Viêm gan B cấp tính: Là gì? Có nguy hiểm không? Cách điều trị?
Viêm gan B cấp tính
Viêm gan B cấp tính: Là gì? Có nguy hiểm không? Cách điều trị?

Viêm gan B cấp tính: Là gì? Có nguy hiểm không? Cách điều trị?

Cố vấn y khoa: - Xuất bản: 20/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 20/11/2023
Viêm gan B cấp tính là giai đoạn đầu tiên của bệnh do virus viêm gan B gây ra. Bệnh thường phát sinh đột ngột trong thời gian ngắn khoảng 6 tháng khi cơ thể nhiễm virus HBV.

Viêm gan B có tác động tiêu cực lên hệ thống gan, có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Viêm gan B cấp tính là giai đoạn đầu của viêm gan B. Nếu viêm gan B cấp tính không được điều trị, phát hiện kịp thời thì sẽ diễn biến thành viêm gan B mãn tính.

Cùng tìm hiểu các thông tin về bệnh viêm gan B cấp tính ngay trong bài viết dưới đây.

Viêm gan B cấp tính là gì?

Viêm gan B cấp tính là giai đoạn đầu tiên của bệnh do virus viêm gan B gây ra. Bệnh thường phát sinh đột ngột trong thời gian ngắn khoảng 6 tháng khi cơ thể nhiễm virus HBV.

Tuy nhiên, hầu hết những người mắc bệnh ở giai đoạn này chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí không có biểu hiện gì. Bệnh viêm gan B cấp tính có thể chữa khỏi hoàn toàn. Nếu để bệnh kéo dài, viêm gan B cấp tính có thể biến chuyển thành viêm gan B mãn tính, suy gan và các biến chứng nguy hiểm khác.

Dấu hiệu viêm gan B cấp tính

Đa số các bệnh nhân mắc viêm gan B cấp tính không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng. Trong một số trường hợp điển hình, người bệnh viêm gan B có thể xuất hiện các triệu chứng như: sốt (khi chưa vàng da), mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, vàng da, vàng mắt, tiểu sậm màu, đau tức vùng gan...

Ngoài ra, kết quả một số xét nghiệm có thể chỉ ra tình trạng viêm gan B cấp tính bao gồm:

  • AST, ALT tăng, thường trên 5 - 10 lần giới hạn trên của mức bình thường (ULN, ULN: 35 U/L đối với nam, 25 U/L đối với nữ).
  • Bilirubin có thể tăng
  • Anti-HBc IgM dương tính, HBsAg dương tính (hoặc âm tính trong giai đoạn đã mang HBV nhưng chưa sinh ra đủ kháng thể để có phát hiện được bằng các xét nghiệm thông thường).

Viêm gan B cấp tính có nguy hiểm không?

Virus viêm gan B sau khi xâm nhập vào cơ thể có thể phát triển hoặc giảm đi phụ thuộc và nhiều yếu tố: Phản ứng miễn dịch của cơ thể, thời gian phát hiện bệnh,…

Viêm gan B cấp tính có thể chữa khỏi hoàn toàn, hoặc chuyển sang viêm gan B mạn tính  hoặc tiến triển nặng gây nguy hiểm đến tính mạng. Cụ thể:

Trường hợp 1: Gan phục hồi sau nhiễm trùng và tạo ra miễn dịch bảo vệ: Cơ thể sẽ đào thải virus HBV sau vài tháng và tạo được miễn dịch bảo vệ gan suốt đời. Hiện nay vẫn chưa có thuốc chữa khỏi viêm gan B cấp tính mà chỉ có thuốc hỗ trợ trong việc điều trị.

Trường hợp 2: Viêm gan B cấp tính tiến triển thành viêm gan B mạn tính: Khi cơ thể không thể loại bỏ virus gây bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính. 

Trường hợp 3: Viêm gan B cấp tính tiến triển thành viêm gan tối cấp: Giai đoạn này gan bị tổn thương nặng nề dẫn tới suy gan cấp. Nếu bệnh không được phát hiện sớm điều trị kịp thời có thể gây tử vong. Tuy nhiên trường hợp viêm gan B cấp tính tiến triển thành viêm gan tối cấp rất hiếm. Tỷ lệ xảy ra chỉ chiếm 1%.

Khi mắc viêm gan B cấp tính, khoảng 90% người bệnh sẽ khỏi bệnh hoàn toàn mà không để lại di chứng gì. Khoảng 10% người mắc viêm gan B cấp tính sẽ chuyển thành viêm gan B mãn tính và có thể gặp những biến chứng nguy hiểm cho gan như suy gan, xơ gan, ung thư gan.

Cách điều trị viêm gan B cấp tính

Nếu bạn là người lớn ≥ 16 tuổi có hệ miễn dịch khỏe mạnh, khi bị viêm gan B cấp thì 90% cơ thể có thể tự đào thải vi rút, sạch HBsAg ( có thể coi như là khỏi bệnh), có kháng thể miễn dịch chống lại viêm gan siêu vi B (Anti-HBs) và không bị viêm gan B mạn tính.

Tuy nhiên, trẻ sơ sinh khi bị viêm gan B cấp, do hệ miễn dịch chưa trưởng thành nên chỉ có 5-10% có khả năng đào thải vi rút và sạch HBsAg. Hơn 90% trẻ sơ sinh sau khi nhiễm viêm gan B sẽ tiến triển thành viêm gan B mạn.

Ngoài ra, nếu trẻ em nhiễm viêm gan B cấp tính trước khi 6 tuổi thì có đến 30 - 50% mắc viêm gan B mạn tính.

Trẻ em tiêm vaccine viêm gan b
Tất cả trẻ sơ sinh cần được tiêm vacine viêm gan B 24 giờ sau khi sinh - Ảnh: cdc.gov

Viêm gan virus B cấp không có chỉ định điều trị thuốc đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng và nghỉ ngơi hợp lý, tránh gắng sức hoặc làm việc nặng trong giai đoạn có biểu hiện lâm sàng.

Không uống rượu bia, giảm bớt chất béo trong chế độ ăn. Với trường hợp bị nôn nhiều hoặc không ăn uống được, bác sĩ sẽ chỉ định nuôi dưỡng tạm thời qua đường tĩnh mạch.

Hạn chế sử dụng các thuốc chuyển hóa qua gan.

Bên cạnh điều trị hỗ trợ, bác sĩ có thể chỉ định thuốc entecavir hoặc tenofovir (tenofovir disoproxil fumarate – TDF, tenofovir alafenamide – TAF) cho đến khi mất HBsAg trong các trường hợp sau:

  • Viêm gan B tối cấp.
  • Viêm gan B cấp tính kèm theo ít nhất 2 trong 3 tiêu chí sau: 
    • Bệnh não gan
    • Bilirubin toàn phần huyết thanh > 3 mg/dL hay > 51 µmol/L (hoặc bilirubin trực tiếp > 1,5 mg/dL hay > 25 µmol/L)
    • INR > 1,5
  • Viêm gan B cấp tính kéo dài trên 4 tuần với bilirubin có xu hướng tăng.

Theo dõi: Bệnh nhân viêm gan virus B cấp tính, có các dấu hiệu sau đây cần nhập viện cấp cứu để theo dõi và điều trị tránh chuyển sang thể viêm gan nặng (hôn mê gan): Tình trạng mệt mỏi dữ dội, không ăn uống được, nôn nhiều, biểu hiện xuất huyết, rối loạn tri giác, rối loạn hô hấp và truỵ tim mạch…

Để tránh các biến chứng có thể xảy ra, người bệnh viêm gan B cấp tính cần được điều trị kịp thời. Việc tuân thủ phác đồ điều trị kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý có thể giúp đẩy lùi hoàn toàn bệnh viêm gan B cấp.

Với những thông tin về viêm gan B cấp tính trên đây, hy vọng rằng bạn đã hiểu rõ hơn về căn bệnh này để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết