Chị em có nên dùng thuốc nội tiết trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh?

Tác giả: - Xuất bản: 03/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/11/2023
Chị em có nên dùng thuốc nội tiết trong thời kỳ tiền  mãn kinh và mãn kinh?
Chị em có nên dùng thuốc nội tiết trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh? - Ảnh: BookingCare
Phụ nữ có nên sử dụng thuốc nội tiết trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh hay không là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Cùng tìm hiều cụ thể trong bài viết dưới đây.

Sử dụng các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng bổ sung nội tiết tố nữ là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả các triệu chứng ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Tuy nhiên, chị em cần có sự tư vấn từ bác sĩ trước khi sử dụng bất kì loại thuốc nội tiết nào.

Thuốc nội tiết tố là gì?

Phương pháp điều trị bằng thuốc nội tiết hay còn được gọi là liệu pháp thay thế hormone (HRT). Liệu pháp thay thế hormone chủ yếu tập trung vào việc thay thế estrogen mà cơ thể phụ nữ không còn sản xuất sau khi mãn kinh.

Có hai loại liệu pháp estrogen chính:

Liệu pháp hormone toàn thân: Estrogen toàn thân - có dạng viên, miếng dán da, vòng, gel, kem hoặc dạng xịt - thường chứa liều estrogen cao hơn được hấp thụ khắp cơ thể. Nó có thể được sử dụng để điều trị bất kỳ triệu chứng phổ biến nào của thời kỳ mãn kinh.

Sản phẩm đặt âm đạo liều thấp: Các chế phẩm estrogen liều thấp dành cho âm đạo - ở dạng kem, dạng viên hoặc dạng vòng - giảm thiểu lượng estrogen được cơ thể hấp thụ. Vì lý do này, các chế phẩm âm đạo liều thấp thường chỉ được sử dụng để điều trị các triệu chứng về âm đạo và tiết niệu của thời kỳ tiền mãn kinh

Phụ nữ đau nữa đầu, tăng huyết áp, béo phì, tiền sử thuyên tắc - huyết khối tĩnh mạch (VTE) hoặc béo phì,... có thể ưu tiên Estrogen qua da.

Nếu phụ nữ chưa cắt bỏ tử cung, bác sĩ thường sẽ kê toa estrogen cùng với progesterone hoặc progestin (thuốc giống progesterone). Điều này là do estrogen đơn thuần, khi không được cân bằng bởi progesterone, có thể kích thích sự phát triển của niêm mạc tử cung, làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Chị em đã cắt bỏ tử cung có thể không cần dùng đến progestin.

Trong trường hợp phụ nữ mãn kinh, đã cắt tử cung tuy nhiên nếu chỉ cắt tử cung bán phần hoặc cắt tử cung do ung thư nội mạc tử cung hoặc bệnh lý lạc nội mạc tử thì vẫn được khuyến cáo sử dụng phối hợp Estrogen và Progesteron.

Ai có thể sử dụng thuốc nội tiết?

Tùy thuộc vào trạng thái sức khỏe của từng người mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng những phương pháp điều trị thích hợp. Thuốc nội tiết tố phù hợp với hầu hết chị em phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh có những biểu hiện dưới đây:

  • Triệu chứng vận mạch: Xuất hiện những cơn bốc hỏa từ trung bình đến nặng
  • Hội chứng tiết niệu – sinh dục thời kì mãn kinh: khô, teo, ngứa âm đạo; đau rát khi quan hệ,…
  • Dự phòng loãng xương, đau nhức xương khớp
  • Phụ nữ đã cắt bỏ buồng trứng

Những tác dụng phụ mà thuốc nội tiết có thể gây ra

Trong thử nghiệm lâm sàng lớn nhất cho đến nay, liệu pháp thay thế hormone bao gồm thuốc estrogen-progestin (Prempro) làm tăng nguy cơ mắc một số tình trạng nghiêm trọng, bao gồm:

  • Bệnh tim
  • Đột quỵ
  • Các cục máu đông
  • Ung thư vú

Các nghiên cứu tiếp theo cho thấy những rủi ro này khác nhau tùy thuộc vào:

  • Tuổi tác: Những phụ nữ bắt đầu điều trị bằng hormone ở tuổi 60 trở lên hoặc hơn 10 năm kể từ khi bắt đầu mãn kinh có nguy cơ mắc các tình trạng trên cao hơn. Nhưng nếu liệu pháp hormone được bắt đầu trước 60 tuổi hoặc trong vòng 10 năm sau thời kỳ mãn kinh, lợi ích dường như lớn hơn rủi ro.
  • Loại liệu pháp hormone: Rủi ro của liệu pháp hormone khác nhau tùy thuộc vào việc dùng estrogen đơn độc hay phối hợp với progestin, cũng như liều lượng và loại estrogen.
  • Di truyền: Tiền sử gia đình, tiền sử bệnh cá nhân và nguy cơ mắc bệnh ung thư, bệnh tim, đột quỵ, cục máu đông, bệnh gan và loãng xương là những yếu tố quan trọng trong việc xác định liệu liệu pháp thay thế hormone có phù hợp với bạn hay không.

Theo dõi điều trị hormone thay thế

Hiện tại chưa có chiến lược theo dõi cụ thể cho từng nhóm đối tượng sử dụng liệu pháp hormone thay thế. Tuy nhiên, các hiệp hội Sản phụ khoa trên thế giới cũng đưa ra khuyến cáo rằng những người phụ nữ này nên kiểm tra hằng năm, nhằm đánh giá mức độ tuân thủ điều trị, sự hài lòng, cũng như phát hiện sớm các tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng hormone thay thế.

Các xét nghiệm không được khuyến cáo thường quy, có thể cân nhắc chụp nhũ ảnh (mamography) để tầm soát ung thư vú và DEXA scan theo dõi mức độ phục hồi loãng xương cho nhóm phụ nữ này.

Như vậy, trước khi đưa ra bất kỳ một quyết định điều trị nào bằng thuốc nội tiết, chị em cần cân nhắc kỹ dựa trên lời khuyên của bác sĩ. Bên cạnh điều trị bằng thuốc, chị em cần xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất thường xuyên để có thể đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.