Có được tự nặn mủ áp xe không? Cách trị áp xe như thế nào?
Có được tự nặn mủ áp xe không? Cách trị áp xe như thế nào?
Có được tự nặn mủ áp xe không? Cách trị áp xe như thế nào? - Ảnh: BookingCare

Có được tự nặn mủ áp xe không? Cách trị áp xe như thế nào?

Tác giả: - Xuất bản: 08/04/2024 - Cập nhật lần cuối: 08/04/2024
Ổ áp xe chứa mủ gây đau đớn và khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt. Vậy có được tự nặn mủ áp xe không? Áp xe được điều trị như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.

Áp xe là tình trạng rất hay gặp. Một số người thậm chí bị áp xe rất nhiều lần và ở các vị trí khác nhau trên cơ thể.

Loại bỏ dịch mủ ra khỏi ổ áp xe là một phương pháp để điều trị áp xe. Tuy nhiên, không phải trường hợp áp xe nào cũng cần sử dụng phương pháp này và việc dẫn lưu mủ cũng cần được thực hiện bởi các bác sĩ, điều dưỡng có chuyên môn.

Người bệnh tuyệt đối không được tự ý nặn hay làm vỡ ổ áp xe tại nhà vì sẽ khiến vi khuẩn lây lan sang các vùng da khác. Ngoài ra việc này cũng có thể làm ổ áp xe dễ bị bội nhiễm vi trùng khác, khiến tình trạng áp xe phát triển nghiêm trọng hơn.

Vậy phải điều trị áp xe bằng cách nào?

Điều trị áp xe như thế nào?

Chẩn đoán áp xe

Để điều trị áp xe, trước tiên bác sĩ sẽ cần thăm khám để đưa ra chẩn đoán về loại áp xe, nguyên nhân và tình trạng áp xe.

Với những ổ áp xe có thể nhìn thấy bằng mắt thường (áp xe dưới da, áp xe trong miệng,...), bác sĩ sẽ quan sát ổ áp xe và khai thác các thông tin từ bệnh nhân như: các triệu chứng áp xe, thời gian phát hiện các dấu hiệu áp xe,...

Ngoài ra, tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể cần lấy mẫu dịch mủ từ ổ áp xe để làm xét nghiệm và xác định loại vi khuẩn gây ra áp xe, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất với từng ca bệnh.

Những ổ áp xe ở sâu bên trong cơ thể như trong các cơ quan nội tạng sẽ khó chẩn đoán hơn do không thể quan sát bằng mắt thường. Lúc này, người bệnh có thể được yêu cầu làm một số xét nghiệm hình ảnh bao gồm:

  • Siêu âm
  • Chụp CT (Chụp cắt lớp vi tính)
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Cách điều trị áp xe

Tùy vào vị trí áp xe, kích thước và tình trạng ổ áp xe mà người bệnh có thể được điều trị bằng các cách khác nhau.

Các ổ áp xe nhỏ và nông - ngay gần bề mặt da có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Người bệnh có thể chườm ấm lên vùng da bị áp xe để làm giảm triệu chứng đau và thúc đẩy mủ ở ổ áp xe chảy ra một cách tự nhiên.

Bác sĩ cũng có thể kê thuốc kháng sinh đường bôi hoặc đường uống để người bệnh sử dụng tại nhà trong một số trường hợp.

Trường hợp các ổ áp xe dưới da lớn, bác sĩ sẽ sát trùng sạch sẽ quanh vùng ổ áp xe sau đó rạch một vết nhỏ trên ổ áp xe để dịch mủ chảy ra ngoài. Vết rạch có thể được để hở hoặc băng lại bằng băng gạc tùy vào kích thước ổ áp xe. Vết rạch này sẽ tự lành sau một thời gian và có thể để lại sẹo.

Với áp xe bên trong cơ thể như áp xe phổi, áp xe gan,... bệnh nhân sẽ cần đặt ống dẫn lưu ổ áp xe để loại bỏ dịch mủ ra khỏi cơ thể. Tùy thuộc vào vị trí ổ áp xe, bệnh nhân có thể được gây tê cục bộ hoặc gây mê toàn thân.

Bác sĩ sẽ mở một lỗ trên da của bệnh nhân sau đó đưa ống dẫn lưu vào đúng vị trí ổ áp xe đã xác định qua hướng dẫn của siêu âm. Ống dẫn lưu sẽ được khâu cố định vào da bằng chỉ chờ để thắt lại sau khi rút ống. Dịch mủ sẽ được hút ra ngoài bằng máy hút áp lực âm hoặc để dịch chảy tự nhiên.

Ống dẫn lưu sẽ được rút ra khi lượng dịch hút ra < 50ml/24giờ và dịch dẫn lưu trong. Toàn bộ quy trình này cần được thực hiện trong điều kiện vô khuẩn để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân khỏi nhiễm trùng.

Với các ổ áp xe răng, tùy theo mức độ nghiêm trọng của áp xe, bệnh nhân có thể chỉ cần uống thuốc kháng sinh hoặc phải tiến hành lấy tủy răng hay nhổ bỏ chiếc răng ở vị trí áp xe nếu cần thiết.

Nhìn chung, áp xe có thể tự khỏi hay cần can thiệp điều trị bằng thuốc hoặc các phương pháp khác. Nếu phát hiện các dấu hiệu của áp xe, bạn nên đến các cơ sở uy tín để được thăm khám và tư vấn hướng điều trị thích hợp, tránh để lâu dẫn đến các biến chứng không mong muốn.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết