Da khô tróc vảy: Nguyên nhân, đặc điểm và cách phòng ngừa
Da khô tróc vảy: Nguyên nhân, đặc điểm và cách phòng ngừa
Tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, đặc điểm và cách phòng ngừa tình trạng da khô tróc vảy.
Da khô tróc vảy phải làm sao? - Ảnh: BookingCare

Da khô tróc vảy: Nguyên nhân, đặc điểm và cách phòng ngừa

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 25/02/2024 | Cập nhật lần cuối: 25/02/2024
Da khô tróc vảy là tình trạng thường gặp, gây nên do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như dày sừng quang hóa, bệnh chàm, viêm da tiếp xúc,... khiến người bệnh ngứa ngáy và khó chịu.

Ngày nay, dưới tác động của môi trường sống ô nhiễm cùng chế độ sinh hoạt, chăm sóc da không khoa học, gây nên nhiều tình trạng da liễu dị thường. Điển hình trong đó phải kể đến da khô tróc vảy. Đây là triệu chứng phổ biến hiện nay, thường gặp ở những người mắc bệnh viêm da tiếp xúc, viêm da cơ địa, dày sừng ánh nắng hay vẩy nến. Số ít khác gặp ở các trường hợp bị dị ứng, suy tuyến cận giáp và hội chứng sốc nhiễm độc. 

Da khô tróc vảy là gì? 

Da khô tróc vảy là tình trạng lớp biểu bì bên ngoài bong ra thành các mảng lớn giống như vảy, thường xảy ra ở các vị trí như tay, chân, mặt hoặc các vùng có thể nhìn thấy khác. Các vảy này có thể ngứa và đỏ, gây cảm giác khó chịu cũng như làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Da tróc vảy sẽ nghiêm trọng hơn vào mùa đông, khi thời tiết lạnh và hanh khô. Đây là triệu chứng cảnh báo bệnh lý da liễu và một số bệnh nội khoa khác (suy tuyến cận giáp,...). Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm  ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh. 

Nguyên nhân da tróc vảy 

Dưới đây là một số nguyên nhân điển hình gây nên tình trạng da khô tróc vảy: 

Dày sừng ánh nắng

Dày sừng quang hoá hay còn được gọi là dày sừng ánh sáng, là một mảng hoặc vết sưng gồ ghề có vảy trên da, thường gặp ở ở những người trên 40 tuổi do tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Chúng có kích thước khá nhỏ, chừng khoảng 2cm với màu hồng đặc trưng. Ở một số trường hợp khác, màu sắc có thể là nâu, rám nắng hay xám tuỳ thuộc vào cơ địa của từng người. 

Dày sừng ánh nắng xuất hiện chủ yếu ở các vị trí như tay, cánh tay, mặt, da đầu và cổ. Đây là một dạng tiền ung thư và có thể tiến triển nhanh chóng thành ung thư da tế bào vảy nếu không được điều trị kịp thời. 

Bệnh viêm da cơ địa

Đây là bệnh lý da liễu thường gặp hiện nay, gây ngứa, đỏ và xuất hiện vảy khô ráp, khó chịu. Chàm thường xuất hiện ở bàn tay và cẳng tay, do nhiều nguyên nhân gây nên, bao gồm: 

  • Yếu tố di truyền
  • Dị ứng với các chất kích thích như hoá chất tẩy rửa, cao su, kim loại,...
  • Thay đổi thời tiết
  • Căng thẳng, stress quá mức 
  • Các yếu tố môi trường như không khí ô nhiễm, phấn hoa, côn trùng,...

Viêm da tiếp xúc

Đúng như tên gọi, viêm da tiếp xúc là tình trạng viêm do da tiếp xúc trực tiếp với chất kích thích (viêm da tiếp xúc kích ứng) hoặc dị nguyên (viêm da tiếp xúc dị ứng). Các triệu chứng điển hình của loại viêm da này gồm: 

  • Da khô, tróc vảy
  • Ngứa, phát ban
  • Đôi khi da bị phồng rộp hoặc loét 

Bệnh vẩy nến

Vẩy nến là bệnh lý mãn tính, xảy ra khi hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức. Bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tế bào da, khiến chúng tăng sinh nhanh hơn bình thường,hình thành các mảng vảy bạc gây ngứa và đau. Không chỉ vậy, bệnh vảy nến còn ảnh hưởng đến các cơ quan khác, đặc biệt là khớp. 

Suy tuyến cận giáp

Đây là tình trạng hiếm gặp, xảy ra khi tuyến cận giáp ở cổ không sản xuất đủ hoocmon, dẫn đến mất cân bằng canxi và photpho trong cơ thể. Các triệu chứng của suy tuyến cận giáp bao gồm:

  • Đau cơ hoặc chuột rút 
  • Nóng rát hoặc tê đầu ngón tay, ngón chân
  • Co thắt cơ 
  • Ở một số trường hợp bệnh khác còn có thể bị da khô, thô ráp và tróc vảy. 

Dị ứng 

Phát ban xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng với các chất gây dị ứng trên da. Phát ban đỏ, ngứa, có vảy, thường xuất hiện sau vài giờ hoặc vài ngày (kể từ thời điểm tiếp xúc với chất gây dị ứng). 

Hội chứng sốc nhiễm độc

Hội chứng sốc nhiễm độc cũng là một trong những nguyên nhân khiến da khô bong tróc. Hội chứng này ít được quan tâm hơn nhưng biến chứng để lại là vô cùng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Các triệu chứng sốc nhiễm độc điển hình gồm: 

  • Sốt đột ngột
  • Hạ huyết áp 
  • Tiêu chảy 
  • Đau cơ
  • Nôn, buồn nôn
  • Phát ban, da khô tróc vảy
  • Co giật 
  • Đau họng và khó nuốt

Khi nào nên thăm khám với bác sĩ chuyên khoa?

Da khô tróc vảy là một trong những tình trạng da liễu thường gặp hiện nay. Tình trạng này hiếm khi là triệu chứng của trường hợp cấp cứu y tế liên quan đến các bệnh lý nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu của dị ứng và nguy cơ mất mạng nấu không được phát hiện và điều trị kịp thời. 

Trường hợp da tróc vảy đi kèm những triệu chứng sau, hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức: 

  • Phản ứng dị ứng nghiêm trọng (nổi mề đay khắp người, ngứa, khó thở, sưng tấy).
  • Sốt cao đột ngột.
  • Nôn hoặc buồn nôn. 
  • Phồng rộp da như bỏng.

Cách phòng ngừa tình trạng da khô tróc vảy

Chúng ta có thể phòng ngừa tình trạng da khô tróc vảy bằng một số cách sau: 

  • Uống đủ nước (trung bình 40ml/kg cân nặng/ngày)
  • Không sử dụng nước quá nóng 
  • Tránh tiếp xúc các chất gây dị ứng
  • Chăm sóc da cẩn thận bằng những sản phẩm lành tính, an toàn 
  • Dinh dưỡng lành mạnh, cân đối. Tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất 
  • Giữ môi trường sống luôn sạch sẽ, thoáng mát. 

Trên đây là chi tiết về nguyên nhân và đặc điểm của tình trạng da khô tróc vảy mà bạn nên tham khảo. Hy vọng với thông tin này sẽ giúp bạn hiểu đúng và sâu hơn về tình trạng da liễu thường gặp này, qua đó biết cách chăm sóc và phòng ngừa nếu không may mắc phải. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết