- Xuất bản: 25/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 07/03/2024
Phù chân là dấu hiệu của nhiều bệnh lý - Ảnh: BookingCare
Phù là tình trạng sưng nề các mô mềm dưới da do thoát dịch vào khoảng kẽ. Dịch chủ yếu là nước, nhưng cũng có thể có sự tích tụ protein và chất lỏng giàu protein nếu có nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn bạch huyết. Phù chân có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm vì vậy người bệnh không nên chủ quan, tránh biến chứng nguy hiểm.
Phù chân là hiện tượng tích nước gây sưng nề ở một hoặc cả hai chân. Vị trí dễ nhận biết chân bị phù ở trên nền xương như mặt trước xương chày, mu bàn chân, hoặc ở mắt cá chân. Phù chân có thể là sinh lý bình thường và tự hết nhưng cũng có thể là dấu hiệu bệnh lý. Giải đáp tất tần tật về triệu chứng phù chân trong bài viết dưới đây.
Nhận biết phù chân
Phù chân có thể dễ dàng nhận biết bởi chính người bệnh, các dấu hiệu như là:
Cảm thấy nặng chân, đi dép hoặc giày chật hơn bình thường.
Vùng bị phù sưng to, da căng bóng, mất các nếp nhăn, mắt cá, đầu xương phẳng
Da vùng phù nhạt màu, ấn lõm.
Cân nặng có thể tăng nếu phù nhiều và kèm phù toàn thân.
Bên cạnh triệu chứng phù dễ nhận thấy, người bệnh có thể kèm theo các triệu chứng như phù mắt, phù mặt, tiểu ít, gan to, cổ trướng, khó thở.
Phù chân là dấu hiệu của bệnh gì?
Phù chân trong một số trường hợp là phù do tích nước như ngồi lâu phụ nữ có thai, phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt, do dùng thuốc… có thể là tạm thời và tự hết. Nhưng điều đáng lo ngại hơn là phù chân có thể cảnh báo những bệnh lý trầm trọng, bao gồm:
Xơ gan: phù trong xơ gan không chỉ biểu hiện mỗi ở chân, mà thường là biểu hiện phù toàn thân. Cơ chế chính là do tăng áp lực tĩnh mạch cửa và giảm áp lực keo.
Bệnh thận: phù đặc trưng trong bệnh thận là phù trắng mềm, ấn lõm. Thường giai đoạn sớm xuất hiện phù mặt, nặng mí mắt, sau đó phù chân và phù toàn thân. Các bệnh lý tại thận có thể gây phù như là hội chứng thận hư, viêm cầu thận, bệnh thận mạn …
Suy tim: Khi bị suy tim phải, máu ở hệ thống tĩnh mạch trước tim không được lưu thông tốt nên bị ứ trệ lại. Khi máu ứ lại ở ngoại vi gây phù chân, ban đầu có thể phù 2 chi dưới, sau đó có thể diễn tiến từ từ đến phù toàn thân, đứng lâu có thể khiến sưng phù chân nhiều hơn, tăng khi về chiều, giảm khi nằm nghỉ.
Tắc nghẽn bạch huyết: hệ bạch huyết giúp cơ thể làm sạch chất lỏng dư thừa từ các mô. Nếu hệ thống này bị hư hỏng hoặc vì một căn bệnh nào đó như ung thư, nhiễm trùng hệ bạch huyết bị loại bỏ… thì chúng sẽ không hoạt động chính xác hoặc giảm hoạt động, dẫn đến hiện tượng phù nề.
Viêm tắc tĩnh mạch: khi có cục máu đông ngăn chặn, cản trở máu lưu thông tại một vùng nào đó, khiến tăng áp lực thuỷ tĩnh trong mạch máu, gây phù, sưng đau tại vùng có viêm tắc tĩnh mạch.
Giãn tĩnh mạch chi dưới: đây là bệnh hay gặp ở phụ nữ, thường xuyên sử dụng giày cao gót và đứng nhiều. Bệnh gây phù chi dưới, mỏi nhức đau nặng chân và gây mất thẩm mỹ.
Tiền sản giật: đây là một bệnh nguy hiểm đối với phụ nữ có thai, có thể dẫn đến sản giật và tử vong.
Một số nguyên nhân ít trầm trọng hơn cũng có thể gây phù như là chân bị phù do, ngồi lâu,, phù do chấn thương va đập vùng chân.
Khi nào phù chân cần đến gặp bác sĩ
Ngay khi phù chân cùng các biểu hiện cho thấy tình trạng nguy hiểm dưới đây người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời:
Đau ngực
Khó thở
Khó thở khi gắng sức hoặc nằm thẳng trên giường
Ngất xỉu hoặc chóng mặt
Ho ra máu
Ngoài ra, hãy tìm kiếm sự chăm sóc ngay lập tức nếu chân phù:
Xảy ra đột ngột và không có lý do rõ ràng
Có liên quan đến chấn thương thể chất, chẳng hạn như do ngã, chấn thương khi chơi thể thao hoặc tai nạn xe hơi.
Xảy ra ở một chân và gây đau, hoặc kèm theo da nhợt nhạt, hoa mắt chóng mặt.
Trong các trường hợp phù do ngồi lâu, phù do đến kỳ kinh… có thể tự hết mà không cần điều trị gì, tuy nhiên khi không chắn về nguyên nhân khiến chân bị phù, các chuyên gia khuyên rằng nên đến gặp bác sĩ để được trợ giúp.
Biện pháp giúp giảm phù chân an toàn
Trong khi chờ đợi sự giúp đỡ từ hệ thống y tế, một số cách có thể giúp hạn chế tiến triển của phù chân mà người bệnh có thể thực hiện tại nhà:
Hạn chế lượng muối trong chế độ ăn uống của bạn, uống đủ nước.
Đặt một chiếc gối dưới chân khi nằm, điều này có thể làm giảm sưng do tích tụ chất lỏng.
Mang tất nén co giãn, nhưng tránh những chiếc tất bó sát phần trên, nếu nhìn thấy vết lõm từ dây thun thì có thể chúng quá chật.
Nếu cần đứng hoặc ngồi trong thời gian dài, hãy cho bản thân nghỉ ngơi thường xuyên và di chuyển xung quanh.
Massage chân bị phù.
Phù chân có thể tự hết nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh. Chúng ta nên chủ động có những biện pháp thay đổi lối sống để tránh phù chân. Ngay khi không chắc chắn về nguyên nhân khiến chân bị phù hãy liên lạc với bác sĩ để được hỗ trợ và điều trị kịp thời.