Đau nửa đầu: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Đau nửa đầu: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Đau nửa đầu
Đau nửa đầu: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh: BookingCare

Đau nửa đầu: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 25/09/2023 | Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Đau nửa đầu ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống, công việc của người bệnh. Hiểu rõ về bệnh đau nửa đầu sẽ giúp bạn giảm thiểu số lượng và tình trạng đau nửa đầu.

Đau nửa đầu là một bệnh thần kinh phổ biến gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, thường gặp nhất là cơn đau đầu nhói ở một bên đầu. Đau nửa đầu còn có tên gọi khác là đau đầu migraine. Đau nửa đầu là một chứng rối loạn thần kinh thường gây ra các cơn đau đầu tăng dần đến mức dữ dội. Cơn đau nửa đầu xuất hiện theo từng đợt và đôi khi còn kèm theo buồn nôn, nôn mửa và nhạy cảm với ánh sáng và nhiều triệu chứng khác.

Chứng đau nửa đầu có thể khiến bạn không thể đi làm, đi học hoặc tham gia các hoạt động hàng ngày khác.

Nhìn chung, người ta phân loại đau đầu thành 2 nhóm căn nguyên là: đau đầu nguyên phát và đau đầu thứ phát. Chứng đau nửa đầu thuộc nhóm đau đầu nguyên phát, có nghĩa là nó không phải do một tình trạng bệnh lý khác gây ra. Rối loạn đau đầu nguyên phát là một chẩn đoán lâm sàng, nghĩa là không có xét nghiệm máu hoặc nghiên cứu chẩn đoán hình ảnh nào có thể giúp chẩn đoán xác định bệnh.

Triệu chứng đau nửa đầu

Triệu chứng chính của chứng đau nửa đầu là đau một bên đầu. Cơn đau đôi khi được mô tả là cảm giác như đập thình thịch hoặc đau nhói. Nó có thể bắt đầu từ mức độ đau âm ỉ, sau đó phát triển thành cơn đau theo nhịp mạch đập ở mức độ nhẹ, trung bình hoặc nặng.

Nếu không được điều trị, cơn đau đầu của bạn thường sẽ tiến triển thêm từ mức độ trung bình đến nặng. Cơn đau có thể chuyển từ bên này sang bên kia đầu, hoặc có thể đau ở cả phía trước, phía sau đầu hoặc toàn bộ đầu. Một số người cảm thấy đau quanh mắt hoặc thái dương, đôi khi ở mặt, vùng xoang, hàm hoặc cổ.

Các triệu chứng khác của chứng đau nửa đầu bao gồm:

  • Nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn và mùi hôi.
  • Buồn nôn, nôn, khó chịu ở dạ dày và đau bụng.
  • Ăn mất ngon.
  • Cảm thấy rất nóng hoặc lạnh (ớn lạnh).
  • Màu da nhợt nhạt (xanh xao).
  • Cảm thấy mệt mỏi.
  • Chóng mặt và hoa mắt.

Nguyên nhân gây ra chứng đau nửa đầu

Các bác sĩ hiện chưa biết nguyên nhân chính xác gây chứng đau nửa đầu, nhưng người ta nhận thấy rằng chúng dường như có liên quan đến những thay đổi trong hoạt động của não và gen của bạn.

Trong nhiều năm, các nhà khoa học cho rằng chứng đau nửa đầu xảy ra do sự thay đổi lưu lượng máu trong não. Tuy vậy, hầu hết các nghiên cứu bây giờ chỉ rằng sự thay đổi lưu lượng máu này có thể góp phần gây ra đau nửa đầu nhưng không phải là nguyên nhân gây ra đau nửa đầu.
Các cơn đau nửa đầu có thể được kích hoạt bởi nhiều yếu tố. Các tác nhân kích hoạt phổ biến bao gồm:

  • Căng thẳng
  • Sự thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ
  • Dùng quá nhiều caffeine hoặc cai caffeine
  • Các yếu tố kích thích cảm giác như: đèn nhấp nháy, âm thanh lớn,...
  • Thay đổi thời tiết

Chứng đau nửa đầu được chẩn đoán như thế nào?

Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh lý và các triệu chứng cụ thể của bạn. Sẽ hữu ích nếu bạn ghi nhật ký theo dõi về các triệu chứng của mình và bất kỳ tác nhân kích thích nào mà bạn nhận thấy có thể gây khởi phát cơn đau. Hãy viết ra:

  • Bạn có những triệu chứng gì, bao gồm cả vị trí đau (đau đầu bên trái, đau đầu bên phải,...)
  • Tần suất bạn bị đau nửa đầu
  • Một cơn đau nửa đầu thường kéo dài trong thời gian bao lâu
  • Các thành viên khác trong gia đình có ai mắc chứng đau nửa đầu không
  • Tất cả các loại thuốc và chất bổ sung bạn dùng, kể cả những loại thuốc không cần kê đơn
  • Các loại thuốc khác mà bạn nhớ đã từng dùng trong quá khứ

Bác sĩ có thể yêu cầu làm các xét nghiệm cận lâm sàng để loại trừ những nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng của bạn, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu
  • Kiểm tra hình ảnh sọ não như chụp Cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp Cắt lớp vi tính (CT)
  • Điện não đồ (EEG)
Đau nửa đầu ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống, công việc
Đau nửa đầu ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống, công việc - Nguồn: Freepik.com

Điều trị chứng đau nửa đầu

Chứng đau nửa đầu là bệnh mạn tính, hiện nay chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn chứng đau nửa đầu. Nhưng bạn có thể điều trị và ngăn ngừa để cải thiện các cơn đau nửa đầu. Các phương pháp điều trị đau nửa đầu phổ biến bao gồm:

  • Dùng thuốc giảm đau không kê đơn: Những loại thuốc này thường có tác dụng nhanh chóng. Nhưng hãy cẩn thận khi dùng thuốc giảm đau quá nhiều, bạn có thể bị đau đầu tái phát hoặc trở nên phụ thuộc vào chúng.
  • Dùng thuốc ngăn ngừa đau nửa đầu: Nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, cơn đau đầu của bạn trầm trọng hoặc bạn bị đau nửa đầu từ 4 ngày trở lên mỗi tháng, bác sĩ có thể kê đơn bạn dùng thuốc ngăn ngừa đau nửa đầu. Thuốc ngăn ngừa làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của cơn đau nửa đầu. Thuốc thường được dùng đều đặn hàng ngày để giúp ngăn ngừa chứng đau nửa đầu.

Điều trị đau nửa đầu tại nhà

Bạn có thể tự quản lý khắc phục triệu chứng đau nửa đầu tại nhà bằng các biện pháp sau:

  • Nghỉ ngơi trong phòng tối, yên tĩnh, mát mẻ
  • Chườm khăn lạnh hoặc khăn mát lên trán hoặc sau cổ
  • Uống nhiều nước
  • Thiền định
  • Xoa bóp, massage da đầu và thái dương
  • Bổ sung vitamin
  • Tập yoga
  • Sử dụng các liệu pháp giảm đau không xâm lấn
  • Các phương pháp điều trị vật lý như nắn khớp xương, xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu,...

Trao đổi và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bạn thử bất kỳ phương pháp điều trị bổ sung hoặc thay thế nào.

Phòng ngừa chứng đau nửa đầu

Không có cách chữa trị hoàn toàn chứng đau nửa đầu, nhưng bạn có thể tự khắc phục những cơn đau, giảm tần suất và giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của triệu chứng đau nửa đầu bằng cách làm theo những lời khuyên sau:

  • Duy trì một cuốn nhật ký đau nửa đầu. Ghi lại bất kỳ loại thực phẩm và tác nhân nào khác mà bạn nghĩ có thể khiến bạn gặp cơn đau nửa đầu. Thực hiện những thay đổi trong chế độ ăn uống của bạn và tránh những tác nhân đó càng nhiều càng tốt.
  • Tìm hiểu các kỹ thuật để kiểm soát căng thẳng như thiền, yoga, rèn luyện thư giãn.
  • Tập thể dục thường xuyên và duy trì cân nặng.
  • Hãy hỏi bác sĩ về các loại thuốc phòng ngừa nếu bạn bị chứng đau nửa đầu trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc nếu việc thay đổi lối sống không giúp ích gì.

Trên đây là các thông tin về chứng đau nửa đầu. Hy vọng bạn sẽ tìm ra yếu tố nguy cơ gây khởi phát cơn của riêng mình và khắc phục những cơn đau nửa đầu hiệu quả. Hãy lên lịch thăm khám với bác sĩ nếu:

  • Số lượng hoặc mức độ nghiêm trọng của cơn đau nửa đầu tăng lên hoặc tình trạng đau nửa đầu của bạn thay đổi.
  • Thuốc bạn đang dùng dường như không còn tác dụng nữa hoặc bạn đang gặp phải các tác dụng phụ khác.
Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare