Ung thư cổ tử cung là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong liên quan đến ung thư ở phụ nữ trên toàn thế giới. Bệnh nhân ung thư cổ tử cung có nguy cơ cao tái phát tại chỗ hoặc di căn xa trong vài năm đầu sau khi điều trị ban đầu. Theo dõi bài viết để nhận biết sớm dấu hiệu ung thư cổ tử cung tái phát.
Vị trí ung thư cổ tử cung tái phát
Ung thư cổ tử cung tái phát được định nghĩa là sự tái phát triển khối u cục bộ hoặc sự phát triển của hạch bạch huyết hoặc di căn xa ít nhất sáu tháng sau khi tổn thương nguyên phát đã được điều trị. Các vị trí tái phát thường xuyên nhất có thể được phân loại như sau :
- Ví trí cũ hoặc trung tâm vùng chậu (bao gồm tái phát chỉ ở vòm âm đạo, cổ tử cung, tử cung, mô cận tử cung.
- Khu vực (có hoặc không có liên quan đến âm đạo) được xác định là phía trước: xâm lấn bàng quang, niệu quản, niệu đạo, hoặc phía sau: xâm lấn trực tràng, cơ vòng hậu môn, hoặc là xâm lấn thành bên, mạch máu và dây thần kinh vùng chậu, hoặc liên quan đến các hạch bạch huyết vùng chậu.
- Tái phát xa: bao gồm tái phát dưới cơ hoành (hạch cạnh động mạch chủ) hoặc tái phát hạch trên cơ hoành, hoặc di căn cơ quan xa (phổi, gan)
Việc quản lý ung thư cổ tử cung tái phát phụ thuộc vào các phương pháp điều trị trước đó. Tỷ lệ tái phát sau phẫu thuật ban đầu được báo cáo là khoảng 27%. Tỷ lệ sau phẫu thuật cắt cổ tử cung triệt để, bảo tồn khả năng sinh sản là 4%. Những bệnh nhân được điều trị bằng hóa - xạ trị kết hợp có tỉ lệ tái phát là 32%.
Dấu hiệu ung thư cổ tử cung tái phát
Thông thường ung thư cổ tử cung sẽ tái phát trong vòng 2 năm đầu sau lần điều trị đầu tiên. Một số phụ nữ có tiền sử ung thư cổ tử cung được điều trị, nhiều đợt tái phát có thể không có triệu chứng. Những triệu chứng thường gặp khi ung thư cổ tử cung tái phát thường giống triệu chứng của ung thư cổ tử cung lần đầu như:
- Đau bụng và đau vùng chậu
- Đau chân hoặc phù bạch huyết
- Chảy máu hoặc tiết dịch âm đạo
- Các triệu chứng tiết niệu
- Ho và sụt cân
- Chu kỳ kinh nguyệt bất thường
Ung thư cổ tử cung tái phát không có triệu chứng thường được phát hiện bằng cách khám thực thể như chẩn đoán hình ảnh ( Chụp MRI, X-quang, Nội soi, Chụp CT,...) và qua các xét nghiệm tế bào, pap smear, SCC, Ca125.
Khuyến nghị đánh giá theo dõi 3–6 tháng một lần trong 2 năm đầu sau khi điều trị, tiếp theo là 6 tháng một lần trong 3 năm tiếp theo ở những bệnh nhân được điều trị ung thư cổ tử cung.