người bệnh không được ngủ gối đầu tay vì tăng nguy cơ tắc nghẽn, nhiễm trùng do sự phát sinh các cục máu đông.
  • Tránh đeo trang sức, không mang vác, xách nặng hay gây áp lực cho bên cánh tay có đường mạch máu chạy thận.
  • Bệnh nhân chạy thận nhân tạo nên duy trì chế độ ăn giàu năng lượng và chất đạm, nên hạn chế ít nước, ít muối, ít kali, ít phospho.
  • Tránh tập luyện và làm việc nặng, duy trì thái độ sống lạc quan, giảm căng thẳng, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.

Chạy thận nhân tạo là một quy trình đòi hỏi sự nghiêm ngặt, kéo dài theo suốt cuộc đời, kết hợp với việc dùng thuốc và chế độ ăn uống hợp lý. Do đó, để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị cao nhất, bệnh nhân cần lựa chọn cơ sở y tế chất lượng, tránh xảy ra các rủi ro biến chứng.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết