Viêm mũi dị ứng chỉ chữa khỏi hoàn toàn khi người bệnh không còn tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng, điều này rất khó thực hiện vì các tác nhân đó phổ biến xung quanh chúng ta. Do đó chỉ có thể điều trị làm giảm các triệu chứng dị ứng mũi khi bệnh khởi phát. Phòng ngừa bệnh viêm mũi dị ứng bằng cách xịt rửa mũi mỗi ngày và tránh tiếp xúc các yếu tố gây dị ứng.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” là phương châm sống lành mạnh và điều đó đặc biệt đúng đối với bệnh viêm mũi dị ứng. Vì viêm mũi dị ứng là bệnh mạn tính có thể xảy ra vào một mùa nhất định trong năm hoặc xảy ra quanh năm. Bệnh không thể chữa dứt điểm hoàn toàn mà chỉ có thể phòng ngừa để tránh những đợt bệnh bùng phát.
Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng
Vậy tại sao cùng tiếp xúc với các chất gây dị ứng nhưng có người bị dị ứng còn người khác lại không? Phải chăng trong cơ thể người bị dị ứng có những “tế bào” khác với người bình thường?
Đối với đa số chúng ta, khi hít phải một số chất như: bụi phấn, khói, lông thú, bụi… thì cơ thể sẽ phản ứng nhẹ nhàng bằng phản xạ hắt xì để đẩy các tác nhân đó ra khỏi đường hô hấp. Trong trường hợp này chúng hoàn toàn vô hại. Nhưng đối với người bị dị ứng, cơ thể sẽ nhận diện tác nhân dị ứng như là “kẻ xâm nhập có hại” và cơ thể sẽ lập tức sản sinh ra các kháng thể nhằm tiêu diệt các chất xâm nhập. Từ đó gây ra phản ứng dị ứng với các biểu hiện như: nghẹt mũi, hắt hơi, xung huyết, ngứa và chảy nước mũi… làm cho người bệnh cực kỳ khó chịu.
Viêm mũi dị ứng là một bệnh tự phát do cơ thể quá nhạy cảm với một yếu tố gây dị ứng nào đó. Người bị viêm mũi dị ứng được điều trị nhằm giảm bớt các triệu chứng và áp dụng những biện pháp dự phòng nằm hạn chế bệnh tái phát.
Các biện pháp phòng ngừa viêm mũi dị ứng hiệu quả
Muốn phòng bệnh viêm mũi dị ứng có hiệu quả, tốt nhất bạn nên:
Tránh các tác nhân gây bệnh
Tùy thuộc vào chất gây dị ứng là gì mà người bệnh cần phải có ý thức bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh:
- Nếu bị dị ứng theo mùa hoặc phấn hoa, người bệnh nên tránh xa những nơi có nhiều cây cối, hạn chế ra ngoài lúc trời có gió nhiều.
- Hạn chế tối đa việc nuôi chó, mèo trong nhà hoặc cho chúng ngủ trên giường nếu bạn dị ứng với lông của động vật, vật nuôi…
- Nếu bạn dị ứng với bụi và mạt nhà thì nên giữ cho môi trường sống xung quanh thông thoáng nhất, hạn chế giữ lại những đồ dùng cũ có khả năng tích bụi cao…
Giữ ấm cơ thể
Vào thời điểm giao mùa, lúc thời tiết thay đổi thất thường hoặc áp thấp nhiệt đới, bão lụt,... những người có cơ địa dị ứng cần phải giữ ấm cho cơ thể: mặc đủ ấm, quàng khăn giữ ấm cổ, tắm nước nóng và hạn chế ra ngoài nhiều.
Thận trọng trong ăn uống
Về ăn uống, cần tránh các thức ăn có thể gây dị ứng như: nhộng, đậu phộng, cá ngừ, tôm, cua ghẹ... Những loại thức ăn này có thể làm cho tình trạng người đang bị viêm mũi dị ứng nặng nề hơn.
Đảm bảo môi trường sống thông thoáng
Nơi ở phải thông thoáng, tránh môi trường ẩm ướt, nhiều nấm mốc. Sử dụng máy hút ẩm và vệ sinh nhà cửa, phòng ngủ sạch sẽ thường xuyên.
Tăng cường sức đề kháng
Cần rèn luyện thân thể bằng việc tập thể dục thể thao vừa sức, đều đặn mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng, gia tăng khả năng bảo vệ cơ thể.
Xịt rửa mũi hàng ngày
Vệ sinh mũi và vùng hầu họng bằng nước muối sinh lý 2 lần mỗi ngày và buổi sáng và buổi tối để làm sạch bụi bẩn bên trong mũi đồng thời giúp ngăn ngừa các bệnh lý về đường hô hấp.
Bệnh viêm mũi dị ứng không quá nghiêm trọng nhưng nếu đã áp dụng đầy đủ các biện pháp dự phòng mà các triệu chứng vẫn xuất hiện và diễn ra lâu dài, lặp lại liên tục, ảnh hưởng đến sức khỏe thì bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị sớm. Vì việc bệnh kéo dài gây ra những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.