Chữa viêm gan bằng đông y có hiệu quả không?
Chữa viêm gan bằng đông y
Chữa viêm gan bằng đông y được nhiều người quan tâm - Ảnh: BookingCare

Chữa viêm gan bằng đông y có hiệu quả không?

Tác giả: - Xuất bản: 18/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 24/02/2024
Chữa viêm gan bằng đông y có thể dùng các bài thuốc, vị thuốc,… giúp giảm nhanh các triệu chứng và hỗ trợ điều trị. Cùng BookingCare tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Viêm gan là một trong những bệnh lý về gan phổ biến, gây ra không ít lo lắng cho người bệnh. Trong khi y học hiện đại mang lại nhiều phương pháp điều trị hiệu quả nhưng còn nhiều tác dụng phụ, đông y với bề dày lịch sử và triết lý "trị bệnh từ gốc" cũng được nhiều người xem xét như một lựa chọn an toàn và lành tính. 

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp góc nhìn toàn diện về việc sử dụng các bài thuốc đông y trong việc điều trị viêm gan, từ đó giúp độc giả hiểu rõ hơn về khả năng điều trị và cơ chế hoạt động của phương pháp này. 

Tìm hiểu bệnh viêm gan theo Đông y

Viêm gan là tình trạng gan bị tổn thương do nhiều nguyên nhân, dẫn đến chức năng gan suy giảm, biểu hiện qua các triệu chứng như vàng da, vàng mắt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn,...

Theo Đông y, gan thuộc hành Mộc, có chức năng chủ về tàng huyết, tiết mật, giúp tiêu hóa thức ăn, điều hòa khí huyết. Viêm gan thuộc phạm vi chứng “Hoàng đản”, “Hiếp thống” đi cùng các rối loạn tiêu hóa với các nguyên nhân có thể kể đến như:

  • Thực tà xâm nhập: Do virus viêm gan A, B, C, E,... tấn công cơ thể. Theo đông y là cảm phải thấp nhiệt tà khiến can khí uất lại, không sơ tiết được làm cho công năng vận hóa của tỳ vị bị ảnh hưởng, khí huyết ứ trệ gây ra mệt mỏi. Thấp nhiệt độc tà uẩn kết tại trung tiêu chưng đốt can đởm sinh ra Hoàng đản (vàng da, vàng mắt,...). Lâu ngày thấp nhiệt độc tà xâm nhập huyết phận, trở trệ can mạch và đởm mạch (can mạch phân bố ở vùng hạ sườn, đởm mạch tuần hoàn ở vùng mạn sườn) nên gây ra chứng Hiếp thống (đau tức nặng vùng hông sườn)
  • Ẩm thực thất điều: Ăn uống không điều độ, lao lực lại thêm uống nhiều rượu bia lâu ngày gây nên thấp nhiệt, tích kết ở tỳ vị, chưng đốt can đởm làm can mất sơ tiết, khí huyết vận hành không thông gây ra Hiếp thống, dịch đởm tràn ra mà gây Hoàng đản. Thấp nhiệt ứ trệ ở trung tiêu, tỳ vị vận hòa bất lợi, thăng giáng thất thường gây nên vị quản đầy trướng, ăn kém, buồn nôn, tứ chi nặng nề, miệng khô khát nước, táo bón, tiểu tiện ít, đỏ.
  • Can khí uất kết: Do stress, căng thẳng, lo âu, khiến khí huyết ứ trệ, ảnh hưởng đến chức năng Can dẫn đến khí huyết can mạch ứ trệ, gây nên Hiếp thống. Can mất sơ tiết, dịch đởm tràn ra mà gây Hoàng đản.
  • Can âm hư: Các nguyên nhân kể trên lâu ngày có thể dẫn đến Can âm bị tổn thương. Âm hư sinh nội nhiệt, nên se có các triệu chứng như sốt âm ỉ, hồi hộp, ngủ ít, khát nước, họng khô, hay tức giận, táo bón, tiểu ít, đỏ.

Có nên điều trị bệnh viêm gan theo Đông y?

Ưu điểm:

  • An toàn, ít tác dụng phụ: Các bài thuốc Đông y thường sử dụng thảo dược thiên nhiên, lành tính, ít gây ra tác dụng phụ so với thuốc Tây y.
  • Hiệu quả lâu dài: Đông y chú trọng vào điều trị tận gốc nguyên nhân, giúp bồi bổ cơ thể, tăng cường chức năng gan và nâng cao sức đề kháng.
  • Nhiều cây thuốc có hoạt tính kháng virus, qua nghiên cứu điều trị kết hợp thuốc y học cổ truyền làm giảm nguy cơ xơ gan, ung thư gan.
  • Nâng cao sức khỏe tổng thể.
  • Hỗ trợ điều trị các bệnh lý khác đi kèm: suy nhược cơ thể, mất ngủ,...

Nhược điểm:

  • Hiệu quả chậm: Việc điều trị bằng Đông y thường cần thời gian dài hơn so với Tây y.
  • Khó kiểm soát chất lượng thuốc: Cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín để đảm bảo chất lượng thuốc.
  • Cần có sự kiên trì: Người bệnh cần kiên trì sử dụng thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc để đạt hiệu quả tốt nhất.

Cách điều trị viêm gan theo Đông y

Tùy thuộc vào nguyên nhân, thể trạng bệnh nhân mà các thầy thuốc chọn phương pháp điều trị và bài thuốc tương ứng. Dưới đây là ba phương pháp điều trị viêm gan mạn dựa theo nguyên nhân: 

  • Pháp thanh nhiệt trừ thấp: Thuốc thanh nhiệt trừ thấp được dùng với mục đích hạ sốt, lợi thấp, thoái hoàng, kiện tỳ trừ thấp, bảo vệ tế bào gan, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể.

Bài thuốc tiêu biểu là Nhân trần ngũ linh tán và Long đởm tả can thang. Bài thuốc được dùng khi bệnh nhân mắc thể can đởm thấp nhiệt thường gặp trong viêm gan mạn tiến triển với các biểu hiện như đắng miệng, chán ăn, bụng chướng, miệng khô nhớt, đau nhiều vùng gan, da vàng sạm, lưỡi đỏ rêu vàng, tiểu tiện vàng.

  • Pháp sơ can kiện tỳ thì được dùng với mục đích kích thích tiêu hóa, bảo vệ tế bào gan, điều hòa chức năng gan, kháng virus viêm gan.

Bài thuốc tiêu biểu là Sài hồ sơ can thang gia giảm hoặc Tiêu dao tán gia giảm. Pháp điều trị dùng cho chứng can uất tỳ hư thường gặp trong viêm gan mạn tiểu thùy với triệu chứng đau tức nặng hông sườn phải, miệng đắng, ăn kém, đại tiện phân nhão, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng.

  • Pháp tư dưỡng can âm được dùng với mục đích bồi bổ can âm, an thần, bảo vệ tế bào gan, chống thoái hóa gan do mỡ, tăng chức năng miễn dịch của cơ thể, hạ sốt.

Bài thuốc tiêu biểu là Nhất quán tiễn gia giảm dùng trong chứng can âm hư hay gặp sau khi mắc bệnh thời gian dài, với các triệu chứng hồi hộp, ít ngủ, sốt âm ỉ, khát nước, họng khô, lưỡi đỏ, táo bón, tiểu tiện vàng.

Lưu ý khi điều trị viêm gan theo đông y

Trường hợp nên điều trị:

  • Viêm gan virus A, B, C mạn tính.
  • Viêm gan do rượu bia, thuốc.
  • Suy giảm chức năng gan.

Trường hợp không nên điều trị:

Lưu ý trong quá trình điều trị:

  • Kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý: ăn nhiều rau xanh, trái cây, kiêng rượu bia, thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Theo dõi chức năng gan định kỳ.
  • Giữ tinh thần thoải mái, tránh stress.

Phòng ngừa bệnh viêm gan như thế nào?

  • Tiêm phòng vắc-xin viêm gan.
  • Quan hệ tình dục an toàn.
  • Không sử dụng chung kim tiêm.
  • Ăn chín uống sôi.
  • Vệ sinh tay sạch sẽ.

Điều trị viêm gan bằng Đông y là phương pháp an toàn, hiệu quả, ít tác dụng phụ, giúp cải thiện chức năng gan và nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, kiên trì sử dụng thuốc, kết hợp chế độ ăn uống hợp lý và lối sống khoa học để đạt hiệu quả tốt nhất

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết