Chú ý: Cách sơ cứu người bị sốc nhiệt bạn không nên bỏ qua
Cách sơ cứu người bị sốc nhiệt
Cách sơ cứu người bị sốc nhiệt bạn cần biết - Ảnh: BookingCare

Chú ý: Cách sơ cứu người bị sốc nhiệt bạn không nên bỏ qua

Tác giả: - Xuất bản: 31/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 03/06/2024
Việc sơ cứu người bị sốc nhiệt nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả là vô cùng quan trọng, tránh những biến chứng không đáng có do tình trạng này gây ra.

Trong những ngày nắng nóng, oi bức của mùa hè, nguy cơ về sốc nhiệt trở thành một thách thức đối với sức khỏe của chúng ta. Trong tình huống khẩn cấp đó, việc sơ cứu người bị sốc nhiệt không chỉ là kỹ năng cần thiết mà còn là một việc quan trọng có thể cứu sống, tránh những hậu quả không mong muốn do sốc nhiệt gây ra.

Những đối tượng nào có nguy cơ bị sốc nhiệt?

Hầu như ai cũng có khả năng bị sốc nhiệt khi trời nắng nóng gay gắt trong thời gian dài. Tuy nhiên, những đối tượng dưới đây có nguy cơ cao hơn bình thường:

  • Trẻ em: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có khả năng điều hòa thân nhiệt kém hơn người lớn. Trẻ thường hiếu động, chơi đùa nhiều, dễ ra mồ hôi và mất nước. Trẻ không thể tự ý tìm kiếm nước uống hoặc chỗ mát để nghỉ ngơi.
  • Người lớn tuổi: Khả năng điều hòa thân nhiệt của người cao tuổi suy giảm do tuổi tác. Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh lý nền, khiến cơ thể dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao. Người cao tuổi có thể gặp khó khăn trong việc di chuyển hoặc tự chăm sóc bản thân.
  • Người phải làm việc ngoài trời: Công nhân, nông dân, vận động viên, bộ đội,... Những người thường xuyên làm việc trong môi trường nóng bức, ít bóng râm.
  • Người mắc bệnh tim mạch, thần kinh, rối loạn nội tiết tố, hô hấp, thận, béo phì, tiểu đường,... 

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ sốc nhiệt như:

  • Mang thai
  • Mặc quần áo dày, kín
  • Thiếu ngủ
  • Mất nước

Cách sơ cứu người bị sốc nhiệt

Khi bạn hoặc ai đó xung quanh bị sốc nhiệt, việc sơ cứu ngay lập tức là cực kỳ quan trọng để ngăn chặn tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Khi đánh giá nạn nhân đúng bị sốc nhiệt thì dưới đây là những bước cơ bản để sơ cứu người bị sốc nhiệt một cách hiệu quả.

Bước 1: Di chuyển nạn nhân ra nơi mát mẻ

Ngay lập tức, di chuyển nạn nhân ra khỏi nguồn nhiệt độ cao, vào bóng mát hoặc nơi mát mẻ nhất có thể.

Bước 2: Nới lỏng quần áo 

Khi cơ thể gặp phải sốc nhiệt, quần áo có thể gây cản trở cho quá trình tản nhiệt của cơ thể. Bằng cách nới lỏng quần áo, đặc biệt là các lớp quần áo nhiệt động như áo khoác hoặc áo thun dày, sẽ giúp tăng sự lưu thông khí và giúp cơ thể dễ dàng hơn trong việc giải nhiệt.

Khi thực hiện các biện pháp sơ cứu như làm mát cơ thể hoặc đo nhiệt độ, việc quần áo được nới lỏng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người cứu hộ hoặc người thực hiện sơ cứu để tiếp cận và thao tác trên cơ thể người bị sốc nhiệt.

Bước 3: Làm mát cơ thể

Sử dụng nước lạnh hoặc khăn ướt để làm mát cơ thể người bị sốc nhiệt. Đặc biệt, tập trung làm mát các vùng như cổ, nách, bẹn và lòng bàn tay. Sử dụng quạt hoặc điều hòa để tạo ra luồng không khí mát và làm thoáng không gian xung quanh người bị sốc nhiệt. Việc tuần hoàn không khí mát giúp làm giảm nhiệt độ cơ thể.

Ngoài ra, có thể quạt và làm ướt da bệnh nhân bằng khăn ướt hoặc vòi nước; áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân (do các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da nên việc làm lạnh có thể làm giảm được nhiệt độ cơ thể).

Áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân bị sốc nhiệt để làm giảm nhiệt độ cơ thể - Ảnh: soyte.hatinh.gov.vn
Áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân bị sốc nhiệt để làm giảm nhiệt độ cơ thể - Ảnh: soyte.hatinh.gov.vn

Bước 4: Bù nước cho người bệnh

Khi người bệnh tỉnh và có thể uống được nước thì cung cấp nước oresol hoặc nước dừa cho nạn nhân để khôi phục lượng nước mất đi và đảm bảo cơ thể không bị mất cân bằng nước, điện giải.

Bước 5: Nâng cao chân người bệnh

Đặt nạn nhân vào tư thế nằm ngửa và nâng cao chân một chút để giúp cải thiện lưu thông máu lên não, tránh hiện tượng thiếu máu não.

Bước 6: Theo dõi dấu hiệu sốc nhiệt để đánh giá

Liên tục quan sát dấu hiệu của sốc nhiệt và đo nhiệt độ cơ thể để đảm bảo rằng tình trạng của nạn nhân được kiểm soát và không tiến triển xấu thêm.

Bước 7: Đưa người bệnh đến cơ sở y tế

Nếu tình trạng của nạn nhân không cải thiện sau khi thực hiện các biện pháp sơ cứu ban đầu, hãy gọi ngay số điện thoại cấp cứu để đưa họ đến bệnh viện và được điều trị y tế chuyên sâu. 

Nguy cơ khi sốc nhiệt không được xử lý kịp thời có thể gây nhiều hệ lụy nguy hiểm như: tổn thương đến tim, thận, gan,… suy giảm chức năng, trường hợp chết não khi bị sốc nhiệt trong thời gian dài, trường hợp nặng nhất có thể gây đột quỵ, tử vong.

Việc nhận biết các dấu hiệu cảnh báo sốc nhiệt và thực hiện các biện pháp sơ cứu nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả có thể giúp người bị sốc nhiệt đối phó với tình trạng khẩn cấp này một cách an toàn, tránh những biến chứng không mong muốn ảnh hưởng tới sức khỏe.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết