Tại Việt Nam đỉnh của dịch cúm mùa vào khoảng tháng 3-4 và tháng 9-10 hằng năm, virus cúm A dễ lây lan với tốc độ nhanh chóng và có thể trở thành dịch lớn trong cộng đồng. Khi một người trong gia đình mắc cúm nếu không có cách chăm sóc người bệnh cúm A an toàn, thì rất có thể sẽ lây bệnh cho những người còn lại trong gia đình.
Cách chăm sóc người bệnh cúm A tại nhà
Một vài đối tượng đặc biệt nên được đến cơ sở y tế khi mắc cúm A. Để chăm sóc người bệnh cúm A tại nhà cần có sự tư vấn chuyên môn từ các bác sĩ để tránh diễn biến nặng cũng như các biến chứng cho người bệnh. Tham khảo một số cách chăm sóc người bệnh cúm A tại nhà dưới đây.
- Các triệu chứng của cúm A giống như các triệu chứng của bệnh cảm lạnh, người bệnh sốt, ho, đau cơ, khiến người bệnh mệt mỏi nhiều và cảm thấy mất năng lượng, không muốn làm việc gì. Vì thế trong thời gian mắc cúm, người bệnh nên được nghỉ ngơi, đảm bảo dinh dưỡng, uống nhiều nước, bổ sung vitamin, giúp tăng cường sức đề kháng.
- Các thực phẩm nên được bổ sung bao gồm:
- Các khoáng chất và vitamin từ rau củ quả có vai trò giúp cơ thể tăng đề kháng, kháng viêm như vitamin C, vitamin B, vitamin E,… từ các loại quả như: táo, cam, ổi,…
- Bổ sung kẽm từ các thực phẩm giàu kẽm như: thịt, sữa, tôm,...
- Khi người bệnh có triệu chứng sốt cao trên 38,5 có thể sử dụng thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol, đồng thời có thể bổ sung thêm điện giải bằng cách uống Oresol, tuy nhiên việc uống Oresol ở trẻ em nên thận trọng.
- Một vài thuốc thông thường có thể sử dụng giúp giảm nhanh các triệu chứng ho, chảy mũi như súc họng nước muối sinh lý, sử dụng các thuốc nhỏ mũi đơn giản.
- Lưu ý thuốc kháng vi rút không được tự dùng tại nhà mà nên có chỉ định từ bác sĩ.
- Cho xông bằng cách loại lá thơm như ngải cứu, lá cúc tần, lá bưởi, lá chanh, sả,... cũng là cách giúp người mắc cúm A thấy thoải mái và dễ chịu.
Lưu ý khi chăm sóc người bệnh cúm A tại nhà
Cách ly người bệnh
- Người mắc cúm A nên được ở trong phòng riêng, yên tĩnh, thoáng khí, nghỉ ngơi trong khoảng 7 ngày, không nên ở phòng máy lạnh vì có thể làm nặng thêm các triệu chứng.
- Phòng của người bệnh nên riêng biệt với khu sinh hoạt chung của cả gia đình, nếu được trong phòng có nhà tắm, vệ sinh khép kín riêng cho người bệnh để tránh tiếp xúc và lây bệnh cho các thành viên trong gia đình. Người bệnh ăn uống và sinh hoạt trong phòng.
- Hạn chế tối đa việc đi ra khỏi phòng và tiếp xúc với người xung quanh, nhất là với nhóm người có nguy cơ dễ bị bệnh cúm nặng ( cúm có biến chứng). Khi cần thiết bắt buộc phải ra khỏi phòng (đi vệ sinh, đi tắm rửa, đi khám bệnh,...), người bệnh phải mang khẩu trang che kín mũi miệng.
- Quần áo của người bệnh nên được giặt riêng, đồ dùng cá nhân, bát chén, thìa đũa,… cũng nên được dùng riêng.
- Người bệnh nên rửa tay bằng xà phòng, sát khuẩn tay trước khi tiếp xúc với các vị trí như: tay nắm cửa, bàn ghế, các vật dụng khác,… tránh phát tán virus cúm.
Xử lý đồ dùng của người bệnh cúm A như thế nào?
- Quần áo của người bệnh cần được giặt riêng, khi thu dọn người chăm sóc cần đeo khẩu trang và găng tay.
- Phòng người bệnh luôn cần dọn vệ sinh hằng ngày, lau chùi thường xuyên, chăn ga gối cũng nên được thay mới.
- Các chất thải như giấy lau, tăm,… cần được vứt gọn trong thùng rác có nắp đậy và được vứt bỏ hàng ngày.
Cách bảo vệ và phòng tránh cho người thân trong gia đình khi có người mắc cúm A
- Tránh để người bệnh tiếp xúc với các đối tượng dễ bị bệnh cúm trong gia đình như trẻ nhỏ, người già, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ đang mang thai,…
- Các thành viên trong gia đình thường xuyên rửa tay với xà phòng
- Chủ động hạn chế tiếp xúc với người đang bị bệnh, nếu cần thiết tiếp xúc phải đeo khẩu trang, khi tiếp xúc. Rửa tay kỹ sau mỗi lần tiếp xúc với đồ dùng hoặc người bệnh.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân.
- Nhà cửa và các khu vực sinh hoạt chung nên để cửa thông thoáng, giúp không khi lưu thông tốt.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe khi chăm người bệnh cảm cúm, nên ăn thêm gia vị làm ấm cơ thể và có tính kháng khuẩn (như hành, tỏi, gừng,…), ăn nhiều rau quả trái cây tươi chứa nhiều vitamin C (chanh, cam, quýt,…) để tăng cường sức đề kháng chống lại vi khuẩn gây bệnh cúm.
- Tuyệt đối không ăn lại đồ thừa của người bệnh.
- Khi thấy dấu hiệu của bị cảm cúm như: sốt, sổ mũi, nhức đầu, đau mỏi người, mắt đỏ, gai rét, phải cách ly và khám, điều trị ngay.
- Vệ sinh nhà cửa, lau dọn các bề mặt bằng các chất tẩy rửa giúp loại bỏ vi khuẩn. Thường xuyên thay ga giường, chăn gối.
Bệnh cúm A lây lan nhanh chóng và có thể tạo thành bệnh dịch lớn, vì thế hiểu về cách chăm sóc người bệnh cúm A giúp người bệnh nhanh khỏi và tránh lây lan cho gia đình, cộng đồng. Ngay khi có người trong gia đình mắc cúm A hãy thực hiện cách ly và đảm bảo an toàn cho các thành viên có nguy cơ cao mắc bệnh.