Chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản
Chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản
chẩn đoán trào ngược dạ dày
Có những phương pháp nào có thể chẩn đoán trào ngược dạ dày? - Ảnh: BookingCare

Chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 21/08/2023 | Cập nhật lần cuối: 18/12/2023
Trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh lý đường tiêu hóa, nếu không chữa trị và có chế độ ăn uống phù hợp, bệnh dễ chuyển biến nặng dẫn đến viêm loét thực quản, thu hẹp thực quản.

Ngày nay, bệnh trào ngược dạ dày thực quản không còn là bệnh hiếm gặp. Đây là khái niệm chỉ hiện tượng dịch axit hoặc dịch mật từ dạ dày trào lên thực quản và gây ra các tổn thương.

Bất kỳ ai cũng có thể là đối tượng mắc bệnh lý Tiêu hóa này. Tuy nhiên, trẻ em, phụ nữ mang thai và người thừa cân béo phì có nguy cơ mắc trào ngược dạ dày thực quản cao hơn. 

Biến chứng của trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh lý đường tiêu hóa. Giai đoạn đầu, bệnh có thể không ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể, nhưng nếu không chữa trị và có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp, bệnh dễ biễn tiến nặng dẫn đến viêm loét thực quản, thu hẹp thực quản.

  • Hẹp thực quản: tiếp xúc lâu ngày với axit làm cho các tế bào ở thực quản tổn thương và hình thành các mô sẹo. Chính những mô sẹo này làm thực quản thu hẹp lại, gây ra khó nuốt.
  • Viêm loét thực quản: bản thân axit là một chất có tính bào mòn, các tế bào ở thực quản thường dễ bị tổn thương. Dịch dạ dày trào lên thực quản sẽ làm xói mòn các mô ở bộ phận này. Gây đau, xót, khó khăn khi nuốt, các vết loét thực quản có thể gây chảy máu, nhiễm trùng.
  • Trào ngược axit dạ dày là một yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện ung thư trong thực quản.
  • Ngoài ra, bệnh cũng gây ra các bệnh lý về tai mũi họng nếu không được điều trị sớm.

Chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản

Triệu chứng gợi ý của trào ngược dạ dày là: trào ngược , ăn cảm giác nghẹn, ợ hơi, ợ chua, ợ nóng. Nhiều người thường chủ quan vì cho rằng đó là những dấu hiệu sinh lý bình thường trong cơ thể.

Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, ngày một nặng hơn, gây khó chịu cho người bệnh như: gây đau, nóng rát sau xương ức, đau rát họng, chua miệng… thì người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.

1. Các trường hợp trào ngược nhẹ

Tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ Tiêu hóa sẽ đưa ra chỉ định, trong đó có thể bao gồm phương pháp thăm dò.

Với trường hợp bệnh nhân mới xuất hiện những triệu chứng chức năng như kể trên, tức là đang ở giai đoạn trào ngược chưa gây biến chứng, thì có thể điều trị thử trước mà không cần làm phương pháp thăm dò nào khác.

Thuốc được sử dụng là thuốc ức chế bơm proton liều gấp đôi trong 2 tuần. Phương pháp này có độ nhạy và độ đặc hiệu tương đương với theo dõi pH thực quản và nội soi thực quản.

Nếu triệu chứng ợ nóng, ợ hơi không thuyên giảm sau thời gian điều trị, người bệnh sẽ được yêu cầu đến gặp bác sĩ để kiểm tra và chẩn đoán lần 2.

2. Chẩn đoán các trường hợp nặng

Phải thực hiện các biện pháp thăm dò để chẩn đoán bệnh, thường đối với các trường hợp:

  • Thăm khám thông thường không xác định được chính xác nguyên nhân gây ợ hơi, ợ nóng. Thực tế, nhiều bệnh đường tiêu hóa khác có thể gây ra những triệu chứng này.
  • Bệnh nhân đã thăm khám và điều trị thử trước đó, nhưng triệu chứng kéo dài hoặc không giảm sau điều trị.
  • Đã có các triệu chứng chức năng như ợ hơi, ợ nóng, kèm theo đó là các biểu hiện: khó nuốt, nuốt đau, chán ăn, giảm cân nhanh, thiếu máu, nôn ra máu, chảy máu đường tiêu hóa… Đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc viêm thực quản nặng, cần điều trị ngay.

3. Các phương pháp thăm dò chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản

Nội soi thực quản - dạ dày 

Nội soi thực quản- dạ dày -tá tràng là cách hiệu quả nhất trong chẩn đoán viêm thực quản trào ngược giai đoạn nhẹ hay nặng và chẩn đoán  các bệnh lý của thực quản gây cảm giác vướng , nghẹn như nấm thực quản, loét thực quản, u thực quản.....

Phương pháp này sử dụng ống nội soi mềm  có camera để kiểm tra vùng thực quản và niêm mạc dạ dày và tá tràng. Ngoài ra,  khi nội soi phát hiện các sang thương vùng thực quản , dạ dày, tá tràng và cả tầm soát vi trùng Hp trong dạ dày. Vi trùng Hp là một trong các tác nhân chính gây viêm thực quản trào ngược.

Chụp X quang 

  • Thường được sử dụng cho bệnh nhân bị khó nuốt nặng do chít hẹp thực quản, nhằm xác định vị trí bị chít hẹp.
  • Tuy nhiên, chụp thực quản không hiệu quả trong việc đánh giá trào ngược dạ dày cũng như phát hiện các tổn thương niêm mạc, bệnh nhân vẫn cần nội soi.
  • Có thể xem đây là biện pháp hỗ trợ để nội soi được hiệu quả hơn. Các trường hợp không bị khó nuốt không cần chụp thực quản dạ dày.

Theo dõi pH thực quản trong 24h

  • Để khảo sát các triệu chứng có liên quan đến việc xảy ra hiện tượng trào ngược hay không, rất hữu ích cho các trường hợp chẩn đoán không rõ sau khi điều trị thử và nội soi. Đối với trường hợp đã chẩn đoán ra kết quả thì không cần thiết thực hiện theo dõi pH.
  • Xét nghiệm này giúp đo mức độ acid trong thực quản và giúp xác định xem acid có trào ngược lên từ dạ dày hay không.
  • Đo pH thực quản là phương pháp tin cậy hơn để chẩn đoán trào ngược dạ dày – thực quản nhưng không xác định được các tổn thương thực thể do trào ngược.

Trào ngược dạ dày tuy không phải bệnh khó điều trị, nhưng triệu chứng lại rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác bởi vậy cần phải được chẩn đoán bởi các bác sĩ có chuyên môn để có thể điều trị bệnh dứt điểm

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết