Chăm sóc người bị tiêu chảy: Lời khuyên từ các chuyên gia y tế
Điều trị bệnh tiêu chảy - Ảnh: BookingCare
Điều trị bệnh tiêu chảy như thế nào cho nhanh khỏi, mau lại sức? - Ảnh: BookingCare

Chăm sóc người bị tiêu chảy: Lời khuyên từ các chuyên gia y tế

Người kiểm duyệt: - Xuất bản: 24/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 04/03/2024
Chăm sóc người bị tiêu chảy bằng dinh dưỡng, bù nước và điện giải, thuốc, chăm sóc trong sinh hoạt,... sẽ giúp làm giảm biến chứng và tiến triển của bệnh. Cùng BookingCare tìm hiểu qua bài viết dưới đây. 

Chăm sóc người bị tiêu chảy đúng cách có thể làm giảm biến chứng mất nước, suy dinh dưỡng và nguy cơ tử vong của bệnh. Do đó, ngoài việc sử dụng thuốc theo đúng phác đồ, bệnh nhân tiêu chảy cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và có chế độ nghỉ ngơi phù hợp. Cùng BookingCare tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết dưới đây

Chăm sóc người bị tiêu chảy chuẩn phác đồ Bộ Y tế

Tiêu chảy là một bệnh lý phổ biến mà ai cũng có thể gặp. Đặc biệt là những người có sức đề kháng yếu như trẻ em dưới 5 tuổi và người già trên 60 tuổi. Vì vậy, chăm sóc người bị tiêu chảy đúng cách là rất quan trọng để giảm nhẹ triệu chứng và các biến chứng nguy hiểm.

Dưới đây là cách chăm sóc người bị tiêu chảy chuẩn phác độ Bộ Y tế mà bạn có thể tham khảo:

Bù nước - điện giải

Bù nước - điện giải giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong điều trị bệnh nhân tiêu chảy. Bởi mất nước và rối loạn điện giải là nguyên nhân chính gây tử vong ở bệnh lý này.

Đối với người bị tiêu chảy nên bù dịch bằng ORE hoặc các loại dung dịch có sẵn tại nhà như nước lọc, súp rau củ quả, nước dừa,… Tuy nhiên cần tránh tuyệt đối các loại đồ uống ngọt có đường vì chúng có thể gây tiêu chảy thẩm thấu và tăng natri máu.

Đồng thời hạn chế các loại chất kích thích như thức uống chứa cafein (cà phê, nước tăng lực,..), trà,… vì chúng gây lợi tiểu và kích thích đi tiêu.

Một loại thức uống tiện dụng cũng có thể sử dụng cho bệnh nhân dùng để bù nước điện giải khi không có sẵn dung dịch ORE là công thức: 1 lít nước sạch pha cùng ½ muỗng cà phê muối (3,5g muối), 1 muỗng cà phê baking soda (2,5g), 8 muỗng cà phê đường (40g), 240ml nước ép cam tươi (1,5g KCl).

Tốt nhất nên bù nước theo nhu cầu của người bệnh đối với các trường hợp tiêu chảy chưa mất nước, thông thường là 50-100ml dịch/kg cân nặng trong 24 giờ đầu. Nhưng nếu có dấu hiệu mất nước hoặc mất nước nặng thì đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để được bù dịch phù hợp.

Dinh dưỡng

Dinh dưỡng giúp bệnh nhân tiêu chảy phục hồi nhanh và giảm các biến chứng nặng. Vì vậy khẩu phần ăn hàng ngày của người bị tiêu chảy nên được tiếp tục và tăng dần. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ không được hạn chế trẻ ăn và không được pha loãng thức ăn.

Nên tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt bò, cá, trứng, các loại rau củ quả tươi. Bệnh nhân tiêu chảy dễ bị mất protein, kali qua đường ruột. Do đó khuyến khích sử dụng thêm các thực phẩm giàu kali như chuối, nước dừa và nước hoa quả tươi. 

Một số thức ăn dễ tiêu hóa đồng thời cũng được khuyên cho bệnh nhân tiêu thụ như súp, bánh quy lạt giòn, sốt táo, cơm trắng, bánh mì nướng.

Đồng thời, người bệnh cần hạn chế các thực phẩm giàu chất xơ thô, cứng, sữa và các chế phẩm từ sữa, thức ăn chứa nhiều chất béo và có chứa quá nhiều đường. Vì nguy cơ gây khó tiêu và làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy.

Sử dụng thuốc

Theo phác đồ của Bộ Y tế, tiêu chảy thông thường không có chỉ định dùng kháng sinh. Phác đồ điều trị cơ bản là bù nước, điện giải và cân bằng chế độ dinh dưỡng. Người bệnh chỉ dùng kháng sinh trong các trường hợp tiêu chảy phân máu hoặc có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm khuẩn. Tuy nhiên việc dùng thuốc kháng sinh cần phải tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra một số loại thuốc điều trị triệu chứng như motilium, smetic, smecta, hidrasec,… có mức độ khuyến cáo không cao, có thể được sử dụng cho bệnh nhân tiêu chảy mất nước nhẹ, nhưng tuyệt đối không sử dụng trong trường hợp có tiêu máu, sốt cao hoặc có các dấu hiệu nhiễm độc toàn thân. Do đó người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ chuyên khoa.

Vệ sinh nhà cửa, môi trường

Chăm sóc người bị tiêu chảy không thể thiếu bước vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, môi trường xung quanh. Điều này làm giảm lan truyền vi khuẩn gây tiêu chảy cho những người xung quanh và làm tăng sức đề kháng của cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh.

Cần vệ sinh nhà cửa bằng các loại thuốc tẩy chuyên dụng. Đặc biệt là những nơi có dính chất thải của người bị tiêu chảy. 

Rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trước và sau khi ăn, khi đi vệ sinh, hoặc tham gia các hoạt động hằng ngày cũng là một cách để tránh lây lan bệnh.

Theo dõi tiến triển của bệnh

Tiêu chảy cấp nếu không được điều trị, chăm sóc đúng cách thì có thể diễn biến nặng dẫn tới tử vong. Vì vậy, cần phải theo dõi sát tiến triển của bệnh cho đến khi khỏi hoàn toàn.

Bạn cần nắm rõ các triệu chứng nặng như li bì, khó đánh thức, co giật, môi khô se, mắt trũng,… để đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất. Bởi đây là những dấu hiệu của mất nước và rối loạn điện giải thường gặp ở bệnh tiêu chảy nặng.

Bên cạnh đó, nếu điều trị tại nhà không thuyên giảm sau 3 – 5 ngày thì nên đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được thăm khám và đánh giá.

Trên đây là những thông tin về chăm sóc người bị tiêu chảy mà BookingCare muốn chia sẻ tới các bạn đọc. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vai trò quan trọng của bù nước - điện giải và dinh dưỡng cho người bị tiêu chảy. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết