Tất tần tật những điều cần biết về bệnh tiêu chảy
Tất tần tật những điều cần biết về bệnh tiêu chảy
Người bệnh tiêu chảy
Tiêu chảy là bệnh lý thường gặp, đặc biệt là ở trẻ dưới 5 tuổi - Ảnh: BookingCare

Tất tần tật những điều cần biết về bệnh tiêu chảy

Sản phẩm của: BookingCare
Người kiểm duyệt:
Xuất bản: 17/02/2024 | Cập nhật lần cuối: 04/03/2024
Tiêu chảy ở trẻ nhỏ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Vậy tiêu chảy là bệnh lý như thế nào? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị tiêu chảy ra sao? Cùng BookingCare tìm hiểu qua bài viết dưới đây. 

Tiêu chảy là bệnh lý thường gặp, đặc biệt là ở trẻ dưới 5 tuổi. Ước tính hàng năm có khoảng 1,3 ngàn triệu trẻ em mắc tiêu chảy và khoảng 4 triệu trẻ tử vong vì bệnh này. Cùng tìm hiểu những thông tin hữu ích về bệnh tiêu chảy trong bài viết dưới đây.

Tiêu chảy là bệnh lý như thế nào?

Tiêu chảy được định nghĩa là tình trạng đi ngoài phân lỏng tóe nước trên 3 lần trong 24 giờ. Ngoại trừ trẻ bú mẹ, thường đi ngoài phân nhão vài lần trong ngày. Đối với những trẻ này tình trạng tiêu chảy được chẩn đoán dựa vào số lượng phân trong 24 giờ hoặc tăng số lần đi ngoài mà bố mẹ cảm thấy bất thường.  

Trên thực tế, tình trạng tiêu chảy khi các bác sĩ thăm khám trên lâm sàng được phân thành ba loại dựa trên ba cơ chế gây bệnh khác nhau, đòi hỏi phương pháp điều trị khác nhau.

Tiêu chảy phân lỏng cấp tính

Tiêu chảy phân lỏng cấp tính là tình trạng tiêu chảy kéo dài dưới 14 ngày (thường dưới 7 ngày) với phân lỏng tóe nước, không nhầy máu. Bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng đi kèm như sốt, nôn, sổ mũi nước.

Nguyên nhân gây bệnh là do các loại virus, vi khuẩn như Rotavirus, ETEC, Salmonella, hoặc một số ký sinh trùng như Giardia lamblia,…

Tiêu chảy được phân thành ba loại dựa trên ba cơ chế gây bệnh khác nhau - Ảnh: Freepik
Tiêu chảy ở trẻ em - Ảnh: Freepik

Tiêu chảy cấp có phân máu

Đây là tình trạng đặc trưng bởi tiêu chảy phân có lẫn nhầy máu, do tổn thương tế bào niêm mạc ruột. Tùy vào vị trí tổn thương mà tính chất phân và triệu chứng có thể khác nhau:

  • Nếu tổn thương ở phần ruột non có thể gây ra triệu chứng tiêu phân máu lẫn nhầy.
  • Nếu tổn thương ở phần thấp hơn (đại tràng) có thể ít nước hơn, nhiều nhầy và máu hơn, kèm theo triệu chứng mót rặn và tiêu không hết phân (hội chứng lỵ).

Nguyên nhân chính là do các vi khuẩn gây bệnh theo cơ chế xâm nhập niêm mạc làm tổn thương thành tế bào ruột như Shigella, C. Jejuin, ETEC,...

Tiêu chảy kéo dài

Tiêu chảy kéo dài được chẩn đoán khi bệnh nhân đi ngoài phân lỏng tóe nước kéo dài 14 ngày hoặc hơn. Bệnh nhân thường có biến chứng suy dinh dưỡng, nguy cơ mất nước, rối loạn điện giải.

Nguyên nhân gây tiêu chảy

Các tác nhân gây tiêu chảy thường lây qua đường phân - miệng thông qua thức ăn, nước uống bị ô nhiễm hoặc tiếp xúc trực tiếp với phân của người đã nhiễm khuẩn. Có rất nhiều tác nhân gây bệnh tiêu chảy như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng.

Tùy theo từng nguyên nhân mà có các triệu chứng lâm sàng cũng như phương pháp điều trị khác nhau.

Dưới đây là một số nguyên gây tiêu chảy thường gặp.

Virus

Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp nặng và đe dọa đến tính mạng cho trẻ dưới 2 tuổi. Khi nhiễm rotavirus trẻ đi ngoài phân lỏng tóe nước, phân hoa cà hoa cải, có mùi tanh và lượng nhiều. Trẻ thường tử vong do mất nước nặng, rối loạn điện giải. 

Bên cạnh đó, một số loại virus khác cũng gây tiêu chảy như Adenovirus, Enterovirus, Norovirus.

Vi khuẩn

Vi khuẩn là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy phân máu thường gặp ở trẻ em. Tùy cơ chế gây bệnh các triệu chứng lâm sàng cũng như phương pháp điều trị hoàn toàn khác nhau như:

  • ETEC, V. Cholerae: Đây là những tác nhân gây tiêu chảy theo cơ chế bám dính niêm mạc. Vi khuẩn xâm nhập, bám dính vào nhung mao ruột non dẫn tới phá hủy cấu trúc liên bào và làm cùn nhung mao. Điều này làm rối loạn quá trình bài tiết và hấp thu ở ruột. 
  • Shigella, C.jejuni, ETEC là tác nhân gây hội chứng lỵ (tiêu chảy phân máu) thường gặp. Cơ chế gây bệnh chủ yếu là do sự xâm nhập vào niêm mạc ruột.
  • Ngoài ra có một số loại vi khuẩn gây bệnh dựa trên cơ chế độc tố gây tiết dịch như vi khuẩn tả (Vibrrio Cholerae).

Ký sinh trùng

Tỷ lệ gây bệnh do ký sinh trùng không cao và thường gặp ở những bệnh nhân có cơ địa suy giảm miễn dịch hoặc suy dinh dưỡng.

Một số tác nhân thường gặp như Entamoeba histolytica, Giardia lamblia, Cryptosporidium,…

Chẩn đoán bệnh lý tiêu chảy như thế nào?

Trẻ sau khi được bác sĩ hỏi kỹ lưỡng về bệnh sử và tiền căn bệnh, đồng thời cũng được thăm khám cẩn thận để phân loại mức độ mất nước. Thông thường trẻ sẽ được phân mức độ nặng của bệnh thông qua: tiêu chảy cấp không mất nước, có dấu mất nước, và dấu mất nước nặng.

Tiêu chảy thông thường không cần thiết phải làm xét nghiệm thường quy. Tuy nhiên khi có chỉ định nhập viện trong các trường hợp tiêu chảy có mất nước, trẻ dưới 4 tháng tuổi và trẻ có các bệnh lý nặng đi kèm (viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết,..), người bệnh cần được làm các xét nghiệm như:

  • Công thức máu, CRP: Để đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn khi nghi ngờ hoặc bệnh nhân có mất nước nặng.
  • Điện giải đồ: Được chỉ định khi bệnh nhân có mất nước. Xét nghiệm này giúp đánh giá tình trạng rối loạn điện giải để có chỉ định điều trị phù hợp.
  • Cấy phân không được chỉ định cho tất cả các bệnh nhân tiêu chảy. Vì tăng chi phí điều trị và không có giá trị cao trong việc đưa ra phương pháp điều trị. Xét nghiệm này chỉ sử dụng khi nghi ngờ tiêu chảy nhiễm khuẩn, tiêu chảy phân máu, tiêu chảy trên bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc tiêu chảy nghi ngờ do tả.
  • Soi tươi hồng cầu, bạch cầu trong phân hoặc tìm ký sinh trùng trong phân khi nghi ngờ tiêu chảy do ký sinh trùng.
  • Ngoài ra bệnh nhân có thể được chỉ định làm một số xét nghiệm chẩn đoán tác nhân như huyết thanh học chẩn đoán Entamoeba histolytica,..

Phương pháp điều trị tiêu chảy

Tiêu chảy là bệnh lý cấp tính được điều trị chủ yếu bằng phương pháp bù nước, điện giải. Một số trường hợp đặc biệt của bệnh có chỉ định sử dụng kháng sinh. Dưới đây là chi tiết phương pháp điều trị bệnh tiêu chảy.

Bù nước và điện giải

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, bù nước và điện giải là phác đồ điều trị quan trọng nhất của bệnh lý tiêu chảy. Mục đích là để phục hồi lại lượng nước và muối đã mất. Nguyên tắc bù dựa trên tình trạng mất nước của bệnh nhân.

  • Điều trị các trường hợp tiêu chảy chưa có mất nước: Nên cho uống nhiều nước hơn bình thường để dự phòng mất nước.
    • Đối với trẻ em, sau mỗi lần đi ngoài nên cho trẻ uống từ 50 – 100ml nước tùy thuộc vào độ tuổi. Trẻ trên 10 tuổi và người lớn cần cung cấp khoảng 2000 – 2500 ml nước/ngày.
    • Người bệnh nên sử dụng ORE hoặc các loại dung dịch như nước sôi để nguội, nước dừa, nước súp,…
  • Điều trị các trường hợp tiêu chảy mất nước vừa và nhẹ, thường sẽ có chỉ định nhập viện đối với trẻ em, người già hoặc người mắc các bệnh lý suy giảm miễn dịch. Có thể bù nước bằng đường uống hoặc đường truyền tĩnh mạch nếu người bệnh không thể uống. Bệnh nhân được bù liên tục trong 4 giờ và đánh giá lại tình trạng lâm sàng.
  • Điều trị các trường hợp tiêu chảy mất nước nặng phải bù dịch bằng đường truyền tĩnh mạch và đánh giá liên tục trong 1 giờ. Nếu tình trạng mất nước đáp ứng tốt có thể chuyển sang đường uống ngay khi bệnh nhân có thể uống. Nếu tình trạng mất nước tiến triển không tốt thì truyền nhanh hơn.

Kháng sinh trong bệnh tiêu chảy

Không chỉ định dùng kháng sinh thường quy trong tất cả các bệnh lý tiêu chảy cấp. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ định kháng sinh được áp dụng trong các trường hợp:

  • Tiêu chảy phân đàm máu
  • Tiêu chảy cấp có mất nước nặng nghi ngờ do vi khuẩn tả
  • Tiêu chảy kèm các bệnh lý nhiễm trùng khác như viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tiết niệu,…
  • Tiêu chảy mà xét nghiệm có ghi nhận nhiễm Giardia duodenalis, Amip, hoặc tùy vào xét nghiệm (bạch cầu máu, CRP, soi phân ghi nhận có bạch cầu và hồng cầu)
  • Trẻ nhỏ tiêu chảy có co giật (nếu không ghi nhận tiền sử sốt co giật) có thể do tiêu chảy do Shigella, có thể dùng kháng sinh ngay.

Dinh dưỡng cho bệnh nhân tiêu chảy

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, người bị tiêu chảy cần được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Không nên giảm bớt khẩu phần ăn hàng ngày mà thay vào đó cần phải tăng cường thêm, đặc biệt là ở trẻ em. Cung cấp đủ dinh dưỡng giúp người bệnh hội phục nhanh và giảm các biến chứng nặng.

Ở bệnh nhân tiêu chảy nên bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng như protein, lipid, tinh bột, vitamin và khoáng chất. Các thực phẩm có thể dùng  như thịt bò, cá, thịt gà, hoa quả tươi, rau xanh,... Đồng thời hạn chế các thực phẩm như nước ngọt đóng chai, bánh kẹo,...

Các phòng ngừa bệnh tiêu chảy

Dự phòng tiêu chảy là phương pháp hàng đầu giúp làm giảm tần suất mắc cũng như tỷ lệ tử vong do bệnh lý này gây ra. Dưới đây là những biện pháp được tuyên truyền rộng rãi. 

  • Nuôi con bằng sữa mẹ: Trong 6 tháng đầu đời trẻ nên được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ hoàn toàn. Bởi trong sữa mẹ không chỉ có đầy đủ chất dinh dưỡng mà còn một hàm lượng kháng thể đủ lớn để giúp trẻ chống lại các tác nhân gây bệnh.
  • Sử dụng nguồn nước và nguồn thực phẩm sạch. Đun sôi nước trước khi sử dụng nước để pha sữa hoặc thức ăn cho người bệnh.
  • Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Sử dụng các hố xí đảm bảo vệ sinh và xử lý chất thải an toàn.
  • Nên tiêm phòng vắc xin chống rotavirus cho trẻ nhỏ. Bởi đây là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp với tỷ lệ tử vong cao nhất ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ < 2 tuổi. Một số vùng có nguy cơ dịch tễ mắc tả và thương hàn, có thể được chỉ định thêm vắc xin tả uống và vắc xin thương hàn theo chỉ đạo của Cục Y Tế dự phòng và chương trình Tiêm chủng mở rộng

Tiêu chảy cấp là bệnh lý thường gặp nhưng có thể gây tử vong nếu người bệnh bị mất nước và rối loạn điện giải. Vì vậy, nhận biết sớm các dấu hiệu, nguyên nhân tiêu chảy và phương pháp chăm sóc chuẩn y khoa sẽ giúp bạn phòng ngừa, hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm.

Đặc biệt, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời nếu có các triệu chứng của mất nước, rối loạn điều giải hoặc điều trị tại nhà tiến triển chậm. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare