Vào mùa Đông Xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là nguyên nhân của sự xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp như COVID-19, cúm, sởi, rubella, ho gà... tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Tìm hiểu về cách chăm sóc và điều trị người bệnh COVID-19 hiệu quả tại nhà giúp ngăn ngừa dịch COVID-19 bùng phát trở lại, cũng như giảm nhẹ gánh nặng cho hệ thống y tế.
Đối tượng người mắc COVID 19 nào được chăm sóc và điều trị tại nhà?
Theo Bộ Y tế, người bệnh mắc COVID-19 được quản lý, điều trị tại nhà nếu đáp ứng điều kiện sau đây:
- Người được xác định mắc COVID-19 thông qua xét nghiệm test nhanh COVID-19 hoặc xét nghiệm realtime RT-PCR, không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng lâm sàng ở mức nhẹ: như sốt, ho khan, đau rát họng, nghạt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, mất mũi mất vị.
- Người mắc COVID-19 không có các dấu hiệu bệnh nặng, dấu hiệu của viêm phổi hoắc thiếu oxy: nhịp thở < 20 lần/phút, nồng độ oxy trong máu (SpO2) > 90%, không có thở bất thường như thở rên, phập phồng cánh mũi, co rút hõm ức,, thở khò khè, thở rít khi hít vào.
- Người mắc COVID-19 không có các bệnh lý nền, hoặc có bệnh nền nhưng đang điều trị và kiểm soát tốt.
Người tự điều trị COVID-19 tại nhà có thể tự chăm sóc bản thân và có khả năng liên lạc được đến các cơ sở y tế hoặc người thân khi có các dấu hiệu nặng, cấp cứu. Hoặc nếu không có khả năng, người bệnh cần có người thân hỗ trợ chăm sóc đảm bảo được liên lạc y tế khi cần.
Điều trị người bệnh COVID-19 tại nhà
Quá trình tự chăm sóc và điều trị tại nhà hiệu quả là điều vô cùng cần thiết, nhất là trong thời kỳ dịch bùng phát. Việc chăm sóc, điều trị tốt giúp người bệnh tránh được những biến chứng nguy hiểm do COVID-19 gây ra cũng như phòng tránh lây lan dịch bệnh.
Người bệnh COVID-19 cần chủ động tự theo dõi các dấu hiệu sức khỏe 2 lần/ ngày vào buổi sáng và tối, hoặc ngay khi có dấu hiệu bệnh nặng hơn cần đo lại các chỉ số. Các chỉ số theo dõi tại nhà mà người bệnh có thể thực hiện bao gồm đếm nhịp thở, mạch, đo nhiệt độ, nếu có thể hãy đo thêm huyết áp và Spo2. Nên có một máy đo nồng độ oxy trong máu tại nhà khi có người trong gia đình mắc COVID-19, điều này cần thiết khi gia đình có các đối tượng đặc biệt như người cao tuổi, nhiều bệnh lý nền, trẻ nhỏ.
Điều trị COVID-19 chủ yếu là điều trị triệu chứng, bao gồm:
- Dùng hạ sốt thông thường nếu có triệu chứng sốt (>38 độ C), Paracetamol: cho trẻ em dùng gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hàm lượng 80 mg, 100 mg, 150 mg hoặc 250 mg, cho người lớn: viên nén 250 mg hoặc 500 mg… Có thể dùng thêm Oresol giúp bổ sung điện giải trong trường hợp sốt cao, mất nước.
- Để giảm bớt triệu chứng ho khan, đau rát họng: súc họng nước muối thường xuyên, hoặc sử dụng các chế phẩm súc họng, dùng các loại thuốc ho thảo dược, xịt họng như prospan, nếu tình trạng ho đờm có thể sử dụng các thuốc long đờm như acemuc, bromhexin.
- Ngạt tắc mũi: thực hiện rửa mũi với nước muối hoặc dung dịch rửa mũi, ở trẻ nhỏ cần lưu ý rửa mũi đúng cách để tránh lên tai của trẻ.
- Một số vitamin tổng hợp người bệnh có thể dùng thêm giúp tăng cường miễn dịch.
- Thuốc kháng virus dùng sớm ngay sau khi có chẩn đoán xác định mắc COVID-19, tốt nhất trong 5 ngày đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng. Ưu tiên sử dụng cho những trường hợp có triệu chứng hoặc có nguy cơ cao bệnh tiến triển nặng như người trên 65 tuổi, chưa tiêm đủ liều vaccine, có bệnh nền không ổn định. Tuy nhiên, thuốc kháng virus cần được kê đơn bởi bác sĩ, người bệnh không tự dùng
- Kháng sinh và corticoid cũng là những thuốc dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh việc điều trị, người bệnh cũng cần theo dõi các triệu chứng của mình, ngay khi tự điều trị tại nhà nhưng các triệu chứng không cải thiện mà diễn biến nặng lên người bệnh cần liên hệ với cơ sở y tế để được giúp đỡ.
Những lưu ý khi chăm sóc người bệnh COVID-19 tại nhà
- Người mắc COVID-19 nên nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh thoáng khí, vận động thể lực nhẹ nhàng phù hợp với tình trạng sức khoẻ.
- Tăng cường dinh dưỡng, bổ sung vitamin từ các loại rau củ quả.
- Uống nhiều nước, có thể thay bằng các nước từ sinh tố, không đợi khát mới uống.
- Tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày.
- Suy nghĩ tích cực, thoải mái, tránh lo lắng, stress
- Không nên sử dụng cafe, trà hay rượu bia.
- Cách ly và hạn chế tiếp xúc để tránh lây bệnh cho các thành viên khác trong gia đình.
Khi bệnh COVID-19 chuyển sang nhóm bệnh truyền nhiễm B, người mắc COVID-19 phần lớn sẽ tự điều trị tại nhà. Hiểu rõ chăm sóc và điều trị người bệnh COVID-19 hiệu quả tại nhà, giúp chủ động chăm sóc sức khỏe gia đình. Ngay khi có các dấu hiệu triệu chứng bệnh nặng, cần nhanh chóng liên hệ để được hỗ trợ từ các cơ sở y tế.