Sốc nhiệt: Nguyên nhân, Triệu chứng, điều trị và cách phòng tránh hiệu quả
Sốc nhiệt
Những điều bạn cần biết về tình trạng sốc nhiệt – BookingCare

Sốc nhiệt: Nguyên nhân, Triệu chứng, điều trị và cách phòng tránh hiệu quả

Tác giả: - Xuất bản: 31/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 16/05/2024
Sốc nhiệt là tình trạng thường xuyên xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với môi trường có nhiệt độ cao ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của con người. Vì vậy việc phòng tránh tình trạng này là điều vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe của mình.

Sốc nhiệt là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khi nhiệt độ môi trường vượt quá khả năng chịu đựng của cơ thể. Sốc nhiệt không chỉ nguy hiểm đối với những người làm việc ngoài trời, mà còn đe dọa mọi người, đặc biệt là khi nhiệt độ cao kéo dài.

Trong bài viết này, cùng BookingCare tìm hiểu về sốc nhiệt từ nhận biết dấu hiệu đến cách điều trị và phòng tránh hiệu quả. Hiểu rõ về sốc nhiệt không chỉ giúp chăm sóc sức khỏe cá nhân mà còn có thể cứu sống người khác trong tình huống khẩn cấp.

Sốc nhiệt là gì?

Sốc nhiệt là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng tăng nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C và kèm theo rối loạn chức năng thần kinh (rối loạn ý thức, hôn mê, co giật).

Sốc nhiệt được chia thành 2 nhóm: sốc nhiệt kinh điển và sốc nhiệt do gắng sức, hai loại này khác nhau về cơ chế nhưng biểu hiện lâm sàng giống nhau.

  • Sốc nhiệt kinh điển: Hay gặp ở người già, cơ thể suy nhược, trẻ em, người có bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, hay các rối loạn nội tiết. Tình trạng này gặp khi tiếp xúc một cách thụ động với một môi trường có nhiệt độ cao trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày.
  • Sốc nhiệt do gắng sức: Hay gặp những người trẻ, khỏe mạnh với hệ điều hòa nhiệt độ bình thường. Trường hợp này thường xảy ra khi phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao và đồng thời do sự sinh nhiệt lúc thể dục, gắng sức.

Dấu hiệu nhận biết sốc nhiệt như thế nào?

Một số dấu hiệu sốc nhiệt được nhận biết dễ dàng qua một số biểu hiện cơ thể như sau:

  • Nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C.
  • Da nóng, khô và đỏ (toát mồ hôi hiện diện trong một nửa các trường hợp của say nóng lúc hoạt động vật lý).
  • Các dấu hiệu sớm và các triệu chứng gồm có: mệt, đau đầu, khó thở, đỏ mặt, nôn khan, buồn nôn và tiêu chảy.
  • Rối loạn tim mạch: rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp.
  • Rối loạn hô hấp: khó thở, thở nhanh, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển.
  • Rối loạn thần kinh trung ương: rối loạn ý thức, li bì, hôn mê, co giật.

Nếu không cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể hoa mắt, chóng mặt, sốt cao 40 độ C đến 41 độ C, mạch nhanh, sắc mặt chuyển qua tái nhợt. Trường hợp nặng, bệnh nhân sẽ ngất xỉu, mê sảng, co giật, hôn mê, trụy mạch và dễ tử vong.

Ngay khi người bệnh có dấu hiệu lừ đừ, mệt, bứt rứt, da xanh tái,... phải đưa đến cơ sở y tế ngay để xử trí kịp thời.

Nguyên nhân của sốc nhiệt là gì?

Nhìn chung nguyên nhân chính của tình trạng này là tốc độ sinh nhiệt vượt quá khả năng của cơ thể đào thải nhiệt. Sự tiến triển thành sốc nhiệt và tổn thương cơ quan đích có liên quan tới đáp ứng sinh lý của tăng nhiệt độ, “ngộ độc” nhiệt trực tiếp, và xảy ra quá trình đáp ứng viêm.

Một số nguyên nhân cụ thể gồm:

  • Rối loạn quá trình điều nhiệt: Khi nhiệt độ trung tâm được xác định bằng lượng nhiệt từ môi trường và nhiệt do chính cơ thể sinh ra. Quá trình này được cơ thể điều chỉnh chặt chẽ nếu không khi nghỉ ngơi tốc độ chuyển hoá cơ bản sẽ làm tăng thân nhiệt 1,1 độ C/giờ. Nhiệt truyền qua cơ thể theo 4 cơ chế: dẫn truyền, đối lưu, bức xạ, bay hơi.
  • Tổn thương do nhiệt:
    • Khi nhiệt độ tăng cao quá mức tế bào có thể chịu đựng dẫn tới thoái hoá protein. Cơ thể có thể bị tổn thương trong thời gian từ 45 phút tới 8 giờ sau khi thân nhiệt là 42 độ C. 
    • Hầu như tất cả các tế bào đều tự bảo vệ bằng cách sinh ra protein bảo vệ nhiệt nhằm kéo dài sự tồn tại. Sự tăng loại protein này còn xuất hiện cả trong thiếu máu, thiếu oxy, nội độc tố, cytokine viêm. Những trường hợp có nồng độ protein này thấp đều dễ bị tổn thương nhiệt như tuổi cao, mất thích nghi khí hậu hoặc đa gen.
  • Xảy ra quá trình đáp ứng viêm: Sau khi bị sốc nhiệt, sản sinh ra nhiều chất trung gian của đáp ứng viêm nhằm bảo vệ và sửa chữa tổn thương. Những cytokine và interleukin tạo ra sốt, làm tăng tính thấm thành ruột dẫn tới tạo các nội độc tố. Chúng kết hợp lại làm suy giảm khả năng điều hoà nhiệt và phòng ngừa tụt huyết áp, tăng nhiệt độ.

Chẩn đoán sốc nhiệt như thế nào?

Chẩn đoán xác định

Sốc nhiệt được chẩn đoán xác định khi xuất hiện các dấu hiệu sau:

  • Nhiệt độ cơ thể > 40 độ C.
  • Rối loạn thần kinh trung ương.
  • Phơi nhiễm với nhiệt độ cao: nhiệt nội sinh hoặc ngoại sinh.

Chẩn đoán phân biệt

Sốc nhiệt cần được chẩn đoán phân biệt với các trường hợp:

Hội chứng suy hô hấp tiến triển.

  • Sảng rượu.
  • Hôn mê toan ceton.
  • Viêm não.
  • Sốt rét.
  • Viêm màng não.
  • Sốc nhiễm khuẩn…

Điều trị sốc nhiệt như thế nào?

Ngay lập tức phải hạ thân nhiệt và hỗ trợ chức năng các cơ quan là 2 mục tiêu chính trong điều trị sốc nhiệt.

Ngoài bệnh viện

Làm mát ngay tức thì và hỗ trợ suy chức năng cơ quan.Đưa bệnh nhân ra khỏi môi trường nóng, cởi bớt quần áo, chuyển tới nơi bóng râm. Hỗ trợ đường thở, hô hấp, tuần hoàn bằng đặt đường truyền TM, thở oxy, thông khí hỗ trợ nếu có chỉ định.

Ngay lập tức hạ thân nhiệt bệnh nhân bằng mọi cách có thể nhưng không gây cản trở việc vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện, mục đích là phải hạ thân nhiệt ngay xuống dưới 39,40C. Vận chuyển bằng xe có điều hòa nhiệt độ hoặc mở cửa sổ, có thể vừa vận chuyển vừa hạ nhiệt bệnh nhân.

Tại cơ sở y tế

Cần bù nước và điện giải cho người bệnh.Làm mát bệnh nhân càng nhanh càng tốt, lý tưởng nhất là hạ được thân nhiệt xuống 0,2 độ C/phút, nhiệt độ trực tràng xuống 38 độ C, nhiệt độ da xuống 30- 33 độ C, tránh hạ quá vì gây tác dụng phụ do hạ thân nhiệt.

Nhanh chóng ổn định chức năng hô hấp tuần hoàn, thở máy khi có suy hô hấp, bù dịch theo áp lực tĩnh mạch trung tâm, sử dụng các thuốc nâng huyết áp nếu cần, tránh các thuốc kích thích.

Khi có biểu hiện tiêu cơ vân phải bù nhiều dịch và lợi tiểu.Hỗ trợ tích cực các cơ quan khi có suy đa tạng như lọc máu liên tục, lọc gan, tuần hoàn ngoài cơ thể.

Phòng tránh sốc nhiệt như thế nào?

Để bảo vệ sức khỏe của mình và của người thân trong mùa hè, việc áp dụng các biện pháp phòng tránh sốc nhiệt là vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số biện pháp mà bạn có thể thực hiện để tránh nguy cơ sốc nhiệt:

  • Uống đủ nước: Cần cung cấp lượng nước đầy đủ mỗi ngày cho cơ thể, tránh uống rượu và đồ uống chứa cafein vì chúng có thể gây mất nước.
  • Mặc quần áo phù hợp: Chọn lựa quần áo mát mẻ và thoáng khí, chất liệu như cotton sẽ giúp hấp thụ mồ hôi và giữ cơ thể mát mẻ hơn. Đeo nón rộng và kính râm để bảo vệ da và mắt khỏi tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời.
  • Tránh làm việc dưới thời tiết nắng nóng: Hạn chế hoạt động ngoài trời vào giờ cao điểm của ngày khi nhiệt độ ngoài trời đạt mức cao nhất. Nếu không thể tránh khỏi việc làm việc ngoài trời, hãy có những biện pháp che chắn phù hợp giảm thiểu tối đa sự tác động của bức xạ nhiệt và nhiệt độ gây ra.
  • Sử dụng các thiết bị làm mát: Sử dụng các thiết bị làm mát để hạn chế những tác hại do nhiệt độ cao gây ra cho cơ thể.
  • Theo dõi dự báo thời tiết: Luôn cập nhật thông tin về dự báo thời tiết để có kế hoạch cho những ngày có nhiệt độ cao và chuẩn bị trước các biện pháp phòng tránh phù hợp.
Uống nước
Uống đủ nước là một trong những biện pháp phòng tránh sốc nhiệt hiệu quả - Ảnh: Freepik

Việc phòng tránh sốc nhiệt trong thời điểm mùa hè đang hết là việc vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe con người. Khi thấy bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ tình trạng này xảy ra cần tiến hành sơ cứu sốc nhiệt kịp thời và đưa người bệnh đến các cơ sở y tế có chuyên môn để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết