Viêm cầu thận là một bệnh lý tiết niệu gây tổn thương cho cầu thận, làm ảnh hưởng đến khả năng lọc máu, chất thải và nước tiểu của cơ thể. Bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là ở nhóm đối tượng có bệnh sử hoặc gia đình có bệnh sử về thận. Viêm cầu thận cấp nếu không được điều trị kịp thời có thể phát triển thành viêm cầu thận mạn và dẫn đến suy thận
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm cầu thận
Do nhiễm trùng
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra viêm cầu thận. Cụ thể, các nguyên nhân này bao gồm:
- Do liên cầu khuẩn: Liên cầu khuẩn không trực tiếp gây viêm cầu thận, tuy nhiên, bệnh có thể phát triển sau một đến hai tuần sau khi hồi phục các bệnh liên quan đến liên cầu khuẩn như: viêm họng, nhiễm trùng da. Trẻ em có nhiều khả năng phát triển bệnh viêm cầu thận sau liên cầu hơn người lớn nhưng cũng có khả năng hồi phục nhanh hơn
- Do vi khuẩn: Vi khuẩn gây viêm ở lớp niêm mạc trong của buồng tim và van tim, dẫn đến các phản ứng hệ miễn dịch cơ thể tấn công vào các tế bào vs mô ở thận
- Do virus: Virus viêm gan B hoặc viêm gan C có thể gây nhiễm trùng ngược từ gan đến thận. Ngoài ra, người bệnh nhiễm HIV cũng có khả năng tiến triển viêm cầu thận
Do bệnh lý miễn dịch
Một số trường hợp bệnh miễn dịch, tức là hệ thống miễn dịch bị rối loạn, tấn công vào các mô khỏe mạnh, cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm cầu thận. Những bệnh này bao gồm:
- Lupus ban đỏ: Đây là bệnh lý viêm nhiễm mạn tính và ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trên cơ thể như da, khớp, tim, phổi,... và cả thận
- Hội chứng Goodpasture: Hội chứng hiếm gặp này khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo ra kháng thể trong các mô ở phổi và thận. Những tổn thương tại thận sẽ khiến các bệnh liên quan đến thận tiến triển nhanh và rất khó điều trị
- Bệnh thận IgA: Globulin miễn dịch A (IgA) là một kháng thể ở tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại các tác nhân lây nhiễm của cơ thể. Bệnh thận IgA xảy ra khi kháng thể IgA sản sinh ra quá nhiều và tích tụ trong cầu thận, dẫn đến tình trạng viêm và tổn thương ở thận
Do tình trạng viêm mạch máu
Tình trạng mạch máu bị viêm nhiễm cũng dẫn đến viêm cầu thận:
- Viêm đa động mạch. Dạng viêm mạch này ảnh hưởng đến các mạch máu vừa và nhỏ ở nhiều bộ phận trên cơ thể, bao gồm thận, da, cơ, khớp và đường tiêu hóa
- U hạt Wegner: Một loại bệnh u hạt tác động đến các mạch máu vừa và nhỏ trong phổi, đường hô hấp trên và thận
Do xơ cứng ở thận
Sự xơ cứng do sẹo cầu thận gây ra sẽ dẫn đến chức năng thận bị suy giảm. Một số bệnh lý gây ra tình trạng này có thể kể đến như:
- Bệnh huyết áp cao: Tình trạng áp lực máu cao kéo dài và không được kiểm soát tốt có thể gây ra sẹo và viêm cầu thận. Không chỉ thế, viêm cầu thận còn ức chế vai trò của thận trong việc điều hòa huyết áp
- Đường huyết cao: Lượng đường trong máu cao góp phần tạo ra sẹo ở cầu thận và làm tăng tốc độ lưu lượng máu qua các đơn vị thận
- Xơ cứng cầu thận từng đoạn khu trú: Tình trạng này gây ra các vết sẹo nằm rải rác ở một số cầu thận
Ngoài ra, các yếu tố về di truyền hoặc một số bệnh lý khác như: hội chứng Alport, ung thư dạ dày, ung thư phổi và bệnh bạch cầu lymphocytic mạn tính cũng làm tăng khả năng phát triển bệnh viêm cầu thận.
Triệu chứng biểu hiện bệnh viêm cầu thận
Các triệu chứng của viêm cầu thận có thể khác nhau tùy thuộc vào tình trạng cấp tính hay mạn tính. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến liên quan đến viêm cầu thận:
- Tiểu ra máu, khiến nước tiểu có màu hồng hoặc màu giống cola
- Lượng protein dư thừa trong nước tiểu, dẫn đến nước tiểu có bọt
- Tăng huyết áp
- Giữ nước gây sưng ở mặt, tay, chân và bụng
- Đi tiểu ít hơn bình thường
- Chuột rút cơ bắp
- Cơ thể mệt mỏi, cảm giác buồn nôn
Cần lưu ý rằng một số người mắc viêm cầu thận mạn tính có thể không gặp bất cứ triệu chứng nào chỉ đến khi xét nghiệm nước tiểu mới phát hiện ra một số dấu hiệu bất thường.
Phương pháp chẩn đoán
Việc chẩn đoán viêm cầu thận là rất quan trọng để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Các bác sĩ sẽ thường sử dụng các phương pháp sau để chẩn đoán tình trạng của thận:
- Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu có thể cho thấy các tế bào hồng cầu và một lượng máu rất nhỏ có trong nước tiểu của bệnh nhân. Kết quả phân tích nước tiểu cũng giúp tìm ra các tế bào bạch cầu - dấu hiệu phổ biến của nhiễm trùng hoặc viêm và tăng protein. Tổn thương nephron (đơn vị chức năng của thận) cũng sẽ được phát hiện thông qua chỉ số này
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể giúp bác sĩ biết rõ về mức độ tổn thương thận và sự suy yếu của cầu thận. Kết quả xét nghiệm dựa trên nồng độ của những chất thải, chẳng hạn như biểu hiện thiếu máu, có thể có tăng nitơ urê máu và creatinin
- Chẩn đoán hình ảnh: Nếu bác sĩ phát hiện bằng chứng cho thấy thận đã bị tổn thương, bệnh nhân có thể được đề nghị làm chẩn đoán hình ảnh. Các xét nghiệm viêm cầu thận chẳng hạn như chụp X-quang, siêu âm hoặc chụp CT, cho phép bác sĩ quan sát rõ hơn thận của bệnh nhân
- Sinh thiết thận: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết thận để lấy mẫu mô thận để kiểm tra và xác định chính xác tình trạng viêm cầu thận
Phương pháp điều trị bệnh
Để xây dựng phác đồ điều trị viêm cầu thận cần phụ thuộc vào:
- Viêm thuộc dạng cấp tính hay mãn tính
- Nguyên nhân gây ra bệnh là gì
- Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng
Dựa trên các yếu tố trên và kết quả chẩn đoán tình trạng bệnh của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị kết hợp một hoặc nhiều các phương pháp sau:
- Sử dụng thuốc: Các loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển ACE, thuốc ức chế thụ thể, thuốc chẹn kênh canxi,.. thường được sử dụng để hạ huyết áp, thuốc corticoid để giảm viêm, cải thiện triệu chứng hoặc kết hợp điều trị các bệnh liên quan
- Chế độ sinh hoạt: Để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh cần thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống và sinh hoạt. Các biện pháp này bao gồm chế độ ăn uống kết hợp với chế độ tập luyện, trong đó, việc hạn chế lượng muối ăn, cắt giảm đạm để giảm áp lực phải lọc nhiều lên của thận, duy trì thói quen tập thể dục là các biện pháp được ưu tiên hơn cả
- Lọc máu hoặc ghép thận: Trường hợp người bệnh phát triển các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là suy thận cấp cần tiến hành ghép thận hoặc nếu không đủ khả năng cấy ghép, cần lọc máu nhân tạo suốt đời
Viêm cầu thận là một căn bệnh cần được chú ý và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nghiêm trọng. Việc hiểu rõ về triệu chứng, nguyên nhân, cũng như phương pháp chẩn đoán và điều trị sẽ giúp người bệnh và gia đình nắm bắt thông tin để có phương án điều trị hiệu quả.