Chia sẻ kinh nghiệm đi khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Sản phẩm của BookingCare
Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Phương Nguyễn
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
Cố vấn y khoa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị
Xuất bản: 31/05/2019, Cập nhật lần cuối: 23/01/2024

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đón tiếp hàng ngàn bệnh nhân đến khám bệnh mỗi ngày. Vậy, đi khám ở đây như thế nào? Cùng tìm hiểu điều đó trong bài viết dưới đây!

BookingCare là Nền tảng Y tế chăm sóc sức khỏe toàn diện hàng đầu Việt Nam kết nối người dùng với trên 200 bệnh viện - phòng khám uy tín, hơn 1,500 bác sĩ chuyên khoa giỏi và hàng nghìn dịch vụ, sản phẩm y tế chất lượng cao.
Kinh nghiệm đi khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Bệnh viện Đại học Y là bệnh viện uy tín về khám chữa bệnh chuyên khoa, đa khoa - Ảnh: Fanpage bệnh viện

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là bệnh viện tuyến Trung ương, một trong những địa chỉ khám chữa bệnh uy tín hàng đầu tại Hà Nội. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp đón hàng ngàn bệnh nhân đến khám bệnh hoặc đi khám sức khỏe tổng quát. Bệnh viện Đại học Y là bệnh viện uy tín về khám chữa bệnh chuyên khoa, đa khoa. 

Vậy, đi khám ở đây có những lưu ý gì đặc biệt? BookingCare sẽ mang thông tin tới bạn ngay sau đây. 

BookingCare là Nền tảng Đặt lịch khám, kết nối với nhiều bệnh viện, phòng khám uy tín. BookingCare hoạt động độc lập, không trực thuộc bất kỳ cơ sở y tế nào. 

Vì sao nên đi khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội?

  • Khi tới Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, người bệnh có thể được khám trực tiếp với các bác sĩ giỏi, nhiều năm kinh nghiệm, trong đó có cả những Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ hiện đang là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y học tại Việt Nam.
  • Cơ sở vật chất cùng trang thiết bị hiện đại như: máy chụp cộng hưởng từ  MRI 1,5T; máy chụp cắt lớp vi tính CT-scan 128 lát cắt; hệ thống máy chụp mạch số hóa; 8 hệ thống nội soi khám tiêu hóa độ phân giải cao; máy chụp x-quang vú kỹ thuật số, 4 hệ thống máy x-quang số hóa và hàng loạt các hệ thống máy xét nghiệm hiện đại nhất như Cobas 8000 hãng Roche...
  • Bệnh viện có thế mạnh trong việc khám và điều trị bệnh bằng phương pháp Nội khoa thuộc các chuyên ngành như Thần kinh, Tiêu hóa, Thận - Tiết niệu, Nội tiết, Cơ – Xương – Khớp...
Bệnh nhân được khám trực tiếp bởi các bác sĩ giỏi của bệnh viện (Ảnh: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)

Địa chỉ, vị trí và thời gian làm việc

1. Địa chỉ và số điện thoại

  • Địa chỉ: Số 1 Tôn Thất Tùng, Phường Trung Tự, Quận Đống Đa, Hà Nội (nằm ngay gần ngã tư Tôn Thất Tùng - Trường Chinh)
  • Số điện thoại: 19006422 

2. Thời gian làm việc

Hiện nay, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có 3 khu vực khám với thời gian làm việc như sau:

  • Khoa khám bệnh: 7h15 – 16h45 từ thứ 2 đến thứ 6. Thứ 7 khám buổi sáng từ 7h15 -12h00.
  • Khoa khám theo yêu cầu: Làm vào buổi sáng từ 7h15 – 12h00 các ngày từ thứ 2 đến thứ 7. Buổi chiều có một số khoa như Ung bướu, Da liễu, Tâm thần... khám nếu đặt lịch trước.
  • Phòng khám số 1 (Trung tâm Y khoa số 1 Tôn Thất Tùng): Làm vào buổi sáng từ 7h15 – 12h00 các ngày từ thứ 2 đến thứ 7.

Lịch khám của bệnh viện thay đổi theo mỗi tuần. Bạn có thể tham khảo lịch khám này trên website của bệnh viện để lựa chọn và sắp xếp đi khám cho phù hợp.

Khám và đăng ký khám ở đâu?

Hiện nay, khi đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, người bệnh có thể lựa chọn một trong số các cách sau:

  • Khám tại Khoa khám bệnh
  • Khám tại Khoa khám theo yêu cầu 
  • Khám tại Phòng khám số 1 Tôn Thất Tùng

1. Khoa khám bệnh

Khoa khám thông thường nằm tại tầng G và tầng 1 của tòa nhà A2. Đi từ cổng cạnh ngõ Hồ Hố Mẻ khoảng 100m về phía bên tay trái, bạn sẽ đến được tòa nhà A2. 

Tầng G bao gồm các phòng khám: Da liễu, Nội khoa, Ngoại Tiêu hóa, Tâm thần, Cơ Xương Khớp, Ung bướu, Y học cổ truyền. Ngoài ra, tầng này còn có khu siêu âm và xét nghiệm dịch, máu.

Tầng 1 bao gồm các phòng khám: Sản phụ khoa, Mắt, Chấn thương chỉnh hình, Nhi, Ngoại – Sọ não Cột sống, Nội tiết – Đái tháo đường. Khu chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI cũng nằm tại tầng này.

Quy trình khám tại đây như sau:

  • Đăng ký khám và nhận sổ y bạ tại bàn đăng ký khám bệnh.
  • Nộp tiền theo số thứ tự và làm thủ tục BHYT (nếu có),nhận phiếu khám đính kèm trên sổ y bạ.
  • Khám bệnh theo số thứ tự tại phòng khám in trên phiếu khám.
  • Nộp tiền và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, nếu có chỉ định.
  • Mang kết quả cận lâm sàng quay lại chính phòng mà bác sĩ đã khám cho mình để cho thuốc và tư vấn điều trị, hoặc nhập viện.
  • Mua thuốc tại nhà thuốc bệnh viện. 
Bàn đăng ký khám bệnh tại tầng 1 tòa nhà A2 (Ảnh: BookingCare)

2. Khoa khám theo yêu cầu

Khoa khám theo yêu cầu nằm tại tầng 3 của tòa nhà A2.

Để tới cửa chính của khoa, từ cửa tầng 1 tòa nhà A2, người bệnh đi thẳng qua quầy thu ngân => Rẽ vào lối hành lang bên phải => Di chuyển lên tầng 3 theo lối cầu thang bộ nằm giữa hành lang.

Người bệnh làm thủ tục khám ngay tại bàn đăng ký đặt ở cửa chính của khoa sau đó sẽ có nhân viên trực tiếp hướng dẫn vào các phòng khám. Tuy nhiên, các xét nghiệm và chụp chiếu vẫn sẽ cần thực hiện tại tầng 1 và tầng G.

Lối vào khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu (Ảnh: BookingCare)

3. Phòng khám số 1 Tôn Thất Tùng

Phòng khám số 1 nằm tại tòa nhà A5 ngay mặt đường Tôn Thất Tùng. Người bệnh có thể dễ dàng tìm thấy cổng vào phòng khám và gửi xe ngay tại đây (Phòng khám số 1 nằm ở một khu riêng, bệnh nhân không cần đi qua cổng Bệnh viện Đại học Y, tìm đến đúng tòa nhà A5 trên đường Tôn Thất Tùng). 

Đăng ký khám tại tầng 1, nếu không rõ quy trình thì có thể hỏi nhân viên, nhân viên ở Phòng khám số 1 rất nhiệt tình. Ngoài ra, phòng khám còn hỗ trợ Đặt lịch khám qua điện thoại.

Các khu chụp chiếu, xét nghiệm tại đây nằm rải rác từ tầng 1 đến tầng 4 của tòa nhà. Bạn sẽ được nhân viên hướng dẫn di chuyển cụ thể sau khi  thực hiện khám lâm sàng. 

Mỗi tầng đều có khu vực thanh toán phí thực hiện xét nghiệm chỉ định. Tuy nhiên, nếu muốn thanh toán bằng thẻ, bạn chỉ có thể áp dụng tại quầy thanh toán tại tầng 1. 

Phòng khám số 1 Tôn Thất Tùng nằm tại tòa nhà A5 của bệnh viện (Ảnh: BookingCare)

Đặt lịch khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội 

Hiện tại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chưa có kênh đặt lịch khám online, mới bắt đầu triển khai gọi đặt khám qua Tổng đài. Tuy nhiên, vì có rất nhiều người gọi đến nên có thể bạn phải gọi lại nhiều lần. 

Việc tư vấn hẹn khám qua điện thoại cũng là một cách để bệnh nhân đặt hẹn, nhưng cũng còn nhiều khó khăn. Vì bạn không có nhiều thông tin về bác sĩ khám ngày hôm đó, cũng không thể tìm hiểu chuyên môn của bác sĩ trước trên internet. 

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo và đi khám với một số bác sĩ giỏi, chuyên gia đã hoặc đang công tác tại Bệnh viện Đại học Y, nhưng có lịch khám ở phòng khám, bệnh viện tư nhân.

Cảm nhận sau khi đi khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

  • Điều đầu tiên cần nhận thấy là việc di chuyển tìm kiếm các phòng khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội rất dễ dàng. Dưới sàn, trên tường và trần nhà đều có chỉ dẫn đường đi cụ thể và dễ hiểu.
  • Mặc dù lượng người đến khám đông nhưng công tác điều phối bệnh nhân diễn ra tốt, không có hiện tượng chen lấn xô đẩy.
  • Các khu xét nghiệm và chụp chiếu đều có hệ thống loa để gọi tên bệnh nhân. Tuy nhiên vẫn xuất hiện tình trạng bệnh nhân và người nhà chờ đợi trong mệt mỏi, đặc biệt xuất hiện nhiều tại các khu vực hành lang và lối đi cầu thang bộ.
  • Thái độ phục vụ cũng là một điểm cộng dành cho bệnh viện khi nhân viên và các y bác sĩ tại đây rất nhiệt tình khi nhận được thắc mắc hoặc yêu cầu giúp đỡ từ người bệnh.
  • Mặc dù vậy, vào những khoảng thời gian cao điểm, số lượng nhân viên tại bệnh viện vẫn còn thiếu để kiểm soát và hỗ trợ cho tất cả bệnh nhân đến khám.
Có cả chỉ dẫn hướng đi cho bệnh nhân ở dưới sàn (Ảnh: BookingCare)

Một vài lưu ý quan trọng khi đi khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

  • Chú ý mang đầy đủ giấy tờ cá nhân cần thiết như chứng minh nhân dân; kết quả xét nghiệm, chụp chiếu, đơn thuốc được chỉ định từ tuyến dưới (nếu có); sổ theo dõi khám bệnh (nếu có); giấy chuyển viện từ tuyến dưới (nếu có);...
  • Nên chuẩn bị sẵn tiền mặt (khoảng 3 - 5 triệu đồng) để thanh toán trong trường hợp phát sinh xét nghiệm hoặc có yêu cầu nhập viện. Người bệnh có thể thanh toán qua thẻ ATM khi khám tại phòng khám số 1 Tôn Thất Tùng và khoa khám theo yêu cầu. Khoa khám thông thường chưa hỗ trợ thanh toán theo hình thức này. 
  • Nhịn ăn sáng nếu cần làm các xét nghiệm máu hoặc nội soi dạ dày, đại tràng. Cần có người đi cùng trong trường hợp muốn nội soi gây mê.
  • Bệnh viện có một số khu khám nằm ở vị trí khuất khó tìm. Người bệnh nên chủ động hỏi luôn nhân viên bệnh viện để tránh mất thời gian đi tìm kiếm.
  • 8h30 - 9h30 là khoảng thời gian cao điểm tại bệnh viện nên người bệnh cần đến làm thủ tục và khám sớm hơn thời điểm này khoảng 1 tiếng để khắc phục vấn đề chờ đợi.
Bệnh viện bắt đầu đông vào khoảng từ 8h30-9h30 (Ảnh: BookingCare)
  • Người bệnh có thể ăn trưa ngay ở khu nhà ăn tại khu ký túc xá của trường đại học Y Hà Nội trong trường hợp phải chờ kết quả đến buổi chiều.
  • Lịch khám có thể thay đổi không báo trước nên người bệnh cần theo dõi thường xuyên lịch khám trên website của bệnh viện.
  • Khu vực để xe của bệnh viện chuyển xuống sân sau của Đại học Y. Người bệnh đi thẳng từ cổng bên cạnh nhà thuốc của bệnh viện khoảng 30m sẽ được chỉ dẫn vào khu để xe mới. Để thuận tiện, người bệnh nên di chuyển tới bệnh viện bằng taxi, xe bus, xe ôm,... 
Chỉ dẫn người bệnh tới khu để xe (Ảnh: BookingCare)
  • Giờ cao điểm bệnh viện rất đông nên người bệnh cần cảnh giác với tài sản của mình.
  • Không nên mang theo trẻ con nếu không thật sự cần thiết.

Trên đây là những chia sẻ của BookingCare về quy trình đi khám tại Bệnh viện Đại học Y. Rất hy vọng những thông tin này sẽ giúp cho bạn và người thân có trải nghiệm tốt khi tới khám tại bệnh viện này.

Xem thêm bài viết 

 
 
Tài liệu tham khảo
http://www.benhviendaihocyhanoi.com/bai-viet/gioi-thieu/gioi-thieu-benh-vien-dai-hoc-y-ha-noi
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

Nội dung chính
© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/