- Xuất bản: 03/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 17/03/2024
Chuột rút hay xảy ra ở những người thường xuyên vận động - Ảnh: BookingCare
Chuột rút là dấu hiệu thường gặp, bất kì ai cũng có thể gặp chuột rút. Thông thường chuột rút không phải điều đáng lo ngại, tuy nhiên trong một số trường hợp, chuột giúp có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nào đó.
Chuột rút là sự co rút đột ngột của các cơ gây cảm giác đau tê, khó vận động, Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ cơ nào tuy nhiên các cơ ở vị trí chân và tay hay gặp hơn. Tìm hiểu chuột rút là dấu hiệu của bệnh gì, chuột rút có nguy hiểm không, nguyên nhân cách phòng ngừa ngay trong bài viết dưới đây.
Chuột rút là gì
Chuột rút là sự co rút đột ngột, ngắn, tự động, và gây đau của một cơ hoặc một nhóm cơ một cách vô tình và không kiểm soát. Co thắt cơ là bình thường và khá phổ biến. Tình trạng này có thể liên quan đến một hoặc toàn bộ cơ hoặc một số cơ trong một nhóm. Chuột rút cơ xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, khi đi bộ, ngồi, tập thể dục hoặc ngủ. Một số người dễ bị chuột rút cơ khi gắng sức,sau khi tập thể dục hoặc vào ban đêm.
Những người có nhiều khả năng bị chuột rút cơ bao gồm:
Vận động viên.
Trẻ sơ sinh.
Người mang thai.
Người trên 65 tuổi.
Người bị béo phì.
Chuột rút có nguy hiểm không?
Trong hầu hết các trường hợp, co thắt cơ không phải là điều đáng lo ngại. Chuột rút xảy ra sau đó tự hết sau vài phút. Nhưng trong một số trường hợp, chuột rút có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của một vấn đề sức khỏe.
Nếu chuột rút cơ thường xuyên, cùng với các triệu chứng khác như đau, yếu cơ hoặc phối hợp kém, gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hằng ngày hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa uy tín để được tư vấn chẩn đoán và điều trị.
Nguyên nhân gây chuột rút
Các chuyên gia không chắc chắn chính xác lý do tại sao một số người bị co thắt cơ nhiều hơn những người khác. Một số nguyên nhân gây ra chuột rút được liệt kê như:
Mỏi cơ bắp: sử dụng cơ liên tục khiến cơ bị mỏi, sự đàn hồi của cơ giảm. Đây là nguyên nhân phổ biến gây ra chuột rút ở bắp chân.
Tập thể dục ở nhiệt độ cao: khi tập luyện dưới nhiệt cao gây mất mồ hôi nhiều kèm theo đó là mất cân bằng điện giải dẫn đến rối loạn điện giải gây chuột rút.
Vùng cơ bắp bị bó quá chặt: hạn chế sự vận động của các cơ một cách đột ngột, máu lưu thông kém cũng là nguyên nhân hay gặp gây chuột rút. Điều này thường gặp ở những người leo núi hay chạy bộ, khi mặc quần áo quá chật khiến cho dễ bị chuột rút.
Mất nước: mất nước nhiều dẫn đến rối loạn muối nước dễ gây chuột rút.
Mất cân bằng điện giải (có quá nhiều hoặc quá ít muối và khoáng chất như kali, magie và canxi trong cơ thể): không đủ khoáng chất. Quá ít kali, canxi hoặc magie trong chế độ ăn có thể gây chuột rút ở chân. Đây đều là các chất khoáng cần thiết cho cơ hoạt động.
Phụ nữ mang thai: chuột rút cơ ở phụ nữ khi mang thai rất phổ biến, chiếm khoảng 50%; đặc biệt là trong 3 tháng cuối và thường xảy ra về đêm. Nguyên nhân chính xác chưa rõ ràng. Đó có thể là sự thay đổi chức năng thần kinh cơ, tăng cân quá mức, chèn ép dây thần kinh ngoại vi, không đủ máu đến cơ và tăng hoạt động của các cơ ở chi dưới gây phù, chuột rút. Ngoài ra có thể do nhu cầu nhận khoáng chất của thai nhi cao hơn so với nhu cầu cơ ở bắp chân của người mẹ, dẫn đến việc thiếu hụt canxi và magiê.
Lão hoá cơ do tuổi tác: tuổi cao, các cơ quan lão hoá trong đó có các cơ, yếu và giảm khả năng đàn hồi, vì thế dễ dẫn đến tình trạng chuột rút hơn. Người già mất khối lượng cơ bắp. Khi đó các cơ không thể hoạt động chăm chỉ và có thể dễ bị căng thẳng hơn.
Các bệnh lý thần kinh cơ: áp lực lên các dây thần kinh ở cột sống cũng có thể gây đau quặn ở chân. Cơn đau thường trở nên tồi tệ hơn khi đi bộ.
Bệnh động mạch chi dưới: lưu lượng máu không đủ. Việc thu hẹp các động mạch đưa máu đến chân có thể gây đau quặn ở chân và bàn chân khi tập thể dục. Những cơn chuột rút này thường biến mất ngay sau khi ngừng tập luyện.
Một số bệnh lý như đái tháo đường, tăng huyết áp, thiếu máu, xơ gan, suy thận… cũng có thể gây ra tình trạng chuột rút.
Cách khắc phục tình trạng chuột rút
Chuột rút có thể tấn công bất cứ lúc nào. Bởi vì chúng ta không biết khi nào mình bị chuột rút nên có thể khó ngăn chặn. Một vài cách phòng ngừa chuột rút trên người khoẻ mạnh có thể làm giúp giảm khả năng chuột rút xảy ra, như là:
Cách đơn giản nhất để ngăn ngừa chuột rút là tránh hoặc hạn chế các bài tập làm căng cơ và gây chuột rút.
Khởi động trước khi tham gia thể thao và tập luyện. Việc không khởi động có thể dẫn đến căng cơ và chấn thương.
Không tập thể dục ngay sau khi ăn.
Giảm lượng thức ăn và đồ uống có chứa caffeine, chẳng hạn như cà phê và sô cô la.
Hãy chắc chắn rằng đã uống đủ nước để tránh mất nước do mồ hôi khi luyện tập.
Mang giày vừa vặn.
Giữ cân nặng phù hợp với sức khỏe.
Tránh dùng các loại thuốc có thể gây co thắt cơ do tác dụng phụ.
Để ngăn ngừa chuột rút ở chân, hãy sử dụng gối để giữ ngón chân hướng lên trên khi ngủ.
Tư thế ngủ nên là duỗi và để các cơ thư giãn tối đa
Hạn chế ngồi lâu, đứng lâu hoặc giữ cơ thể ở một tư thế quá lâu.
Bổ sung các khoáng chất và điện giải, một số thực phẩm giúp tăng kali như chuối, trứng…
Chuột rút là tình trạng phổ biến mà bất kỳ ai cũng có thể gặp. Nếu chuột rút xảy ra trên những người khoẻ mạnh hãy tham khảo các cách khắc phục trên để giúp giảm cảm giác khó chịu. Tuy nhiên khi tình trạng chuột rút thường xuyên hơn, gây nhiều ảnh hưởng hoặc có các dấu hiệu triệu chứng khác nữa, nên đến cơ sở y tế để được các bác sĩ có chuyên môn thăm khám và tìm nguyên nhân gây ra.