Quy trình chạy thận nhân tạo? Trước, trong và sau khi chạy thận nhân tạo

Tác giả: - Xuất bản: 26/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 26/02/2024
quy trình chạy thận nhân tạo
Quy trình chạy thận nhân tạo và những lưu ý cần biết - Ảnh: BookingCare
Quy trình chạy thận nhân tạo là một quy trình khắt khe, nghiêm ngặt với nhiều quy tắc được Bộ Y tế ban hành nhằm đảm bảo sự an toàn cho bệnh nhân.

Chạy thận nhân tạo là phương pháp lọc máu bên ngoài cơ thể nhằm điều trị bệnh suy thận giai đoạn cuối hoặc suy thận cấp (thường do ngộ độc) khi thận đã mất gần hết hoặc mất hoàn toàn chức năng.

Nếu bạn đang gặp hoặc có người thân gặp vấn đề về thận cần chạy thận nhân tạo thì hãy tham khảo quy trình dưới đây để hiểu hơn về những gì bệnh nhân sẽ trải qua và cần được hỗ trợ trước, trong và sau chạy thận.

Quy trình chạy thận nhân tạo

Đối với các bệnh nhân bị bệnh suy thận giai đoạn cuối, chạy thận nhân tạo là giải pháp giúp bệnh nhân duy trì được cuộc sống và kéo dài thời gian sống.

Trước khi chạy thận nhân tạo

Trước khi chạy thận nhân tạo, người bệnh sẽ cần làm phẫu thuật nối thông động tĩnh mạch nhằm tăng lưu thông máu đến máy chạy thận và dòng chảy từ máy trở lại cơ thể.

Phẫu thuật nối thông tĩnh mạch có thể thực hiện bằng một trong những cách dưới đây:

  • Lỗ rò động tĩnh mạch
  • AV ghép: Thay thế trong trường hợp các mạch máu của người bệnh quá nhỏ, không thể tạo được lỗ rò động tĩnh mạch.
  • Ống thông tĩnh mạch trung ương: Áp dụng trong trường hợp cần chạy thận nhân tạo khẩn cấp

Trước khi lọc máu 24h, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra lâm sàng:

  • Điện tim, tình trạng tim mạch hiện tại, phim X-quang tim phổi.
  • Các thuốc và điều trị gần nhất
  • Các chỉ số sinh hóa thông thường và các xét nghiệm gần nhất
  • Bác sĩ sẽ cho các chỉ định của buổi lọc gồm: Các xét nghiệm trước và sau lọc, thời gian lọc, lưu lượng máu, siêu lọc (rút cân), thuốc chống đông (liều lượng, cách dùng), quả lọc.

Trong khi chạy thận nhân tạo

Trong buổi chạy thận nhân tạo, các chỉ số, lưu ý cần được đảm bảo bình thường như: cân nặng, huyết áp, mạch và nhiệt độ cơ thể, vùng mạch máu được khử trùng.

Khi bắt đầu chạy thận nhân tạo, y tá hoặc kỹ thuật viên lọc máu sẽ đặt hai cây kim vào cánh tay của người bệnh. Mỗi kim được gắn vào một ống mềm nối với máy lọc máu.

Máy lọc máu sẽ bơm máu qua bộ lọc và đưa máu trở lại cơ thể người bệnh. 

Bộ lọc có hai phần, một phần cho máu, một phần cho dịch lọc và chúng được ngăn cách với nhau bởi một lớp màng mỏng. Lớp màng này sẽ giữ lại các tế bào máu, protein và những chất quan trọng khác đồng thời loại bỏ các chất thải như urê, creatinin, kali và chất lỏng thừa ra khỏi máu.

Trong quá trình chạy thận nhân tạo, bệnh nhân phải được theo dõi chặt chẽ từng giờ các thông số huyết áp, mạch, nồng độ dịch lọc.

Nếu trong quá trình lọc máu xuất hiện những biểu hiện bất thường như cảm thấy nhìn mờ, khó thở, đau bụng, buồn nôn, nôn,... thì cần báo ngay cho điều dưỡng hoặc bác sĩ.

Bệnh nhân thường sẽ chạy thận nhân tạo 3 lần/ tuần, mỗi lần từ 3 - 4 tiếng. 

 

Quy trình chạy thận nhân tạo
Quy trình chạy thận nhân tạo - Ảnh: Bệnh viện Trưng Vương

Sau khi chạy thận nhân tạo

Quy trình chạy thận nhân tạo mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho bệnh nhân suy thận. Chạy thận nhân tạo có thể giúp cơ thể kiểm soát huyết áp, đồng thời duy trì sự cân bằng dịch và các khoáng chất khác nhau như kali, natri trong cơ thể.

Sau khi lọc máu xong, bệnh nhân có thể ra về, không cần phải ở lại viện.

Người bệnh cần có chế độ chăm sóc đặc biệt, tránh các biến chứng sau chạy thận nguy hiểm như suy tim, loãng xương, suy dinh dưỡng… có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo cần lưu ý chế độ ăn nhiều chất đạm, vitamin, ít nước, hạn chế thực phẩm nhiều kali, natri,…

Vận động, làm việc nhẹ nhàng tránh ảnh hưởng đến lỗ rò động tĩnh mạch.

Như vậy trên đây là tổng quan về quá trình chạy thận nhân tạo. Bệnh nhân đã chạy thận nhân tạo cần duy trì hoạt động này suốt đời hoặc cho tới khi được ghép thận. 

Hy vọng những thông tin trên đây có thể phần nào giúp quá trình khám chữa bệnh của bệnh nhân chạy thận nhân tạo và gia đình được dễ dàng hơn.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết