Đau thắt ngực - Tiềm ẩn bệnh lý tim mạch

Tác giả: - Xuất bản: 03/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 21/03/2024
Đau thắt ngực là dấu hiệu bệnh tim mạch nguy hiểm
Đau thắt ngực là dấu hiệu bệnh tim mạch nguy hiểm - Ảnh: BookingCare
Đau thắt ngực là một triệu chứng thường gặp, đa dạng và có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong nhiều trường hợp, đau thắt ngực có thể là dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, đặc biệt là tiềm ẩn bệnh lý tim mạch.

Nhắc đến đau thắt ngực người ta thường nghĩ đến các bệnh lý mạch vành ở người lớn tuổi, thế nhưng theo những nghiên cứu gần đây đau thắt ngực hiện đang có xu hướng gặp nhiều hơn ở người trẻ. Cùng BookingCare tìm hiểu đau thắt ngực là gì, biểu hiện ra sao, nguyên nhân và cách phòng ngừa đau thắt ngực.

Đau thắt ngực là gì?

Đau thắt ngực chỉ cảm giác đau ở vùng ngực, thường được mô tả là cảm giác bị ép, áp lực, nặng nề, căng cứng hoặc đau ở ngực. Có cảm giác như có một khối nặng đè lên ngực. Đau thắt ngực có thể là một cơn đau mới hoặc cơn đau tái phát.

Có nhiều vấn đề sức khoẻ có thể gây ra đau thắt ngực, nhưng nguy hiểm nhất khi nhắc đến đau thắt ngực đó là lo sợ về nhồi máu cơ tim và bệnh lý mạch vành.

Thông thường đau thắt ngực chia làm:

  • Đau thắt ngực ổn định: là dạng đau thắt ngực phổ biến nhất. Nó thường xảy ra khi hoạt động (gắng sức) hay stress tâm lý và biến mất khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc trị đau thắt ngực. Ví dụ, cơn đau xuất hiện khi bạn đi bộ lên dốc hoặc trong thời tiết lạnh có thể là chứng đau thắt ngực. Cơn đau thắt ngực ổn định có thể dự đoán được và thường giống với những cơn đau ngực trước đó. Cơn đau ngực thường kéo dài trong thời gian ngắn, có thể khoảng 5 phút hoặc ít hơn.
  • Đau thắt ngực không ổn định (cấp cứu y tế): đau thắt ngực không ổn định là không thể đoán trước và xảy ra khi nghỉ ngơi. Hoặc cơn đau thắt ngực ngày càng trầm trọng hơn và xảy ra ngay cả khi nghỉ ngơi, đang ngủ hoặc sinh hoạt bình thường. Nó thường nghiêm trọng và kéo dài hơn cơn đau thắt ngực ổn định, có thể là 20 phút hoặc lâu hơn. Cơn đau không biến mất khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc trị đau thắt ngực thông thường. Nếu lưu lượng máu không được cải thiện, tim sẽ bị thiếu oxy có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim và đe dọa tính mạng nghiêm trọng tính mạng người bệnh. Đau thắt ngực không ổn định rất nguy hiểm và cần được điều trị khẩn cấp.
  • Đau thắt ngực biến thể (đau thắt ngực Prinzmetal): còn gọi là đau thắt ngực Prinzmetal. Nguyên nhân là do sự co thắt trong động mạch tim làm giảm lưu lượng máu tạm thời. Đau ngực dữ dội là triệu chứng chính của chứng đau thắt ngực biến thể. Nó thường xảy ra theo chu kỳ, thường là lúc nghỉ ngơi và qua đêm. Cơn đau có thể thuyên giảm bằng thuốc điều trị

Biểu hiện của đau thắt ngực

Triệu chứng chính của đau thắt ngực là đau ngực. Đau ngực do đau thắt ngực thường:

  • Cảm thấy căng cứng, hoặc nặng nề như có vật gì đè nặng.
  • Đau có thể lan đến cánh tay, cổ, hàm hoặc lưng
  • Cơn đau thường xuất hiện khi căng thẳng hoặc gắng sức, dừng lại trong vòng vài phút nghỉ ngơi

Mức độ nghiêm trọng, thời gian và tính chất cơn đau thắt ngực có thể khác nhau trên từng đối tượng cụ thể. Cơn đau thắt ngực điển hình do bệnh lý tim mạch vành thường khởi phát sau hoạt động gắng sức và có xu hướng thuyên giảm trong vòng vài phút sau nghỉ ngơi hoặc uống thuốc trợ tim.

Mảng xơ vữa gây tắc nghẽn các nhánh động mạch - Ảnh: Freepik

Nguyên nhân đau thắt ngực

Cần phân biệt rõ đau ngực và đau thắt ngực. Hai triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn, tuy nhiên thái độ xử trí khác nhau. Phần này bài đọc tập trung chủ yếu vào các nguyên nhân gây đau thắt ngực, bao gồm:

  • Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu cần loại trừ ngay khi đứng trước tình trạng đau thắt ngực, gồm một số bệnh:
    • Nhồi máu cơ timnguyên nhân phổ biến nhất xảy ra khi mảng xơ vữa lớn che lấp hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn ở một hoặc nhiều nhánh động mạch vành dẫn đến thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim, có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho tim. Đây là một cấp cứu nguy hiểm hàng đầu trong chuyên ngành tim mạch.
    • Cơn đau thắt ngực không ổn định: là sự không ổn định của mảng xơ vữa và mảng này bị nứt vỡ ra, tuy nhiên mảng xơ vữa này không che lấp hoàn toàn nhánh động mạch vành. Dù mức độ nguy hiểm và diễn biến không nhanh như nhồi máu cơ tim nhưng cơn đau thắt ngực không ổn định lại có thể tiến triển thành nhồi máu cơ tim.
    • Cơn đau thắt ngực ổn định: là cơn đau xảy ra trong thời gian ngắn, xảy ra khi căng thẳng hoặc gắng sức, giảm khi người bệnh nghỉ ngơi và đáp ứng với thuốc. 
    • Viêm cơ tim: bệnh xảy ra do tình trạng viêm đi kèm theo hoại tử các tế bào cơ tim. Viêm cơ tim có thể do nhiều nguyên nhân (như virus, nhiễm trùng, chất gây độc tim, thuốc, và các bệnh hệ thống như sarcoidosis), nhưng thường là tự phát. 
    • Viêm màng ngoài tim: là tình trạng viêm lớp màng quanh tim.
    • Lóc tách động mạch chủ: triệu chứng và dấu hiệu bao gồm đột ngột xuất hiện đau ngực như xé hoặc đau lưng trên, và lóc tách có thể dẫn đến hở van động mạch chủ và ảnh hưởng đến tuần hoàn các nhánh động mạch.
  • Các vấn đề và bệnh lý tại cơ quan khác:
    • Phù phổi cấp
    • Thuyên tắc động mạch phổi
    • Chấn thương
    • Stress
    • Zona

Ngoài ra một số yếu tố nguy cơ sau cũng là tác nhân làm tăng các bệnh lý, gây đau thắt ngực:

  • Cao huyết áp: huyết áp cao trong thời gian dài làm tổn thương các động mạch.
  • Hút thuốc: tiếp xúc với khói thuốc trong thời gian dài sẽ phá hủy các động mạch dẫn đến tim, khiến các mảng bám cholesterol tích tụ và làm tắc nghẽn dòng chảy của máu.
  • Bệnh đái tháo đường: làm gia tăng nguy cơ bệnh mạch vành, dẫn đến đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim, làm tăng khả năng xơ vữa động mạch và tăng nồng độ cholesterol máu.
  • Mỡ máu cao: Cholesterol làm thu hẹp các động mạch trên khắp cơ thể, nhất là động mạch cung cấp cho tim. Cholesterol "xấu", làm tăng nguy cơ đau thắt ngực và đau tim.
  • Có tiền sử trong gia đình mắc bệnh tim.
  • Tuổi cao: nam trên 45 tuổi và phụ nữ trên 55 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Thiếu tập thể dục.
  • Béo phì.
  • Một chế độ ăn không lành mạnh

Phòng ngừa đau thắt ngực

Ngăn ngừa chứng đau thắt ngực bằng cách sống một lối sống lành mạnh cho tim. Thực hiện các bước sau để giúp trái tim khỏe mạnh và sức khỏe tốt hơn:

  • Tránh hút thuốc và tất cả các sản phẩm thuốc lá. Ngoài ra, tránh tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim. Giảm lượng chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, đường và natri.
  • Tránh căng thẳng. Hãy thử thiền, tập yoga hoặc nói chuyện với chuyên gia tư vấn hoặc bạn bè.
  • Giữ cân nặng ở trạng thái “khỏe mạnh”. 
  • Quản lý các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành. Chúng bao gồm huyết áp cao, cholesterol cao, chất béo trung tính cao và bệnh đái  tháo đường. Theo dõi và điều trị nghiêm túc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
  • Duy trì thói quen vận động, thể dục thể thao. Cố gắng tập thể dục ít nhất 150 phút (2,5 giờ) mỗi tuần. Đi dạo hoặc tìm các hoạt động yêu thích khác.
  • Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ tim mạch. Nhiều loại thuốc trong số này đã được chứng minh là làm giảm hoặc loại bỏ các triệu chứng đau thắt ngực.

Đau thắt ngực là một triệu chứng không đặc hiệu, có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khoẻ, trong đó có các bệnh lý tim mạch nguy hiểm. Vì vậy ngay khi có triệu chứng đau thắt ngực người bệnh nên đến cơ sở y tế thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.