Cảnh báo bệnh cúm A và những điều cần biết
Cúm A gây ra các triệu chứng ho, sốt, đau mỏi người
Cúm A gây ra các triệu chứng ho, sốt, đau mỏi người - Ảnh: BookingCare

Cảnh báo bệnh cúm A và những điều cần biết

Tác giả: - Xuất bản: 13/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 22/01/2024
Thời tiết giao mùa cũng là lúc gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh cúm mùa đặc biệt là cúm A. Cúm A có những triệu chứng giống với cảm lạnh thông thường nên dễ nhầm lẫn và bỏ qua. Bệnh nếu không được điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Cúm là bệnh về đường hô hấp thông thường do mắc phải virus cúm. Hàng năm, có khoảng từ 3% đến 11% số người mắc bệnh cúm A.Trẻ em, trẻ sơ sinh và người lớn trên 65 tuổi có nguy cơ mắc các triệu chứng cúm theo mùa cao hơn, mặc dù vậy, bất kỳ ai cũng có thể bị cúm. Bài viết sau đây sẽ giúp giải đáp những điều cần biết về bệnh cúm A.

Bệnh cúm A là gì?

Bệnh cúm là bệnh nhiễm virus đường hô hấp cấp tính gây ra bởi virus cúm (Influenza) gồm 3 typ A, B và C gây ra. Ở vùng khí hậu ôn đới, dịch bệnh theo mùa xảy ra chủ yếu vào mùa đông. Trong khi đó ở vùng nhiệt đới, cúm có thể xảy ra quanh năm, khiến dịch bùng phát bất thường hơn.

Tại Việt Nam, dịch cúm mùa kéo dài từ tháng 6 đến hết năm, những tháng cuối năm, thời tiết mùa chuyển mùa, khí hậu lạnh là điều kiện thuận lợi để virus cúm phát triển, lây nhiễm mạnh trong cộng đồng. Theo nghiên cứu về bệnh cúm được công bố trên tạp chí y khoa hàng đầu thế giới The Lancet, tỷ lệ mắc cúm tại Việt Nam cao hơn gấp 5 lần trung bình thế giới.

Các chủng virus cúm phổ biến nhất ở Việt Nam là cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Cúm thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 – 7 ngày nhưng ở những trường hợp trẻ nhỏ, người già, suy giảm miễn dịch, bệnh dễ diễn biến nặng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Triệu chứng của cúm A

Cúm A phổ biến với các triệu chứng thông thường, diễn biến theo giai đoạn bệnh:

  • Giai đoạn ủ bệnh: thường từ 2-8 ngày, có thể kéo dài đến hai tuần. Tuy nhiên tiếp xúc nhiều lần với virus dẫn đến khó xác định thời gian ủ bệnh. Trong giai đoạn này virus nằm trong cơ thể nhưng chưa phát triển mạnh nên gần như không có biểu hiện triệu chứng gì.
  • Giai đoạn khởi phát: Cơ thể bắt đầu có các triệu chứng sốt từ vừa đến nặng, có thể kèm rét run, ớn lạnh, cảm giác gai người, mệt mỏi có thể kèm theo chảy mũi trong, ho cơn ngắn chưa có đờm.
  • Giai đoạn toàn phát: sốt cao liên tục 39-40 độ, cơ thể mệt mỏi, đau mỏi người, chán ăn, đau nhức đầu đặc biệt là vùng trán, vùng mắt, đau nhức cơ bắp toàn thân. Các triệu chứng hô hấp như hắt hơi, chảy mũi, ho khàn tiếng tăng nặng, có thể khạc đờm. Trẻ nhỏ có thể thấy triệu chứng tiêu hoá bao gồm biếng ăn, rối loạn tiêu hoá.
  • Giai đoạn lui bệnh: sau 7-10 ngày, người bệnh hết sốt, các triệu chứng giảm dần, tuy nhiên triệu chứng ho và mệt mỏi có thể kéo dài thêm vài ngày.

Nếu bệnh không diễn biến như bình thường và nặng lên gây các biến chứng thì có thể xuất hiện thêm các triệu chứng nặng như ho đờm xanh vàng, đau ngực thậm chí là khó thở, co giật…

Nguyên nhân mắc cúm A

Virus cúm A có thể lây trực tiếp từ người này sang người khác thông qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi, thậm chí là nói chuyện… dịch mũi, họng, các giọt nước bọt mang theo virus thoát ra môi trường bên ngoài, người lành hít phải cũng có thể nhiễm bệnh.
Ngoài ra, một người còn có thể mắc cúm A khi:

  • Dùng chung đồ dùng sinh hoạt như cốc, thìa , đũa, bát, khăn mặt… với người bệnh nhiễm cúm A, hoặc vô tình tiếp xúc với các đồ gia dụng trong gia đình có chứa virus (tay nắm cửa, bàn, ghế,…) sau đó đưa lên mũi, miệng.
  • Tiếp xúc với động vật nhiễm cúm A, cũng có thể lây bệnh như các loài động vật có vú như lợn, ngựa hay các loại gia cầm.
  • Tập trung ở những nơi tập trung đông người như công viên, nhà trẻ, trường học, công sở,… cũng là điều kiện thuận lợi để lây lan virus. Trẻ nhỏ đặc biệt hay gặp là lây nhiễm cúm A khi đi nhà trẻ, đi học.
Sốt, ho, chảy mũi là các triệu chứng hay gặp của cúm A
Sốt, ho, chảy mũi là các triệu chứng hay gặp của cúm A - Ảnh: Freepik

Chẩn đoán cúm A

Thông thường chỉ cần dựa vào triệu chứng của cúm A và tiền sử dịch tễ đã có thể nghi ngờ đến bệnh cúm A. Tuy nhiên để có bằng chứng chính xác về sự hiện diện của virus cúm sẽ cần đến các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán cúm bao gồm: nuôi cấy virus, chẩn đoán huyết thanh học, xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên, phản ứng chuỗi men RT-PCR, miễn dịch huỳnh quang (*).

  • Test nhanh: là phương pháp phổ biến và thông dụng hiện nay vì cho kết quả nhanh chỉ sau 10-15 phút. Tuy nhiên có nhược điểm là độ nhạy không cao, ứng dụng tốt trong sàng lọc cộng đồng.
  • Real time PCR: phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, là phương pháp đặc trưng giúp phân loại được virus cúm, tuy nhiên thời gian cho kết quả tương đối lâu, từ 4-6h.
  • Miễn dịch huỳnh quang: độ nhạy kém PCR nhưng cho kết quả sớm hơn.
  • Phân lập virus và xét nghiệm huyết thanh không phải là xét nghiệm sàng lọc, ít sử dụng thường sử dụng với mục đích nghiên cứu.

Điều trị cúm A

May mắn thay, bệnh cúm A thường tự khỏi sau 7-10 ngày nếu được nghỉ ngơi hợp lý và áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà. Hầu hết các trường hợp được chỉ định điều trị tại chỗ, chỉ có một số ít diễn biến nặng phải được điều trị và cấp cứu kịp thời tại các cơ sở y tế.

Với những người bị cúm A với các triệu chứng nhẹ có thể tự điều trị tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, vệ sinh mũi họng, bổ sung dinh dưỡng tăng sức đề kháng ngoài ra có thể sử dụng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường như paracetamol khi có sốt cao và đau đầu nhẹ. Tránh tụ tập nơi đông người và sử dụng khẩu trang để không lây lan bệnh cho mọi người xung quanh.

Tuy nhiên khi các triệu chứng nặng hơn hoặc sau 5-7 ngày các triệu chứng không giảm, xuất hiện các triệu chứng mới,có các biến chứng, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị, kịp thời tránh những biến chứng do cúm A gây ra.

Làm thế nào để phòng tránh bệnh cúm A?

Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh cúm A là tiêm vắc xin cúm hàng năm. Vắc xin huấn luyện hệ thống miễn dịch giúp nhận biết virus cúm và chống lại chúng trước khi bị bệnh. 

Theo tổ chức y tế thế giới, việc tiêm phòng vắc xin cúm có hiệu lực bảo vệ lên tới 80-90%, làm giảm tỷ lệ tử vong do cúm đến 70-80%. Đặc biệt các đối tượng có nguy cơ cao mắc cúm như trẻ em từ 6 đến 24 tháng, người già trên 65 tuổi, người suy giảm miễn dịch nên được tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm.

Ngoài ra một vài biện pháp dưới đây cũng giúp ích trong việc phòng tránh bệnh cúm A:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
  • Che mũi và miệng khi hắt hơi hoặc ho. Ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay hoặc khăn giấy thay vì vào bàn tay trần.
  • Tránh ở gần người khác khi bạn hoặc họ bị bệnh cúm hoặc các bệnh truyền nhiễm khác.
  • Đeo khẩu trang thường xuyên khi ra ngoài và ở nơi công cộng
  • Tránh chạm vào mặt, mắt, mũi và miệng.
  • Không dùng chung thức ăn hoặc dụng cụ ăn uống (nĩa, thìa, cốc), đồ dùng cá nhân với người khác.
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, chăn màn, quần áo, đảm bảo môi trường sống và làm việc sạch sẽ thông thoáng.
  • Vệ sinh mũi họng đúng cách.
  • Tăng cường ăn rau và bổ sung vitamin, tập thể dục và nâng cao sức đề kháng.
  • Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ cúm như sốt, ho, sổ mũi,… nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và xác định bệnh. Từ đó, có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho những người xung quanh.

Cúm A là loại vi-rút cúm phổ biến nhất gây ra dịch cúm theo mùa đặc biệt trong những tháng có thời tiết lạnh hơn. Bệnh rất dễ lây lan, bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh cúm A, do vậy mỗi người cần trang bị kiến thức về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả để tránh các biến chứng nguy hiểm do bệnh cúm A.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết