Nhồi máu cơ tim: Tổng quan về bệnh và cách chăm sóc, phòng ngừa
Nhồi máu cơ tim: Tổng quan về bệnh và cách chăm sóc, phòng ngừa
nhoi-mau-co-tim
Nhồi máu cơ tim là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới - ảnh: BookingCare

Nhồi máu cơ tim: Tổng quan về bệnh và cách chăm sóc, phòng ngừa

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 28/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 16/01/2024
Nhồi máu cơ tim cấp là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nhiều độ tuổi, đặc biệt là người mắc bệnh mạch vành. Đọc thêm thông tin về bệnh nhồi máu cơ tim trong bài viết.

Nhồi máu cơ tim là tình trạng tắc hoàn toàn một hoặc nhiều nhánh động mạch vành dẫn máu nuôi cơ tim. Nhồi máu cơ tim là bệnh lý, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh.

Triệu chứng nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim có thể biểu hiện thông qua một số triệu chứng như: 

  • Các cơn đau thắt ngực với tần suất và mức độ ngày càng tăng
  • Cảm giác bị bóp nghẹt phía sau xương ức
  • Triệu chứng đau đau ngực điển hình: đau lan lên vai trái, cánh tay trái, lưng, thậm chí lan đến răng và xương hàm
  • Đau theo cơn, cơn từ 20 phút trở lên, trong cơn có thể có: .
  • Khó thở
  • Vã mồ hôi
  • Buồn nôn 
  • Mệt mỏi, phải nằm bất động để giảm cơn đau

Trên thực tế, có một số trường hợp bị nhồi máu cơ tim nhưng không có biểu hiện đau ngực rõ rệt (gọi là nhồi máu cơ tim thầm lặng). Hiện nay, các dấu hiệu nhồi máu cơ tim đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa với nhiều trường hợp bệnh từ 35 - 45 tuổi ngày càng phổ biến.

Nguyên nhân nhồi máu cơ tim

  • Tắc nghẽn động mạch: sự tích tụ của máu chảy từ động mạch bị nứt, vỡ hoặc cholesterol tích tụ trên thành mạch tạo thành các cục nghẽn cản trở lưu thông máu đến vùng cơ tim mà mạch máu đó chi phối.
  • Cục máu đông từ nơi khác chuyển đến tim theo đường mạch máu gây tắc nghẽn.
  • Cả hai nguyên nhân trên thường có những yếu tố nguy cơ sau:
    • Thói quen sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện (thuốc lá, rượu, bia...) gây tổn thương mạch vành.
    • Tuổi tác: nam giới từ 45 và nữ 55 tuổi trở lên bước vào giai đoạn suy giảm chức năng hoạt động của các cơ quan làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
    • Một số bệnh lý tuần hoàn như: tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu.
    • Lối sống tĩnh tại.
    • Áp lực, căng thẳng công việc và cuộc sống.

Các biến chứng nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:

  • Rối loạn nhịp tim: nhồi máu cơ tim có thể gây tổn thương tế bào cơ tim từ đó sinh ra các rối loạn về nhịp tim, gây ra tình trạng khó thở, co thắt ngực
  • Đau thắt ngực không ổn định: dẫn đến cơn đau thắt ngực nặng và kéo dài, có thể cảnh báo dấu hiệu của cơn đau tim đột ngột.
  • Suy giảm chức năng tim mạch: liên quan đến việc suy giảm khả năng bơm máu của tim dẫn tới tình trạng suy tim, vỡ tim hoặc các vấn đề về van tim…
  • Một số trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong.

Các phương pháp chẩn đoán nguyên nhân nhồi máu cơ tim

Để chẩn đoán cụ thể nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim, bác sĩ có thể áp dụng một số phương pháp kiểm tra như sau:

  • Kiểm tra lâm sàng: bao gồm đánh giá nhịp tim, kiểm tra huyết áp, kiểm tra triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh lý… để đánh giá tình trạng tổng thể.
  • Thử nghiệm gắng sức đánh giá hoạt động tim mạch khi vận động.
  • Xét nghiệm máu: kiểm tra cholesterol nhằm xác định nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim.
  • Các xét nghiệm hình ảnh: chụp X quang, chụp CT cắt lớp nhằm kiểm tra các dấu hiệu bất thường ở tim.
  • Xét nghiệm điện tâm đồ (ECG): kiểm tra mức độ hoạt động của tim thông qua biểu đồ điện tim.

Cách điều trị nhồi máu cơ tim

Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị nhồi máu cơ tim cụ thể như sau:

  • Thay đổi lối sống: áp dụng cho các trường hợp mới phát hiện nguy cơ nhồi máu cơ tim, bao gồm các điều chỉnh thói quen sinh hoạt: ngủ đủ giấc, không hút thuốc, ăn uống lành mạnh và tập thể dục nhiều hơn. 
  • Điều trị bằng thuốc: kiểm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, cholesterol hoặc tiểu đường cho các trường hợp mắc các bệnh lý liên quan bằng các loại thuốc cholesterol, thuốc chống đau tim (như nitroglycerin, ranolazine…), thuốc chống đông máu…
Nitroglycerin là một trong số các loại thuốc liên quan đến điều trị nhồi máu cơ tim - ảnh: canva.com
  • Điều trị tái thông mạch máu: Sau khi chụp động mạch vành nhằm đánh giá hình thái tổn thương. Tùy từng trường hợp bệnh nhân có thể được chỉ định đặt stent động mạch vành hoặc phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành nhằm khôi phục tuần hoàn tưới máu cho tim.

Sơ cứu người bị nhồi máu cơ tim

  • Gọi cấp cứu trợ giúp từ các cơ sở y tế địa phương.
  • Để bệnh nhân nằm nghỉ ở nơi thoáng mát, không vận động mạnh
  • Trong thời gian chờ cấp cứu cần kiểm tra nhịp tim của người bệnh. Nếu người bệnh mất ý thức, nồng độ SpO2 < 90% hoặc không có nhịp tim, cần thực hiện ép tim nhân tạo.
    • Đặt nạn nhân nằm thẳng, đặt lòng bàn tay ở giữa ngực (giữa đường kẻ ngang nối giữa hai đầu xương sườn) để ép tim. Thực hiện 30 nhịp liên tục với tốc độ khoảng 100-120 nhịp/phút, độ sâu lực ép từ 5-6 cm. Sau 30 nhịp nhấn, thực hiện thổi hơi vào miệng nạn nhân, lưu ý khi thổi cần bóp mũi bệnh nhân và lực thổi hơi vừa để đủ tránh gây áp lực.

Phòng bệnh nhồi máu cơ tim

Để hạn chế nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim, bạn đọc cần ghi nhớ một số lưu ý chăm sóc và phòng bệnh như sau:

  • Điều chỉnh lối sống: Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, kiểm soát cân nặng, hạn chế sử dụng rượu, bia và hút thuốc lá.
  • Kiểm soát nồng độ cholesterol và huyết áp, thăm khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ nếu cần thiết.
  • Quản lý căng thẳng và áp lực: tránh làm việc căng thẳng quá mức, thực hiện nghỉ ngơi phù hợp, tham gia các hoạt động giải trí, tập luyện… để thư giãn và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhồi máu cơ tim tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng, vì vậy việc tìm hiểu các thông tin liên quan và thực hiện thăm khám, chăm sóc sức khỏe tim mạch thường xuyên là điều quan trọng giúp hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare