Chẩn đoán rụng tóc như thế nào?
Chẩn đoán rụng tóc như thế nào?
Chẩn đoán rụng tóc
Chẩn đoán rụng tóc - Ảnh: BookingCare

Chẩn đoán rụng tóc như thế nào?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 25/09/2023 | Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Việc điều trị rụng tóc hiệu quả bắt đầu bằng việc tìm ra chẩn đoán tình trạng rụng tóc và sâu hơn là nguyên nhân gây bệnh từ đâu. Mời bạn đọc cùng BookingCare tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Trung bình, da đầu mỗi người trưởng thành sẽ có khoảng 100.000 đến 150.000 sợi tóc, mỗi ngày tóc có thể rụng tới 100 sợi. Tình trạng rụng tóc sẽ trở nên đáng lo nếu mỗi ngày tóc rụng trên 100 - 200 sợi/ngày. Chẩn đoán rụng tóc với bác sĩ là vô cùng cần thiết để biết chính xác về tình trạng tóc của bạn.

Chẩn đoán rụng tóc  

Bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp dưới đây khi thực hiện chẩn đoán rụng tóc, tùy vào từng mức độ bệnh của mỗi người để áp dụng các phương pháp phù hợp

1. Hỏi bệnh

Bác sĩ sẽ thu thập thông tin về tình trạng rụng tóc là cấp tính hay mạn tính, do bẩm sinh hay vừa gặp phải, tiền sử gia đình, các bệnh đang mắc phải, thuốc đang dùng, có đang trong thời kỳ thai sản, chế độ ăn hàng ngày, hóa trị đang làm (nếu có) hay không.

2. Khám toàn trạng

Các dấu hiệu liên quan androgen: bất thường kinh nguyệt, béo phì, dấu hiệu nam tính (đối với nữ) hoặc ảnh hưởng nang lông tuyến bã (da dầu, trứng cá, rậm lông, rụng tóc).

3. Khám tóc không xâm lấn

3.1 Quan sát bằng mắt

Khám trong điều kiện ánh sáng đầy đủ. Khám màu tóc, thân tóc, kiểu rụng tóc, mật độ tóc, khám da đầu có những biểu hiện như sau:

  • Thay đổi màu tóc: tóc xám, loạn sắc tố đoạn, tóc trắng, tóc xanh, tóc vàng, tóc đỏ
  • Thay đổi thân tóc: sợi tóc sần sùi, đứt đoạn
  • Kiểu rụng tóc:
    • Rụng tóc đường biên:  rụng tóc tam giác bẩm sinh, rụng tóc xơ hóa vùng trán, lichen phẳng (bệnh viêm da gây ra sẩn và bong vảy)
    • Rụng tóc lan tỏa:  rụng tóc anagen và rụng tóc telogen.
    • Rụng tóc khu trú:
      • Rụng tóc thành mảng: mảng tóc rụng tròn, tóc gãy
      • Rụng tóc do nấm: da đầu tổn thương bong vảy, mảng rụng lan to dần
      • Tật nhổ tóc: tóc dài ngắn xen kẽ, có thói quen giật tóc
      • Rụng tóc sẹo: không có nang tóc, da nhẵn
  • Da đầu: vảy lan tỏa (gàu, mảng viêm ranh giới rõ với vảy vàng (viêm da dầu), mảng đỏ ranh giới rõ trên có vảy trắng (vảy nến), vảy tiết (chốc), chấy rận, sẹo.

3.2 Khám bằng tay

Dấu hiệu Fold/ dấu hiệu Jaquet’s: dồn da đầu tạo nếp gấp bằng hai ngón tay cái hoặc ngón tay cái và ngón trỏ. Khi nhiều nếp tóc được hình thành dễ dàng, bệnh nhân có thể bị rụng tóc sẹo.

Dấu hiệu Sabouraud’s/ test “tug”: đo độ bền của tóc đối với kéo tóc. Dùng kẹp kocher bọc cao su hoặc tay giữ một nhóm tóc ở gần chân tóc, một tay kéo tóc ở đầu kia. Nếu tóc gãy, chứng tỏ có biến đổi thân tóc.

Test kéo tóc: nắm 20-60 sợi tóc chắc chắn nhưng không dùng lực giữa ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa ở đầu gần của tóc gần da đầu và kéo. Nếu nhiều hơn 10% sợi rụng chứng tỏ có dấu hiệu bệnh rụng tóc (không gội đầu trước khi làm 24 giờ).

Ngoài ra: đếm tóc rụng hàng ngày (đếm trong 7 ngày), nếu rụng nhiều hơn 100 sợi/ngày là có dấu hiệu bệnh rụng tóc

3.3 Khám có dụng cụ hỗ trợ

Kiểm tra độ phát triển tóc: cạo tóc sát da dầu ở một vùng nhất định, sau 1 tuần đo độ dài tóc mọc. Bình thường tóc mọc khoảng 2,5mm/ tuần.

Test gội: bệnh nhân không gội đầu trong 5 ngày. Sau đó gội đầu trong chậu có phủ bởi gạc và thu lại số tóc rụng. Nếu tóc rụng phần lớn ngắn hơn 3cm và có hơn 200 tóc rụng thì chẩn đoán rụng tóc telogen mạn tính.

Nếu lớn hơn 10% tóc rụng ngắn hơn 3cm và tóc tơ thì chẩn đoán rụng tóc androgen. Nếu tóc rụng lớn hơn 5cm chiếm phần lớn thì có thể là rụng tóc telogen cấp tính.

Khám đèn Wood: phát hiện một số nấm da đầu có phát huỳnh quang dưới ánh sáng đèn Wood.

Dermoscopy – Trichoscopy: Thiết bị cầm tay có độ phóng đại khoảng 10 lần, đánh giá thân tóc, lỗ mở nang tóc, thượng bì xung quanh nang tóc, mạch máu quanh nang tóc.

Fotofinder – Trichoscan: Đánh giá tỉ lệ tóc tơ, mật độ tóc, đơn vị nang tóc, tỉ lệ anagen/telogen, các dấu hiệu ở lỗ mở nang tóc, có đa dạng đường kính sợi tóc không.

4. Khám tóc bán xâm lấn

Sử dụng kỹ thuật chẩn đoán rụng tóc Trichogram. Tuy nhiên, Trichogram không phải là phương pháp chẩn đoán phổ biến trong việc xác định nguyên nhân rụng tóc. Kỹ thuật này thường được áp dụng trong nghiên cứu.

Bệnh nhân không gội đầu trong 3 ngày. Kẹp 100 sợi tóc sát vào chân tóc bằng cái kẹp cao su và nhổ mạnh theo chiều tóc. Phần chân tóc được đặt lên lam kính có nhỏ một giọt nước và phủ lá kính mỏng ở trên, sau đó soi dưới kính hiển vi độ phóng đại 100.

Ở rụng tóc hói nam, lấy ở trung tâm thùy đỉnh, vị trí thứ hai còn lại lấy ở vùng thái dương hoặc vùng chẩm.

Ở rụng tóc hói nữ, lấy ở trung tâm và vùng đỉnh. Ở rụng tóc mảng lấy ở vùng cạnh vùng tóc rụng và vị trí đối diện mà không bị rụng.

5. Khám tóc xâm lấn

Sinh thiết có thể giúp xác định xem nhiễm trùng có gây rụng tóc hay không. Mẫu tóc được lấy ở vùng ranh giới thương là viền mảng rụng tóc.

Miễn dịch huỳnh quang trực tiếp: lupus ban đỏ kinh có lắng đọng IgG và C3 ở vùng nối thượng-trung bì, lichen phẳng nang lông có lắng đọng dạng cầu IgM ở nang tóc hoặc vùng nối thượng-trung bì.

6. Xét nghiệm khác

Một vài xét nghiệm khác được thực hiện để chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân rụng tóc như: soi tươi tìm nấm, công thức máu, định lượng sắt huyết thanh, ferritin, TSH, FT3, FT4, test nhanh giang mai.

Rụng tóc tự nhiên thường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng nếu do bệnh lý gây ra, bạn nên thăm khám ngay lập tức khi nhận thấy các dấu hiệu rụng tóc. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến bệnh, bạn nên liên hệ bác sĩ để được tư vấn chẩn đoán cụ thể.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết