Suy tủy xương là một bệnh về máu nguy hiểm. Nếu phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm có thể tăng tỷ lệ sống trên 5 năm sau điều trị. Một số trường hợp có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Vậy các dấu hiệu sớm của suy tủy xương là gì?
Dấu hiệu nhận biết bệnh suy tủy xương
Suy tủy xương là bệnh lý của tế bào gốc tạo máu với đặc điểm là giảm các dòng máu ngoại vi do giảm sinh tế bào máu tại tủy. Do đó biểu hiện triệu chứng chính của bệnh liên quan tới tình trạng giảm các dòng máu như hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.
Dưới đây là các dấu hiệu bệnh suy tủy xương thường gặp.
Dấu hiệu của thiếu máu
Thiếu máu triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân suy tủy xương. Nguyên nhân là do sự giảm sinh dòng tế bào tiền hồng cầu tại tủy xương. Tùy thuộc vào mức độ thiếu máu nặng, trung bình hay nhẹ mà cơ thể xuất hiện các triệu chứng khác nhau.
- Thiếu máu nặng được chẩn đoán khi xét nghiệm huyết sắc tố dưới 60 G/L. Trên lâm sàng, người bệnh thường có các triệu chứng như da xanh, niêm mạc nhợt, mạch nhanh, huyết áp tụt, đau đầu, chóng mặt. Trường hợp nặng có thể xuất hiện các triệu chứng của suy đa tạng dẫn tới tử vong.
- Thiếu máu mức độ trung bình có xét nghiệm huyết sắc tố trong khoảng từ 60 – 90 G/l. Triệu chứng thường gặp như da xanh, niêm mạc hồng nhợt, lòng bàn tay, bàn chân nhợt, mạch nhanh, tụt huyết áp tư thế, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, chán ăn, khó thở khi gắng sức,…
- Thiếu máu mức độ nhẹ có huyết sắc tố trong công thức máu ngoại vi từ 90 – 120 g/L. Thực tế trên lâm sàng rất khó phát hiện các triệu chứng ở bệnh nhân thiếu máu nhẹ. Bệnh chủ yếu được phát hiện tình cờ khi làm xét nghiệm. Hoặc người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, tim nhịp nhanh,…
Dấu hiệu xuất huyết
Triệu chứng xuất huyết thường gặp khi bệnh nhân có tình trạng giảm tiểu cầu. Nguyên nhân là do tủy xương giảm sản xuất hoặc bất sản các tế bào gốc của dòng tiểu cầu. Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như:
- Xuất huyết dưới da dạng chấm, nốt, mảng bầm tím mà không do chấn thương.
- Xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu chân răng,…
- Nặng hơn có thể xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hoá, xuất huyết não,… Tuy nhiên tỷ lệ xuất huyết nội tạng do giảm tiểu cầu tương đối thấp.
Dấu hiệu của nhiễm trùng
Nhiễm trùng thường gặp ở bệnh nhân suy tủy xương do sự giảm dòng bạch cầu, đặc biệt là bạch cầu trung tính. Bởi bạch cầu tham gia vào quá trình miễn dịch giúp cơ thể loại bỏ các tác nhân xâm nhập. Vì vậy khi bạch cầu giảm, cơ thể dễ bị vi khuẩn, virus xâm nhập
Một số tình trạng nhiễm trùng thường gặp ở bệnh nhân suy tủy xương như sốt, viêm loét miệng, nhiễm trùng da, mô mềm, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên,… Đặc biệt, ở bệnh nhân suy tủy xương các dấu hiệu nhiễm trùng thường nặng, hay tái đi tái lại và đáp ứng kém với các điều trị thông thường.
Đối với bệnh nhân suy tủy xương thì các cơ quan như gan, lách, hạch thường không to. Đây cũng là một trong những dấu hiệu để chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý ung thư của máu khác như bệnh bạch cầu cấp dòng lympho, bệnh bạch cầu cấp dòng tủy,…
Có thể thấy các dấu hiệu của bệnh suy tủy xương rất mơ hồ, khó chẩn đoán. Bệnh thường được phát hiện tình cờ khi làm xét nghiệm hoặc khi bệnh đã ở giai đoạn nặng. Do đó, nhận biết sớm các dấu hiệu suy tủy xương giúp bạn có phương pháp dự phòng và chăm sóc sức khỏe một cách hiệu quả hơn.
Nên đi tái khám định kỳ 6 tháng/lần tại các cơ sở y tế uy tín hoặc khi bạn có các yếu tố nguy cơ dễ mắc bệnh suy tủy xương. Ngày này với sự phát triển của nền y học hiện đại có rất nhiều phương pháp điều trị suy tủy xương hiệu quả khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm.