Phác đồ điều trị bệnh suy tủy xương như thế nào?
Phác đồ điều trị bệnh suy tủy xương như thế nào?
Phương pháp điều trị suy tủy xương
Ghép tế bào gốc tạo máu điều trị suy tủy xương - Ảnh BookingCare

Phác đồ điều trị bệnh suy tủy xương như thế nào?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 17/03/2024 | Cập nhật lần cuối: 05/04/2024
Ngày nay với sự phát triển của y học hiện đại đã có rất nhiều phương pháp điều trị suy tủy xương hiệu quả. Cùng BookingCare tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết dưới đây.

Suy tủy xương là bệnh lý của các tế bào gốc tạo máu với cơ chế bệnh sinh chưa rõ ràng. Vì vậy phương pháp điều trị bệnh còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ngày nay với sự phát triển của y học đã nhiều phương pháp điều trị tân tiến được áp dụng và đạt kết quả cao. Vậy phác đồ điều trị suy tủy xương như thế nào? 

Phác đồ điều trị bệnh suy tủy xương

Phương pháp điều trị bệnh suy tủy xương bao gồm điều trị đặc hiệu và điều trị hỗ trợ. Tùy theo tình trạng bệnh cũng như điều kiện người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp.

Dưới đây là phương pháp điều trị bệnh suy tủy xương được sử dụng ở nước ta.

Ghép tế bào gốc tạo máu

Ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị đặc hiệu hiện đại bậc nhất ở nước ta. Hiệu quả đáp ứng sau điều trị lên tới 70%. Tuy nhiên, phương pháp này tương đối đắt tiền và chỉ được chỉ định trong các trường hợp như:

  • Tuổi < 55 tuổi
  • Có nguồn tế bào gốc phù hợp: Thường tế bào gốc được lựa chọn chủ yếu từ anh chị em ruột để phù hợp hệ HLA hoàn toàn hay còn gọi là kháng nguyên đồng loại. Ở trẻ em, máu cuống rốn là nguồn tế bào gốc thường dùng để ghép.
  • Người bị suy tủy xương nặng hoặc rất nặng

Tuy nhiên ghép tuỷ cũng là một con dao hai lưỡi. Ngoài những ưu điểm kể trên thì phương pháp này cũng có thể xuất hiện các biến chứng liên quan như:

  • Bệnh ghép chống chủ là tình trạng các tế bào của người hiến nhận nhầm các tế bào của người nhận là ngoại lai và tấn công chúng. Các trường hợp nhẹ thì cơ thể chỉ xuất hiện các triệu chứng như phát ban, sốt, buồn nôn, tiêu chảy,… Tuy nhiên trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong. Biến chứng này có thể xuất hiện bất cứ khi nào sau khi cấy ghép.
  • Các biến chứng khác như viêm loét niêm mạc, viêm tắc tĩnh mạch, nhiễm trùng, xuất huyết,…
  • Ngoài ra, ghép tế bào gốc tạo máu về lâu dài có thể dẫn tới các biến chứng như ung thư thứ phát, suy chức năng các tuyến nội tiết,…

Thuốc ức chế miễn dịch

Phác đồ dùng thuốc ức chế miễn dịch được áp dụng khi bệnh nhân không điều trị bằng ghép tế bào gốc tạo máu. Các thuốc thường được dùng trên lâm sàng gồm:

  • Thuốc ức chế miễn dịch gồm Antithymocyte globulin (ATG), antilymphocyte globulin (ALG), cyclosporine (CsA).
  • Thuốc kích thích tạo máu gồm Eltrombopag, G - CSF và Androgen. 

Tuỳ thuộc vào khả năng cung ứng thuốc tại các cơ sở y tế cũng như điều kiện kinh tế người bệnh mà bác sĩ chỉ định sử dụng phác đồ điều trị khác nhau.

Bệnh cạnh công dụng điều trị, thuốc ức chế miễn dịch cũng có các tác dụng phụ khi sử dụng như cao huyết áp, suy thận, viêm gan,… Vì vậy cần phải theo dõi sát tình trạng đáp ứng của thuốc trong quá điều trị để có biện pháp điều chỉnh phù hợp.

Điều trị hỗ trợ

Phương pháp điều trị hỗ trợ được sử dụng đồng thời với điều trị đặc hiệu để nâng cao hiệu quả điều trị và giảm các biến chứng nguy hiểm. Một số phương pháp điều trị hỗ trợ:

  • Truyền khối hồng cầu: Được chỉ định khi huyết sắc tố bệnh nhân dưới 80 g/L. Nên duy trì mức huyết sắc tố 90 – 100g/L để đáp ứng nhu cầu hoạt động hằng ngày của cơ thể.
  • Truyền khối tiểu cầu khi xét nghiệm công thức máu có tiểu cầu < 10 G/L kèm theo tình trạng xuất huyết trên lâm sàng.
  • Điều trị các nhiễm trùng đi kèm và cân nhắc dùng kháng sinh dự phòng trong một số trường hợp đặc biệt. Đối với bệnh nhân suy tủy xương nếu có nhiễm trùng nên sử dụng kháng sinh phổ rộng đồng thời thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để tìm căn nguyên gây bệnh.
  • Thải sắt khi ferritin > 800 ng/ml. Bởi bệnh nhân suy tủy xương phải truyền máu nhiều lần dẫn tới nguy cơ quá tải sắt và các biến chứng nguy hiểm như xơ gan, suy tim,…
  • Bổ sung thêm canxi, kali, magie,… nếu cơ thể bị thiếu hụt do tác dụng phụ của các thuốc ức chế miễn dịch.

Ngày nay với sự phát triển của y học, tỷ lệ sống trên 5 năm sau điều trị của bệnh suy tủy xương có xu hướng tăng cao nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Do đó, nắm bắt rõ thông tin về các dấu hiệu nhân biết bệnh suy tủy xương giúp bạn bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình tốt hơn. Đồng thời,  chăm sóc sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín là cách tốt nhất để phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm.  

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết