- Xuất bản: 03/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 17/03/2024
Chuột rút khi ngủ thường gặp ở bắp chân - Ảnh: BookingCare
Chuột rút khi ngủ thường xảy ra vào ban đêm, khi đang ngủ. chuột rút khi ngủ có thể đánh thức giấc ngủ, khiến người bị khó ngủ lại và đau nhức suốt đêm. Hàng năm, hàng tháng, hàng tuần, hàng đêm - tần suất chuột rút ở chân tùy thuộc vào từng người. Khi chuột rút khi ngủ trở nên thường xuyên, đừng chủ quan vì đó có thể là một dấu hiệu bất thường của sức khỏe.
Chuột rút khi ngủ có thể xảy ra với bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi, nhưng chúng thường xảy ra nhất với người lớn tuổi. Trong số những người trên 60 tuổi, 33% sẽ bị chuột rút ở chân vào ban đêm ít nhất hai tháng một lần. Gần như mọi người trưởng thành từ 50 tuổi trở lên sẽ mắc bệnh này ít nhất một lần. Khoảng 40% phụ nữ sẽ bị chuột rút ở chân khi mang thai.
Khoảng 3 trong số 4 trường hợp chuột rút ở chân được báo cáo xảy ra vào ban đêm. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, khi nào cần đến thăm khám bác sĩ và cách phòng ngừa chuột rút khi ngủ trong bài viết dưới đây.
Nguyên nhân gây chuột rút khi ngủ
Nguyên nhân có thể gây chuột rút ở chân vào ban đêm bao gồm:
Lạnh chân: chân lạnh khiến cho các cơ co rút
Ngồi trong thời gian dài (như làm việc tại bàn giấy): ban ngày, khi làm việc ngồi trong thời gian dài khiến cho các bó cơ ở trong một tư thế lâu. Vào buổi tối khi đi ngủ, các cơ mỏi và dễ chuột rút.
Lạm dụng cơ bắp: vào ban ngày các cơ hoạt động quá nhiều dẫn đến buổi tối cơ mỏi và có thể gây chấn thương, quá trình hoạt động ban ngày gây tiêu hao nhiều năng lượng mà không kịp bổ sung calo cho cơ thể dẫn đến chuột rút vào ban đêm.
Có tư thế xấu trong ngày: nếu ngồi hoặc nằm trong một tư thế quá lâu thì sẽ làm hạn chế lưu lượng máu đến chân, có thể gây chuột rút.
Thiếu nước hoặc mất cân bằng điện giải: trong quá trình vận động hoặc tập luyện gây mất nước và có thể gây mất điện giải gây chuột rút. Đặc biệt là những người có thói quen đi tập, chơi thể thao muộn.
Thuốc và tác dụng phụ: các loại thuốc có tác dụng phụ gây chuột rút ở chân bao gồm các thuốc lợi tiểu, thuốc hạ áp, thuốc dạ dày, thuốc giãn phế quản thuốc chống trầm cảm như là naproxen, levalbuterol, estrogen liên hợp, sucrose, Albuterol… Đơn thuốc đang dùng có thể gây ra chứng chuột rút ở chân. Trong trường hợp đó, hãy hợp tác chặt chẽ với bác sĩ điều trị để xác định ưu và nhược điểm của thuốc so với tác dụng phụ của nó. Bác sĩ có thể kê một loại thuốc khác không có tác dụng phụ gây chuột rút ở chân.
Một số bệnh lý: suy thận, tổn thương thần kinh, rối loạn về cơ, thiếu hụt khoáng chất (thiếu lượng vi chất cần thiết cho cơ thể như canxi, magie, kali, natri clorua)và các vấn đề về lưu lượng máu đều có thể là nguyên nhân gây chuột rút khi ngủ.
Giữ ấm chân khi ngủ giúp hạn chế chuột rút khi ngủ - Ảnh: Freepik
Cách chữa chuột rút khi ngủ tại nhà
Khi gặp phải tình trạng chuột rút khi ngủ khiến nhiều người khó chịu, mong muốn thoát khỏi cơn chuột rút ngay khi nó ập tới. Thật không may, trong những khoảnh khắc như vậy, không có mũi tiêm thần kỳ nào có thể làm giảm cơn đau ngay lập tức. Tuy nhiên có một vài cách có thể giúp giảm nhanh sự khó chịu của chuột rút gây ra:
Giữ ấm chân và cơ thể
Chườm ngay một miếng vải nóng hoặc chườm lạnh vào vùng chuột rút
Duỗi thẳng chân rồi uốn cong, kéo các ngón chân về phía ống chân để kéo căng cơ. Kéo dãn phần cơ bị chuột rút và xoa nhẹ.
Khi bị chuột rút ở đùi, hãy thử kéo bàn chân ở chân đó lên về phía mông. Bám vào ghế để đứng vững.
Massage: dùng tay hoặc con lăn để massage các cơ.
Nâng cao: chống chân lên sau khi cơn chuột rút bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn.
Vận động nhẹ nhàng đúng cách như là:
Đứng: đứng dậy. Nhấn bàn chân của bạn xuống sàn.
Đi bộ: ngọ nguậy chân trong khi bị thức giấc, hoặc đi bộ nhẹ nhàng.
Dùng thuốc giảm đau: dùng paracetamol hoặc ibuprofen để giảm đau tại nhà.
Cách phòng ngừa chuột rút khi ngủ
Tình trạng chuột rút khi ngủ xảy ra một cách đột ngột và không biết trước. Việc phòng tránh tốt giúp hạn chế tình trạng chuột rút xảy ra. Các biện pháp có thể tham khảo như là:
Không nên tập luyện quá muộn vào buổi tối sẽ dễ gây chuột rút vào ban đêm khi đi ngủ.
Chuẩn bị không gian giường ngủ: đặt một miếng đệm sưởi và con lăn massage bên cạnh giường để có thể sử dụng khi bị chuột rút vào ban đêm.
Sử dụng một chiếc gối để hướng các ngón chân lên trên khi ngủ.
Nhẹ nhàng căng cơ chân trước khi đi ngủ.
Hạn chế các chất kích thích như rượu bia thuốc lá cafe vì có thể làm tăng nguy cơ chuột rút khi ngủ.
Mang tất nếu thời tiết lạnh khi đi ngủ.
Giữ chăn ga xung quanh không quá chặt trong lúc ngủ.
Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ đặc biệt là nước, các chất khoáng cần thiết cho cơ thể.
Tập luyện vừa sức.
Kiểm soát nguyên nhân gây chuột rút khi ngủ có thể cải thiện các triệu chứng và giảm bớt co thắt. Nếu tình trạng chuột rút trở nên thường xuyên và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày. Hãy gặp bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời. chuột rút khi ngủ có thể gây ra bởi những nguyên nhân đơn giản nhưng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm, vì vậy, các bạn không nên chủ quan khi bị chuột rút khi ngủ.