Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm mũi vận mạch

Hắt hơi liên tục là triệu chứng của bệnh viêm mũi vận mạch
Hắt hơi liên tục là triệu chứng của bệnh viêm mũi vận mạch - Ảnh: SKĐS
Bệnh viêm mũi vận mạch có điểm chung với bệnh viêm mũi dị ứng là có các triệu chứng giống nhau như hắt xì, ngứa mũi, nghẹt mũi và chảy mũi. Những dấu hiệu viêm mũi vận mạch có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Viêm mũi vận mạch là bệnh đường hô hấp do các tác nhân bên ngoài (vi khuẩn, nấm mốc, thời tiết...) tạo ra phản ứng giữa hệ thần kinh và giao cảm trong niêm mạc mũi, gây các biểu hiện kiện kích ứng mũi như hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi... 

Bệnh viêm mũi vận mạch hay còn gọi là viêm mũi vô căn vì không tìm được nguyên nhân rõ ràng. Đây là một trong những bệnh Tai Mũi Họng dễ gây nhầm lẫn vì có nhiều triệu chứng giống bệnh viêm mũi dị ứng. 

Nguyên nhân viêm mũi vận mạch 

Bệnh viêm mũi vận mạch có điểm chung với bệnh viêm mũi dị ứng là có các triệu chứng giống nhau như hắt xì, ngứa mũi, nghẹt mũi và chảy mũi. Các yếu tố làm khởi phát bệnh viêm mũi vận mạch bao gồm:

  • Không khí lạnh
  • Vận động. Có nghiên cứu cho thấy khoảng 20% vận động viên chạy hoặc bơi lội có triệu chứng viêm mũi vận mạch khi vận động tập luyện
  • Các mùi lạ
  • Khói thuốc lá
  • Rượu
  • Các tình trạng sinh lý đặc biệt như xúc cảm, khoái cảm tình dục... 

Biểu hiện của viêm mũi vận mạch

Những dấu hiệu viêm mũi vận mạch có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Các dấu hiệu của viêm mũi vận mạch có thể nặng hơn vào buổi sáng, hoặc liên quan đến cảm xúc như khóc lóc, buồn phiền... Dấu hiệu viêm mũi vận mạch bao gồm:

  • Nghẹt mũi
  • Có dịch chảy vào hệ thống xoang mũi
  • Sổ mũi
  • Hắt hơi
  • Chảy nước mũi...

Trong một số trường hợp, bệnh viêm mũi vận mạch không được can thiệp chăm sóc kịp thời có thể dẫn đến viêm mũi vận mạch bội nhiễm, thông qua các biểu hiện: Các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn và không đáp ứng thuốc điều trị. 

Khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường của sức khỏe, người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để được khám và tư vấn điều trị, bởi cơ địa mỗi người là khác nhau.

Chẩn đoán viêm mũi vận mạch

  • Bệnh thường có diễn biến thành từng đợt như viêm mũi dị ứng, xuất hiện khi thời tiết thay đổi, khi cơ thể suy yếu, mất thăng bằng.
  • Chủ yếu là ngạt tắc mũi với mức độ khác nhau. Có thể tắc nghẽn mũi liên tục, nhiều về đêm, tắc nghẽn 1 bên hay cả 2 bên mũi.
  • Có người gặp hắt hơi, ngứa mũi, thường phát hiện khi bị lạnh, ẩm, tiếp xúc với hơi, mùi lạ.
  • Soi mũi trước: cuốn mũi dưới thường nề, to nhẵn, còn co hồi với thuốc co mạch, không thấy hiện tượng niêm mạc nhợt màu như trong viêm mũi dị ứng.
  • Soi mũi sau: thấy đuôi cuốn mũi dưới và giữa thay đổi, có thể nề, nhẵn hay quá phát, sần sùi, đổi màu, khe mũi giữa thường thấy nề hay có it dịch xuất tiết nhầy.

Điều trị bệnh viêm mũi vận mạch

Tùy theo tình trạng, mà viêm mũi vận mạch có thể điều trị bằng Nội khoa hoặc Ngoại khoa. 

1. Điều trị bằng nội khoa

  • Tại chỗ: nhỏ mũi, khí dung bằng thuốc co mạch và corticoid. Xịt mũi ngày vài lần.
  • Toàn thân: cho kháng Histamin tổng hợp với liều tăng dần. Nếu corticoid thì dùng theo liều giảm dần. Ức chế thần kinh giao cảm.

Nhìn chung, điều trị viêm mũi vận mạch sẽ sử dụng các thuốc kháng histamine, các loại thuốc kháng viêm xịt mũi như trong điều trị viêm mũi dị ứng.

Nhưng trong những trường hợp nghẹt nhiều có thể sử dụng thêm các loại thuốc co mạch chống nghẹt, hoặc trong trường hợp chảy mũi nhiều có thể sử dụng thêm các loại thuốc chống chảy mũi đặc hiệu. 

Lưu ý: Tất cả các trường hợp dùng thuốc đều cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng

2. Điều trị bằng ngoại khoa

Trong những trường hợp nghẹt nặng không đáp ứng với sử dụng thuốc có thể phẫu thuật làm giảm thể tích cuống mũi dưới.

Hoặc trong trường hợp chảy mũi nặng không đáp ứng với thuốc có thể phẫu thuật cắt dây thần kinh Vidian.

Phòng tránh bệnh viêm mũi vận mạch

  • Giữ cơ thể ấm áp nhất là khi trời chuyển lạnh.
  • Cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, bổ sung vitamin, khoáng chất.
  • Rửa mũi hàng ngày, đặc biệt với người mắc bệnh viêm mũi.
  • Đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài đường.
  • Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát.
  • Tránh xa các chất kích thích không tốt cho sức khỏe: rượu bia, thuốc lá…
  • Với những người có cơ địa mẫn cảm nên phòng tránh dị nguyên bằng cách tránh tiếp xúc với phấn hoa, lông động vật, nước hoa, khói thuốc,…
  • Nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức.
  • Tập luyện thể thao hàng ngày nhất: đi bộ, thiền, yoga,…

Mặc dù là viêm mũi vận mạch không để lại những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, tuy nhiên phát hiện và điều trị bệnh muộn sẽ ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống.

Do vậy, khi thấy có bất cứ triệu chứng nào như: hắt hơi liên tục, chảy mũi, ngứa mũi, nghẹt mũi... trong thời gian dài, lúc này bạn phải nhanh chóng tìm đến các phòng khám, bệnh viện Tai Mũi Họng để kiểm tra.