Chi tiết về xét nghiệm sắt huyết thanh: Là gì, khi nào cần thực hiện?

Tác giả: - Xuất bản: 14/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 20/11/2023
xet-nghiem-sat-huyet-thanh
Xét nghiệm sắt huyết thanh đánh giá hàm lượng sắt thông quan huyết thanh máu - ảnh: BookingCare
Xét nghiệm sắt huyết thanh là một phương pháp đánh giá hàm lượng sắt đang có trong cơ thể, cung cấp những thông tin quan trọng liên quan đến tình trạng sức khỏe của người kiểm tra.

Xét nghiệm sắt huyết thanh là một trong những xét nghiệm quan trọng nhất để đánh giá mức độ sắt trong cơ thể. Tìm hiểu về xét nghiệm sắt huyết thanh, ý nghĩa của kết quả trong chẩn đoán bệnh lý qua bài viết.

Xét nghiệm sắt huyết thanh là gì?

Xét nghiệm sắt huyết thanh là cách đo lường hàm lượng sắt có trong huyết thanh. Huyết thanh là chất lỏng có chức năng làm loãng để máu dễ lưu thông trong mạch tới các cơ quan chức năng.

Xét nghiệm là căn cứ đánh giá mức độ sắt đang duy trì trong cơ thể, dựa vào đó có thể đánh giá được tình trạng sức khỏe tổng quát, tình trạng chuyển hóa và vận chuyển chất sắt trong cơ thể cũng như phát hiện những biến chứng liên quan đến hàm lượng sắt.

Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm là căn cứ để bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị và theo dõi sau điều trị rối loạn tuần hoàn máu hoặc thiếu sắt.

Những trường hợp cần thực hiện xét nghiệm sắt huyết thanh

Người bệnh nên thực hiện xét nghiệm này nếu có các triệu chứng như:

  • Mệt mỏi lâu ngày.
  • Chóng mặt.
  • Đau đầu, đau bụng.
  • Yếu cơ.
  • Khó tập trung, hay cáu gắt.
  • Móng tay dễ gãy, xước.
  • Suy giảm sinh lý.
  • Sút cân kéo dài.
  • Tim đập nhanh, hồi hộp đánh trống ngực, tức ngực.

Phương pháp thực hiện xét nghiệm sắt huyết thanh

Người làm xét nghiệm sẽ được lấy máu từ tĩnh mạch, sau đó mẫu máu được chuyển đến phòng thí nghiệm để kiểm tra. Người kiểm tra sẽ nhận được kết quả xét nghiệm sau khoảng 1-2 ngày lấy mẫu. Bác sĩ sẽ căn cứ vào kết quả và tình trạng sức khỏe người xét nghiệm tại thời điểm đó để kết luận.

Trước khi thực hiện xét nghiệm, người làm xét nghiệm có thể cần phải nhịn ăn khoảng 12 giờ trước xét nghiệm, đồng thời cần thông báo cho bác sĩ nếu đang sử dụng các loại thuốc hoặc gặp một số tình trạng sức khỏe như kỳ kinh nguyệt hoặc hiến máu để được chỉ dẫn cụ thể.

Cách đọc kết quả xét nghiệm sắt huyết thanh

Mức sắt huyết thanh được đo theo đơn vị microgam trên decilit (mcg/dL). Mức sắt huyết thanh bình thường có thể chênh lệch giữa các nhóm tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe. Theo một số quy định, chỉ số sắt huyết thanh bình thường là:

  • Từ 76-198 mcg/dL đối với nam giới trưởng thành
  • Từ 26-170 mcg/dL đối với nữ giới trưởng thành

Để hiểu rõ về tình trạng của mình, người làm xét nghiệm cần nghe chẩn đoán cụ thể kết hợp giữa kết quả xét nghiệm và tình trạng sức khỏe của người bệnh từ bác sĩ.

  • Nếu chỉ số cao hơn mức trung bình, người làm xét nghiệm có khả năng thừa hàm lượng sắt trong cơ thể. Hàm lượng sắt huyết tương quá cao có thể liên quan đến một số tình trạng bệnh lý như: các tình trạng nhiễm trùng, xơ gan, suy gan, viêm gan, ngộ độc sắt, thiếu máu tan huyết hoặc một số loại ung thư...
  • Nếu chỉ số xét nghiệm thấp hơn mức trung bình, người làm xét nghiệm có thể đang mắc bệnh thiếu máu do thiếu sắt, tổn thương các cơ quan nội tạng, mất máu do bệnh lý mãn tính, mang thai,...

Cần làm gì sau khi đọc kết quả xét nghiệm sắt huyết thanh?

Nếu kết quả xét nghiệm cao hoặc thấp hơn mức chỉ số bình thường,bác sĩ sẽ đưa ra đánh giá cụ thể về tình trạng sức khỏe và chỉ định các phương pháp điều trị thông qua chế độ ăn uống, bổ sung sắt hoặc các biện pháp điều trị khác.

Những trường hợp xét nghiệm sắt huyết thanh thấp cần thực hiện các biện pháp gia tăng hàm lượng sắt cho cơ thể như:

  • Sử dụng các loại thực phẩm giàu sắt trong chế độ ăn hàng ngày: đường, gan bò, thịt đỏ, các loại rau xanh lá xanh, các loại ngũ cốc nguyên hạt, đậu, trứng, cá,...
  • Sử dụng thực phẩm bổ sung sắt, vitamin B12, vitamin C để tăng cường sắt cho cơ thể.
  • Hạn chế sử dụng trà, cafe, thuốc là và các chất kích thích khác.

Đối với các trường hợp có kết quả xét nghiệm sắt huyết thanh cao nên chú ý:

  • Hạn chế sử dụng thực phẩm giàu sắt, các loại thuốc, thực phẩm bổ sung chuyển hóa sắt hoặc thực phẩm giàu vitamin C làm tăng lượng sắt trong cơ thể.
  • Không uống rượu bia, chất kích thích, chất gây nghiện làm ảnh hưởng đến gan.
  • Nếu lượng sắt quá nhiều, người bệnh cần tới các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Xét nghiệm sắt huyết thanh có ý nghĩa đặc biệt đối với việc đánh giá sức khỏe tổng quát và sàng lọc một số bệnh lý cụ thể. Người bệnh nên tới các địa chỉ xét nghiệm máu uy tín để được bác sĩ thăm khám và tư vấn cụ thể về các xét nghiệm phù hợp với trường hợp của mình.